Giáo dục

Lo bị 'bóp chết', các trường trung cấp y dược kêu cứu

30 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đào tạo y dược tại Hà Nội và TPHCM vừa nhóm họp để kiến nghị việc Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ có thể 'bóp chết' họ.


Sáng 15/9, Trường Trung cấp y dược Lê Hữu Trác đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo cao đẳng và trung cấp y dược. Với sự tham gia của 30 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đào tạo y dược tại Hà Nội và TPHCM, các đại biểu đã thống nhất kiến nghị một số nội dung quan trọng liên quan đến sự sống còn của các trường trong thời gian tới.

Dừng đào tạo hệ trung cấp: vội vàng?

Tại hội thảo, một trong những vấn đề đại biểu bức xúc nhất là thông tư liên tịch 26, 27 của liên Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và Dược. Ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị, trường trung cấp (TC) Y – Dược Tuệ Tĩnh cho biết thông tư liên bộ đã tạo nguy cơ không tuyển sinh được, đóng cửa trường cận kề hơn.

“Trường chúng tôi hình thành được 25 năm với thông tư vừa rồi, ảnh hưởng bởi chữ trung cấp, nên phụ huynh hoang mang không muốn cho con học” – ông Minh nhấn mạnh.

ThS Đặng Văn Sáng, Chủ tịch kiêm hiệu trưởng trường TC Bách khoa TPHCM thì phân tích: Khi nhà nước cần, nhà nước kêu gọi, chúng ta hưởng ứng, đầu tư. Nhưng giờ nhà nước nói không cần là không cần ngay. Vậy tài sản, công sức của chúng ta có nguy cơ phá sản thì ai chịu trách nhiệm?

Mặt khác, ông Sáng cũng cho hay các trường sẽ rất vui nếu Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và các Bộ khác chỉ cho biết các trường đào tạo không đáp ứng ở chỗ nào để sửa, nâng cao chất lượng đào tạo.

“Nhưng với các văn bản vừa rồi, Bộ Y tế đã “bóp chết” chúng tôi mà không phải nói câu nào. Bộ Y tế, Bộ Nội vụ ban hành văn bản vội vàng, không lấy ý kiến của các trường” – ông Sáng gay gắt.

Không những thế, ông Sáng cho biết tháng 7/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định 2992, ban hành kế hoạch phát triển nhân lực y tế từ 2015 – 2020. Theo kế hoạch này, thì chúng ta cần trên 300.000 cán bộ y tế. Riêng điều dưỡng cần trên 82.000 điều dưỡng viên có trình độ TC, CĐ, ĐH, dược sĩ cần trên 60.000.

Cũng trong Quyết định 2992, Bộ cũng chỉ ra phấn đấu số điều dưỡng viên trình độ CĐ, ĐH đạt 30%. Nhưng sau đó, chưa được 3 tháng, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ liên tiếp ban hành thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp. Thông tư 27 quy định về ngành dược không tác động nhiều đến người học. Vì việc làm tại các bệnh viện chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Nhưng điều dưỡng thì tác động vô cùng. Vì liên quan đến các bệnh viện.

Các đại biểu tại hội thảo cũng khẳng định hai thông tư liên bộ được ban ra vội vàng. Vì dù hạn dừng đào tạo trung cấp cho ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược là năm 2018 và không tuyển dụng vào năm 2021 nhưng nó lập tức tác động đến lựa chọn của phụ huynh. Và hệ quả của nó còn là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế hiện hành đổ xô đi học để hợp thức hóa tấm bằng. “Có những trường, học viên đăng ký từ giờ nhưng đến năm 2020 mới được cấp bằng vì hết chỉ tiêu” – một lãnh đạo trường trung cấp chia sẻ.

Không đồng ý về “đầu quân” cho Bộ Lao động

Tại hội thảo đại diện các trường trung cấp cho rằng, để đảm bảo chất lượng đào tạo thì phải chuẩn hóa hệ thống giáo dục đào tạo, do đó, Chính phủ nên giao toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân cho Bộ GD&ĐT quản lý sẽ phát huy tốt nhất chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Ông Lương Quang Ngọc, chủ tịch, kiêm hiệu trưởng trường TC Nguyễn Tất Thành, TPHCM cho ngành giáo dục mang rất nhiều rủi ro do bị tác động bởi cơ chế chính sách không nhất quán của Đảng và Nhà nước.

“Tôi không hiểu tại sao Bộ giáo dục quản lý hai đầu (từ mầm non đến phổ thông và ĐH, còn khúc giữa (TC và CĐ) lại giao cho Bộ LĐTB&XH” – ông Ngọc băn khoăn.

Do đó, theo ông Ngọc, các trường TC, CĐ thực sự hoang mang. Không biết thế nào. Vì không an cư không lạc nghiệp được. “Đi đâu về đâu, khi nào, mô hình ra sao. Tôi vẫn muốn chính phủ xem xét lại nghị quyết này để đưa ra một nghị quyết sáng suốt hơn” – ông Ngọc đề xuất. Thứ hai về liên thông. Nếu bị cắt khúc kiểu này thì liên thông kiểu gì?

Bà Trần Lệ Hằng, Chủ tịch kiêm hiệu trưởng trường TC y dược Vạn Hạnh, TPHCM cũng cho hay, trường bà tồn tại hai hệ: trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Chính vì vậy,bà hiểu rất rõ khó khăn của hệ thống nghề nếu muốn liên thông lên CĐ, ĐH. Vì ở Việt Nam chưa có ĐH nghề.

Kết luận hội thảo, ông Lê Ngọc Trọng, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế cho biết kết, thúc hội thảo, các trường thống nhất kiến nghị 4 vấn đề đến các Bộ ngành liên quan. Thứ nhất, đưa các trường TC, CĐ về trực thuộc Bộ GD&ĐT. Thứ hai, Chính phủ có chính sách bảo hộ đối với những trường hưởng ứng chủ trương xã hội hóa giáo dục. Thứ ba, cần điều chỉnh thông tư liên tịch 26, 27 của Bộ Y tế và Nội vụ. Cuối cùng, Chính phủ xem xét cơ chế để các trường TC y dược được nâng cấp thành trường CĐ đào tạo y dược 3 năm theo yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ.

Tác giả bài viết: Nghiêm Huê

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP