Du lịch

Lễ hội ăn thịt chó gây tranh cãi ở Trung Quốc

Người dân ở làng Ngọc Lâm quan niệm ăn thịt chó vào ngày hạ chí sẽ gặp nhiều may mắn, nhưng điều này vấp phải sự phản đối của hội bảo vệ quyền động vật.



Truyền thống ăn thịt chó đã có từ khoảng 400-500 năm trước ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác. Tuy nhiên lễ hội ăn thịt chó ở làng Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) mới chỉ được tổ chức từ năm 2010, bắt nguồn từ những người kinh doanh thịt chó nhằm mục đích thúc đẩy công việc buôn bán của họ. Sau đó, hoạt động này nhanh chóng được người dân ở đây hưởng ứng bởi quan niệm ăn thịt chó vào ngày hạ chí (21-22/6) sẽ gặp được nhiều may mắn. Ảnh: Youokmah


Vào mỗi dịp lễ hội, hàng nghìn con chó được vận chuyển đến đây để tiêu thụ, trong đó có không ít là chó nuôi bị ăn trộm, chó hoang hoặc chó đi lạc. Ngoài thịt chó chế biến sẵn, người ta còn bán cả chó sống. Chúng bị nhốt trong những chiếc lồng chật hẹp, không được cho ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, thậm chí còn bị đánh đập hoặc kiệt sức vì bệnh tật.

Đầu mối cung cấp chó sống lớn nhất ở Ngọc Lâm mỗi dịp lễ hội là chợ Dashichang. Ở đây, người dân tha hồ chọn lựa con ưng ý nhất, sau đó nhờ người bán giết thịt hoặc có thể mang về nhà để tự chế biến. Trong quá trình giết mổ, đồ tể dùng búa đập vào đầu cho con chó ngất đi sau đó nhanh tay bóp cổ chúng đến chết rồi đem đi thui bằng rơm hoặc đèn khò. Đến khi lớp da chó chuyển thành màu nâu vàng cánh gián là có thể đem đi chế biến thành các món ăn khác nhau. Ảnh: Asiantribune


Người dân ở đây cho rằng việc ăn thịt chó của họ không có gì là sai trái, cũng giống như người nước ngoài ăn thịt gà tây. Họ phân biệt giữa những con chó nuôi làm thú cưng và để giết thịt. Họ không ăn thịt chó hàng ngày mà chỉ ăn vào một số dịp đặc biệt trong năm. Ngoài ra, người ta còn cho rằng thịt chó được rửa và nấu bằng rượu vải rất ngon, có lợi cho sức khỏe nên rất được yêu thích ở Ngọc Lâm. Vào mỗi dịp lễ hội, người dân Ngọc Lâm sẽ ngồi quây quần bên những bàn tiệc với các món ăn từ thịt chó và cùng nhau nhâm nhi những ly nước làm từ quả vải như một thú vui. Ảnh: Reuters


Tuy nhiên, đằng sau bàn tiệc mà người ta cho là thịnh soạn ấy là khung cảnh tàn bạo ở những lò giết mổ. Hầu hết cơ sở này đều rất tồi tàn và mất vệ sinh, xung quanh bày la liệt những nồi nước sôi lớn, dao thớt hay đèn khò.... Mặt đất luôn ngập trong máu và chó đã giết mổ cũng chất đống mà không hề được bảo quản sạch sẽ. Đến đây, phóng viên hay các nhà bảo vệ động vật phải lén lút chụp ảnh về việc mua bán và giết thịt chó bởi những đồ tể và chủ cơ sở rất hung dữ, thậm chí là đe dọa hành hung nếu ai có ý định ghi hình. Ảnh: Reuters


Ở chợ Dashichang, những con chó màu vàng hoặc đen luôn đắt khách hơn những con chó khác bởi người dân Ngọc Lâm cho rằng chúng thường khỏe mạnh hơn, thịt thơm ngon hơn. Vào mỗi dịp lễ hội, số lượng chó tiêu thụ ở đây lên tới gần 10.000 con. Tuy nhiên, đây cũng là "chiến trường" giữa những người ủng hộ việc ăn thịt chó và các nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật. Ảnh: Reuters


Ăn thịt chó không phải là việc làm vi phạm pháp luật ở Trung Quốc. Vì vậy, lễ hội ăn thịt chó ở Ngọc Lâm vẫn diễn ra hàng năm, bất chấp chính phủ nước này đang ra sức kêu gọi và cảnh báo người dân cũng như thương lái kinh doanh mặt hàng này về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Có rất nhiều con chó đã được giải cứu bằng việc người dân dùng tiền quyên góp để mua những con vật tội nghiệp và nuôi dưỡng chúng. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một con số nhỏ so với hàng nghìn con bị giết thịt hàng năm ở đây. Ảnh: Reuters


Hiện nay, người dân trên toàn thế giới cũng như các tổ chức xã hội đang đấu tranh mạnh mẽ để phản đối lễ hội ăn thịt chó Ngọc Lâm. "Chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ khi Trung Quốc lại nổi tiếng thế giới với lễ hội tàn ác này, đặc biệt người dân Ngọc Lâm cũng nên biết rằng đây là tội ác mà chính người Trung Quốc cũng cảm thấy ghê sợ" - Xing Hai, nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật ở Trung Quốc cho biết.

Với thông điệp "chó là bạn của con người", trang web Change.org cũng được một tổ chức bảo vệ động vật ở Mỹ lập ra, kêu gọi hơn 200.000 chữ ký của người dân nhằm phản đổi lễ hội thịt chó. Ngoài ra, rất nhiều người nổi tiếng cũng đã kêu gọi chấm dứt lễ hội này, trong đó có diễn viên hài người Anh Ricky Gervais và siêu mẫu Brazil Gisele Bundchen. Ảnh: AFP

Tác giả bài viết: Ngọc Mai

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP