Du lịch

Lễ cúng bến nước độc đáo ở Tây Nguyên

Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng nắng hạn gay gắt. Bên cạnh việc khơi thông kênh đào dẫn nước về tưới mát ruộng vườn, người Tây Nguyên tất bật sắm sanh lễ vật để cúng bến nước và thần nước, vị thần được cho là linh thiêng bậc nhất miền đất này.


Trai làng mổ heo cúng bến nước. Ảnh: KP.

Thôn dã mà trữ tình
Trở lại các buôn làng Tây Nguyên lần này, người bạn đam mê tìm hiểu về dân tộc học Võ Trần Quốc say sưa chụp ảnh, ngay cả những cảnh sinh hoạt đời thường. Này đây những thửa ruộng nứt nẻ chờ nước, những vạt rừng khô khốc chỉ cần một mồi lửa là bùng lên thành đám cháy lớn. Còn kia là nhịp chày đôi giã gạo của những chàng trai cô gái với làn da nâu chắc lẳn, đôi mắt đẹp đa cảm; những bước chân nhún nhảy và mái tóc chảy tràn như suối của các sơn nữ trên đường tắm suối trở về.
Anh Quốc cho chúng tôi xem những tranh ảnh về sơn nữ ngực trần của các họa sĩ Đinh Cường, Lê Hoàng, Phan Dũng… mà anh sưu tập được. Tranh rất đẹp như mô tả trong sử thi Tây Nguyên, các sơn nữ quấn váy và để ngực trần với bờ vai tròn, eo thon, ngực săn nhô lên như cặp ngà non cong vút. Anh hào hứng kể chừng 30 năm trước từng bắt gặp các sơn nữ ngực trần tắm suối hay cảnh các cô gùi những quả bầu đựng nước thoăn thoắt leo lên các bậc thang làm nhún nhẩy bầu ngực tròn mọng. Chỉ tiếc lúc ấy không có máy ảnh để lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng.
“Đúng là những năm đó sơn nữ vẫn còn để ngực trần. Tốt khoe, xấu che mà! Vùng này mùa khô nóng bức lắm nên cởi trần mát mẻ, thoải mái hơn”, già làng Điểu K’Mốt (người S’tiêng, thôn 3, xã Gia Viễn, Cát Tiên, Lâm Đồng) xác nhận. Còn theo các nhà dân tộc học, các tộc người Tây Nguyên đa phần theo chế độ mẫu hệ, tục để ngực trần có thể xuất phát từ ý niệm về phồn thực, sự sinh sôi, nảy nở sung túc, tốt tươi của đồng bào thiểu số.
“Đôi chân trần từ lúc sinh thành đã được ngâm trong dòng nước mát sông Mẹ và sưởi ấm từ ngọn lửa rừng Cha nên mạnh như hổ, nhanh như sóc chinh phục bao ngọn núi cao, vượt bao con sông dài để lập làng sinh sống. Người Tây Nguyên quan niệm mọi thứ đều có linh hồn; nước, lửa, rừng, núi… được cai quản bởi các vị thần, do đó với bất cứ việc trọng đại nào trong đời mỗi con người và cộng đồng đều phải làm lễ cúng để xin phép thần linh”, già làng Krajan Plin (buôn Đang Ja, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) nói.
Bên máng nước thiêng.

Lễ cúng có từ lâu đời
Trong căn nhà truyền thống dài hun hút của nguời Mạ ở buôn Hang Kar (vùng sâu vùng xa huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), già làng K’Pieu vừa khơi cho ngọn lửa bếp ở giữa nhà sàn bùng lên để có thêm hơi ấm vừa kể quá trình tìm đất lập làng, việc đầu tiên là tìm nguồn nước để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Đến khi phát hiện ra nguồn nước, người Tây Nguyên phải cúng thần để xin phép sử dụng. Kể cả khi làng đã định cư lâu đời thì cứ đến tháng 3 hàng năm (khi lúa, bắp, cà phê vừa được thu hoạch xong, chất đầy kho) lại tổ chức lễ cúng bến nước để tỏ lòng biết ơn với những vị thần thiêng liêng đã che chở và giúp đỡ cho buôn làng.
Già K’Pieu nói, ngày trước lễ cúng bến nước kéo dài suốt 3 ngày, rượu cần chất cả dãy, heo phải mổ nhiều con, gà giết thịt cả đàn. Còn có cả hội đua thuyền vì người Mạ nổi tiếng với nghề làm thuyền độc mộc; nhiều tộc người khác mang đồ vật quý giá đến để đổi thuyền. Nay lễ hội chỉ còn 1 ngày, quy mô cũng nhỏ hơn nhưng các nghi thức cổ xưa vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt.

Hơn 2 tháng trước, dân làng bắt đầu vỗ béo gà, heo và ủ rượu cần chuẩn bị cúng bến nước. Rượu được ủ trong ché (hũ sành), lớp dưới cùng của ché là trấu, rồi đến cơm gạo nếp trộn với men, sau đó là các loại lá, thân, rễ cây rừng, gần miệng ché phủ thêm một lớp trấu, bịt thật kín, để ở nơi khô ráo vài tuần là có thể uống. “Nguyên liệu làm rượu cũng chỉ là gạo, nếp thông thường. Bí quyết chính là ở chất gây men được làm từ lá rừng nhưng dùng loại lá nào thì dân làng giữ kín, không tiết lộ cho người ngoài dòng tộc”, già K’Pieu nói.

Vài ngày trước lễ cúng, già làng chọn ngày lành để huy động mọi người dọn vệ sinh khắp buôn và bến nước; dựng các máng nước, thường là bằng ống tre, nứa; dựng cổng chào rồi trang hoàng bằng các loại cây, cỏ cùng một số đồ vật trang trí. Các nam thanh niên khỏe mạnh, tháo vát thì vào rừng chặt cây tre cao 6-7m về dựng cột nêu như một biểu tượng để kết nối giữa con người với các vị thần linh, mời gọi các thần về chứng kiến và cùng chung vui với buôn làng. Vì mang sứ mệnh đặc biệt nên cây nêu được trang trí công phu như một tác phẩm nghệ thuật. Thân tre được điêu khắc những hoa văn, họa tiết và tô màu khá hài hòa, sinh động, đẹp mắt. Ngọn tre được chẻ ra làm 4, uốn cong rồi gắn kèn lá để khi gió thổi qua tạo nên những âm thanh du dương nhằm ru các vị thần và khiến dân làng vui vẻ.
Mọi người kiên nhẫn đợi đến khi già làng đứng nơi đầu nguồn nước, nhỏ máu của con vật hiến sinh xuống tận cuối nguồn rồi mới bắt đầu nghi thức lễ cúng bến nước. Già làng dẫn đầu đoàn rước, kế đến là các chàng trai khỏe mạnh trong trang phục truyền thống khiêng lễ vật gồm heo, gà, rượu cần...; người già và các cô gái cùng tiếp bước để ra bến nước.
“Ơ... ơ... i... Người Mạ sống không thể thiếu các thần. Thần đất, thần nước, thần sông, thần suối, thần núi đã đem đến những may mắn trong năm cũ, cho nguồn nước sạch để mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no. Xin hãy cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi trong năm nay, mọi người khoẻ mạnh, không đau bệnh; lúa, bắp tốt tươi nhiều bông, nhiều trái…”. Già làng khấn xong, một chàng trai vạm vỡ hóa thân hiệp sĩ cầm khiên, đao phóng xuống nước để đánh đuổi ma quỷ, bảo vệ nguồn nước trong lành. “Bây giờ thủ tục giảm bớt nhiều rồi. Nếu là trước kia phải có cả một đội binh sĩ cầm khiên, đao, giáo, mác cùng lao xuống sông đánh đuổi thế lực đen tối”, già K’Brẻl hồi tưởng.
Thổi khèn bầu. Ảnh: HHN.

Sau khi làm lễ, nhiều người lấy nước cho vào các quả bầu khô bỏ vào gùi mang về nhà lấy phước. Đoàn người do già làng dẫn đầu đến từng nhà, hát cầu cúng và rưới tiết vào chân cầu thang để cầu may cho gia chủ. Sau đó mọi người tập trung tại nhà dài để ăn tiệc. Heo, gà vừa mổ, những miếng thịt còn tươi rói được xiên qua que tre rồi nướng trên than hồng thơm phức, sau đó ăn cùng với loại nước chấm độc đáo: lá é giã nhuyễn với ớt xanh và muối hột. Một sơn nữ mời tôi nếm thử món đọt mây nướng chấm với muối hột dầm ớt hiểm rừng. Đầu tiên thấy đắng khủng khiếp nhưng sau đó cảm nhận được hương thơm, vị ngọt và bùi chứ không nồng, gắt. Những món đặc sản Tây Nguyên này cộng hưởng với men rượu cần thơm nồng và ngọt lừ ngon khó tả.
Già làng vừa khui ché rượu cần khai tiệc thì cũng là lúc tiếng tù và dội vào vách núi của dãy Bun Trao hùng vĩ, điệu khèn réo rắt hòa cùng tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang một khoảng trời. Du khách cũng bị cuốn vào vòng xoang, nắm lấy bàn tay hôi hổi của các chàng trai, cô gái nhún nhảy theo tiếng chiêng huyễn hoặc đến tận khuya.
Già K’Pieu nói, ngày trước lễ cúng bến nước kéo dài suốt 3 ngày, rượu cần chất cả dãy, heo phải mổ nhiều con, gà giết thịt cả đàn. Còn có cả hội đua thuyền vì người Mạ nổi tiếng với nghề làm thuyền độc mộc; nhiều tộc người khác mang đồ vật quý giá đến để đổi thuyền. Nay lễ hội chỉ còn 1 ngày, quy mô cũng nhỏ hơn nhưng các nghi thức cổ xưa vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt.

Tác giả bài viết: Kim Anh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP