Tin địa phương

Lễ cột hồn gắn kết yêu thương

Tục cột hồn của đồng bào Ma Coong được gìn giữ, lưu truyền từ ngày họ đến lập làng ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình từ già đến trẻ đều buộc trên cổ tay một vài sợi dây cột hồn. Tục cột hồn của đồng bào Ma Coong được gìn giữ, lưu truyền từ ngày họ đến lập làng ở vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh này.

Tục cột hồn thường thực hiện trong lễ cưới, việc tang, khi trong nhà có người thân đi xa, lúc vợ chồng bất hòa. Tục lệ này còn diễn ra vào những dịp Tết đến xuân về, kết nghĩa anh em, mừng cơm gạo mới. Theo quan niệm của người Ma Coong, tục cột hồn vào đầu năm mới mang ý nghĩa cầu cho một năm gặp nhiều may mắn, mạnh khỏe và bình an, ra đường được nhiều người giúp đỡ… Và sâu xa, những người được cột hồn luôn nhớ về bản làng, con sông, con suối, ngọn núi và những cánh rừng già...

Trưởng bản Đinh Xon (quàng khăn) kể chuyện Lễ cột hồn.

Ông Đinh Xon là người có uy tín ở bản Cà Roong I giải thích rằng: Cột hồn theo tiếng của người bản địa gọi là “chõ a ti”. Ông Đinh Xon lý giải: “Hồn” ở đây được xem là số phận, tính mạng của con người. Chủ lễ cột hồn là già làng hoặc trưởng bản và lễ vật ít nhất một con gà. Ngày Tết thì giết một con heo hoặc trâu, bò. Sợi dây dùng để cột hồn được bày lên mâm cúng.

Ngày xưa, có khi bỏ thêm bạc nén hoặc đồng tiền xu.Sợi dây cột hồn có màu trắng và được chủ lễ buộc vào cổ tay phải người được cột hồn. Trong đời sống người Ma Coong, nghi lễ này rất thiêng liêng, chủ lễ khấn xin may mắn, bình an.

Trưởng bản Đinh Xon kể chuyện làng mình nghe như cổ tích. Tết năm ngoái, vợ chồng Đinh Sự, Y Ran xích mích do người vợ mải chơi, thường hay tụ tập nhảy nhót, uống rượu với bạn bè.Đinh Sự buồn lắm, to tiếng với vợ. Cô vợ Y Ran bỏ về nhà bố mẹ. Lo cho đôi trẻ, bố mẹ Y Ran mời Đinh Xon làm chủ lễ cột hồn.

Buổi lễ cúng cột hồn vào mùa xuân năm đó, Đinh Xon cầu khấn thần linh giữ hồn cô vợ trẻ về với người chồng, sửa tính, đổi nết, giữ ấm êm trong gia đình. Tại lễ cột hồn, hai vợ chồng cúi đầu xin lỗi lẫn nhau và hiểu nhau hơn.

Bây giờ, Đinh Sự, Y Ran đi đâu cũng có nhau, hạnh phúc sum vầy: "Cột hồn cho hai đứa hạnh phúc. Em hứa bất cứ xảy ra chuyện gì, khó khăn, đói khổ thế nào mình cũng luôn có nhau, sống chết bên nhau. Mình hứa là không đánh đập vợ, phải thương vợ".

Người Ma Coong luôn nâng niu sợi dây cột hồn yêu thương.

Nếu như trong lễ cưới, người Ma Coong cúng cột hồn cầu mong tâm hồn đôi vợ chồng trẻ luôn thuộc về nhau thì trong việc tang, lễ cột hồn để giữ người còn sống ở lại với trần gian. Đồng bào quan niệm, cột hồn là để người chết đừng đem người thân đi theo. Người ở lại không được quá đau khổ, buồn bã mà hãy vươn lên, chăm lo cuộc sống tốt hơn.

Còn trong ngày Tết, lễ cột hồn mong cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Từ xưa tới nay, cứ đến ngày Tết, lễ cưới, việc tang, người Ma Coong đều thực hiện nghi lễ cột hồn.

Theo Trưởng bản Đinh Xon, cái hay trong tục cột hồn của người Ma Coong là lễ vật không cầu kỳ, ít tốn kém, người được mời đi cúng lễ không lấy tiền công: "Đúng ngày Tết hay ngày lễ truyền thống của dân tộc mình, khi con cái đi xa về thì cùng nhau cột hồn để gặp con cái, vừa ăn uống vừa tâm tư, mong muốn đoàn tụ trong gia đình, tránh đau, tránh ốm, tránh mọi rủi ro để hạnh phúc".

Ngoài lễ cột hồn với những người thân trong gia đình, người Ma Coong, Thượng Trạch còn có một lễ cột hồn đặc biệt hơn. Đó là lễ cột hồn kết nghĩa anh em với người dưới xuôi hay người nước bạn Lào ở bên kia làng. Người được cột hồn phải có nhân cách tốt, chân thành. Khi tình cảm giữa hai người thân thiết trên mức bạn bè thì làm lễ cột hồn, coi nhau như anh em trong một nhà.

Ông Đinh Hợp - Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết giữ gìn tục đẹp của người Ma Coong.

Đối với lễ cột hồn kết nghĩa anh em, Già làng làm lễ xong, sợi dây được buộc vào cổ tay của chủ nhà và khách. Sau đó, hai người tự chích máu ở ngón tay pha với rượu uống chung. Hai người sau khi cột hồn phải coi nhau như anh em ruột trong một nhà, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn…

Ngày Tết, hai gia đình qua lại thăm hỏi lẫn nhau, cầu chúc cho nhau nhiều điều may mắn và hạnh phúc. Sau nghi lễ cột hồn, con của anh cũng là con của tôi, việc nhà tôi cũng là việc nhà anh, con cháu của họ sau ba đời mới được phép lấy nhau.

Theo già làng Đinh Kim, nếu ai tự động cắt bỏ sợi dây cột hồn ở cổ tay thì coi như tình nghĩa anh em cắt dứt từ đó: "Cột hồn là kết nghĩa anh em. Kết tình anh em thì đói no có nhau, chúc may mắn cho nhau. Rất tình nghĩa, tuy không phải cùng dòng giống nhưng coi nhau như ruột thịt, làm anh em luôn".

Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho rằng, tục cột hồn của người Ma Coong là một tập tục đẹp cần lưu giữ: "Lễ cột hồn có từ lâu đời. Chính quyền địa phương duy trì, động viên bà con không làm méo mó mà giữ gìn sao cho tốt đẹp văn hóa của người Ma Coong".

Người Ma Coong đi đâu cũng nhớ về người thân, bản làng, nhớ từng cánh rừng hoang sơ miền biên viễn. Sợi dây cột hồn dù mỏng manh nhưng gắn kết nghĩa tình giữa những người trong một gia đình, chia sẻ yêu thương giữa người miền ngược và miền xuôi, gắn chặt tình thân với bạn Lào bên kia biên giới.

Ngày Tết, dù có đi đâu, về đâu, người Ma Coong Thượng Trạch ở tỉnh Quảng Bình vẫn luôn nâng niu sợi dây cột hồn với tấm lòng yêu thương, trọn vẹn nghĩa tình.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP