Trong nước

Lãnh đạo Hà Tĩnh chỉ rõ nguyên nhân “làn sóng phá sản” tại Vũng Áng

Thực trạng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, một bộ phận người dân kinh doanh tại khu kinh tế Vũng Áng gặp khó khăn, đang đứng trước nguy cơ phá sản, được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh "giải mã" nguyên nhân. Việc giải cứu doanh nghiệp, người dân thoát khỏi khó khăn gặp rất nhiều thách thức.

Chiều 12/3, PV Dân trí đã cuộc làm việc với ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, người được Thường trực Tỉnh ủy tỉnh này giao trực tiếp phụ trách các vấn đề liên quan đến Khu kinh tế Vũng Áng.

4 nguyên nhân khiến doanh nghiệp, người dân lao đao

Tại buổi làm việc, ông Dương Tất Thắng thừa nhận, tình trạng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, một bộ phận người dân kinh doanh trên địa bàn khu kinh tế Vũng Áng gặp khó khăn, nợ nần gia tăng và đang đứng trước nguy cơ phá sản như phản ảnh của Dân trí là đúng thực tế. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang đặc biệt quan tâm đến thực trạng này.

Ông Thắng chỉ rõ 4 nguyên nhân dẫn đến thực tráng đáng lo ngại nêu trên.

Nguyên nhân đầu tiên là Formosa - hạt nhân chính của Khu kinh tế Vũng Áng với trọng điểm là luyện cán thép, cụm cảng nước sâu và nhiệt điện - đã gần như kết thúc đầu tư giai đoạn 1 của dự án. Khi Formosa giảm đầu tư, hết giai đoạn 1 thì các nhà thầu rút đi, nhu cầu về vật liệu xây dựng, công nhân cũng giảm theo. Đó là nguyên nhân khiến tình trạng các mỏ vật liệu xây dựng, các loại hình dịch vụ vận tải, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ rơi vào khó khăn, bế tắc.

Ông Dương Tất Thắng trong cuộc làm việc với PV Dân trí vào chiều ngày 12/3 (ảnh: Tiến Hiệp).

Nguyên nhân thứ 2, theo ông Thắng là do tác động từ một số sự cố liên quan đến Formosa, mà trầm trọng nhất là sự cố môi trường biển vào tháng 4/2016. Sau sự cố môi trường nói trên Formosa gần như ngưng hoạt động để tập trung khắc phục sự cố theo yêu cầu của nhà chức trách Việt Nam. Các nhà đầu tư thứ cấp của Formosa cũng dừng đầu tư, một bộ phận rút khỏi Vũng Áng.

Nguyên nhân thứ 3, đó là hậu quả của sự dễ dãi trong đầu tư của các doanh nghiệp, người dân. “Hàng ngàn tỷ đồng vốn ngân sách, hàng tỷ USD của Formosa và nhiều nhà đầu tư khác đã tạo nên sức nóng đầu tư tại Vũng Áng. Nhiều nhà đầu tư tìm đến đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt, nhiều nhà đầu tư thấy lợi trước mắt mà không tính đến dài hạn nên rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay” - ông Thắng phân tích.

Nguyên nhân thứ 4, theo ông Thắng, là có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lí nhà nước trong việc không tính toán đúng năng lực nhu cầu của các dự án; cùng một nhu cầu mà cơ quan quản lí nhà nước cấp quá nhiều nhà đầu tư, gây ra một sự cạnh tranh không lành mạnh. Một trong những ví dụ điển hình là việc cấp phép mỏ đá tràn lan dẫn đến tình trạng các mỏ đá ngoắc ngoải chờ phá sản, như phản ánh của Dân trí.

vung ang 1
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, để xảy ra tình trạng doanh nghiệp khai thác đá tại Khu kinh tế Vũng Áng ngắc ngoải như hiện nay có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước khi cấp phép mỏ đá tràn lan.

“Tôi lấy một ví dụ, khi tôi qua Thái Lan tìm hiểu thì 4-5 tỉnh tại đây chỉ được cấp 1 mỏ đá. Cấp như thế không phải là độc quyền mà là để nhà đầu tư tập trung vốn đầu tư quy mô, sản phẩm sản xuất ra xứng đáng với tài nguyên, với đồng vốn họ bỏ ra. Còn ở đây, do cấp quá nhiều mỏ đá (gần 60 mỏ đá quanh Vũng Áng- PV) nên đã xảy ra tình trạng khủng hoảng cung vượt quá cầu, cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá... Cấp phép khai thác nhiều như thế nên khi các dự án tại Vũng Áng chững lại, các mỏ đá rơi vào cảnh hết sức khó khăn” – ông Thắng phân tích.

Tạo làn sóng đầu tư thứ 2 để cứu doanh nghiệp, người dân

Theo ông Thắng, để giải quyết cuộc khủng hoảng đầu tư, giải cứu doanh nghiệp, người dân tại khu kinh tế Vũng Áng thoát khỏi tình trạng khó khăn, khốn đốn như hiện nay, ngoài các cơ chế chính sách hỗ trợ của chính quyền, không còn cách nào khác là tỉnh phải tạo làn sóng đầu tư thứ 2 vào khu kinh tế này.

Ông Thắng cho biết, tiềm năng đầu tư tại Vũng Áng còn rất lớn, với khoảng 700 ha đất, bao gồm cả 300 ha của Formosa, nhiều cầu cảng lên đến hàng ngàn tỷ đồng đã được quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, được phê duyệt. Tuy nhiên việc kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng trong bối cảnh tác động sự cố môi trường biển vừa qua là điều rất khó khăn.

vung ang 2
Những khu giải trí nhiều tỷ đồng như thế này nhưng phải đóng cửa đang tồn tại rất nhiều ở khu kinh tế Vũng Áng.

Ông Thắng cho hay, để tạo ra làn sóng đầu tư mới có hiệu quả bền vững, hiện tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó tỉnh đang nỗ lực tối đa để đưa dự án luyện cán thép, cụm cảng nước sâu và nhiệt điện của Formosa đi đúng lộ trình mà Chính phủ, tỉnh đã cấp phép cho doanh nghiệp này.

“Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ, minh bạch việc Formosa khắc phục hệ thống xử lí xả thải, hoàn tất các công trình bảo vệ môi trường; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm tìm nguyên nhân, xử lý sai phạm của lãnh đạo theo chỉ đạo của Trung ương để tạo được niềm tin cho nhân dân, ổn định lâu dài tình hình an ninh xã hội. Một khi Formosa hoàn thiện các hạng mục trên, chúng ta phải tạo điều kiện để nhà đầu tư này triển khai khởi động lò cao, đưa dây chuyền luyện cán thép, cầu cảng vào hoạt động. Khi Formosa đi vào sản xuất chắc chắn các doanh nghiệp thứ cấp sẽ nhảy vào đầu tư” – ông Thắng nói.

Ngoài ra UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đang tìm kiếm thêm nhà đầu tư mới thông qua việc quyết liệt xử lí vấn đề an ninh trật tự tại Vũng Áng nổi lên sau sự cố môi trường biển, giữ nguyên các cam kết đã ký với nhà đầu tư trước đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đề nghị Chính phủ, Bộ ngành tiếp tục hỗ trợ chính sách, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của Vũng Áng tại các diễn đàn kinh tế quốc tế.

“Khó khăn hiện nay chỉ có thể được giải quyết bằng một làn sóng đầu tư mới. Tôi tin rằng làn sóng đầu tư này cũng sẽ làm giảm bớt sự phụ thuộc vào Formosa” - Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP