Du lịch

Làng cổ Đông Sơn ngàn năm tuổi đã bị lãng quên?

Làng Đông Sơn xưa thuộc xã Đông Giang, huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hoá. Là một làng cổ, những Đông Sơn chưa được chính thức công nhận là làng cổ. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa ở đây còn nhiều hạn chế. Quá trình đô thị hóa đã khiến những dấu xưa của làng cổ chỉ còn là ký ức.

Ngôi nhà cổ gần 200 tuổi còn chắc chắn nhất

Làng cổ hay làng khổ…

Làng cổ Đông Sơn là nơi đầu tiên tìm thấy những di chỉ của nền văn minh Đông Sơn. Tại đây, người dân đã phát hiện chiếc trống đồng đầu tiên, vùi lấp trong lòng đất từ 2.500 – 3.000 năm trước. Năm 1980, tại hội nghị khảo cổ quốc tế ở Berkeley, bang California – Mỹ, đồ đồng Đông Sơn được các nhà khảo cổ đưa ra phân tích và nhận định thuộc một nền văn hóa phát triển rực rỡ với kỹ thuật chế tác tinh xảo cách đây gần 3.000 năm khi đã biết pha với chì khiến hợp kim có độ dai bền đặc biệt. Đó chính là “nền văn hóa Đông Sơn”.

Theo TS. Trần Văn Đạt việc tìm ra trống đồng đã minh chứng nền nông nghiệp cổ đại đã phát triển mạnh dưới thời đại Hùng Vương của người Lạc Việt. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các tầng văn hoá khai quật được đã thể hiện rõ nơi đây chính là làng có lịch sử định cư liên tục từ thời cổ cho đến nay.

Làng cổ Đông Sơn có kết cấu xóm làng cũng như kiến trúc mang đậm dấu ấn của một làng quê thuần nông Bắc bộ. Làng có trục đường chính nằm ở giữa và nhiều nhánh nhỏ rẽ vào các ngõ xóm. Mỗi ngõ gắn liền với một cái tên ý nghĩa: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng.

Từng được đưa vào danh sách 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam cùng với làng cổ Đường Lâm, Phước Tích…, ở làng cổ Đông Sơn, theo chính quyền địa phương cung cấp, hiện còn 13 ngôi nhà cổ. Tuy nhiên, chỉ có 1 ngôi nhà của cụ Duệ, đã trên 200 tuổi, nằm ở số 10 ngõ Trí, còn khá vững chãi, được gia chủ cố gắng lưu giữ, không chỉ kiến trúc mà còn cả nền nếp gia giáo. 12 ngôi nhà còn lại, với tuổi đời trên 100 tuổi, đều đã bị xuống cấp hết sức nghiêm trọng và có thể sập, đổ bất cứ lúc nào.

Ngày nay, đi giữa đường làng, đập vào mắt là những ngôi nhà bê tông, mái bằng, nhiều màu sắc mọc lên vô duyên giữa những ngõ hẹp lát gạch chỉ cổ kính. Đan xen những ngôi nhà mới đã được người dân tự tu sửa, lại là hình ảnh những ngôi nhà cũ nát, xiêu vẹo.

Ngôi nhà hơn 70 m2 của chị Thu, cư trú tại ngõ Nhân, đã xuống cấp đến mức gia đình không thể ở được. Hiện tại, chị chỉ sử dụng ngôi nhà để bán hàng tạp hóa cho các hộ gia đình xung quanh. Chồng chị ra thành phố làm việc từ 4-5 năm nay, để có tiền gửi về nuôi vợ và hai con, cuộc sống nói chung ảm đạm và khó khăn.

“Ở trong nhà cổ, sợ nhất là lúc trời mưa. Ngồi trong nhà mà nước dột tứ bề. Cột gỗ, kèo, xà đã bị rỗng ruột vì muối xông. Cánh cửa sổ, cửa ra vào đều xiêu vẹo, như là sắp đổ. Nghĩ thấy nguy hiểm, tôi và hai con chuyển lên nhà bố mẹ chồng, đã được xây lại bằng bê tông, lợp mái tôn vì ngôi nhà cũ đã không thể ở được”, chị Thu chia sẻ.

Phần lớn người trẻ trong làng đều quyết định chuyển đến nơi khác để làm việc bởi cuộc sống nghèo khó. Anh Dũng, hiện đang làm ở một tiệm ăn ở Hà Nội ý kiến: “Mang tiếng sống trong khu du lịch, sống trong khu làng cổ nhưng chỉ là danh tiếng thế thôi. Ở đây, cơ hội kiếm việc hay kiếm tiền đều không có. Còn nhớ, 6-7 năm trước, bố mẹ tôi đặt sổ đỏ cả ngôi nhà vài trăm mét vuông, vay cho tôi hơn chục triệu lên Hà Nội để làm việc. Hiện tại, người trẻ trong làng chắc đã đi vùng khác làm ăn. Còn người già thì còn tiếc nhà cửa, làng xóm nên mới ở lại”.

Phát triển du lịch nhưng lại không bảo tồn?

Ẩn mình lặng lẽ dưới những tán cây xanh bao phủ, làng Đông Sơn vẫn còn lưu giữ cả một hệ thống các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đủ khiến ai sinh ra từ đây cũng tự hào. Tuy nhiên, những giá trị đó dường như chưa được phát huy đúng với tầm vóc của nó.

Theo các chuyên gia đánh giá, làng cổ Đông Sơn có tiềm năng du lịch lớn, bởi hội tụ đủ 5 loại di tích: khảo cổ, danh thắng cảnh, lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và kiến trúc. Làng cổ Đông Sơn nằm gọn trong thung lũng, bốn bề là sông núi thơ mộng. Những hang đá kỳ vĩ, lãng mạn, mang theo nhiều giá trị thẩm mỹ - văn hóa sâu sắc như hang Cánh Tiên, hang Mắt Rồng, động Tiên Sơn. Rồi những ngọn núi gắn liền với những chiến công oai hùng của dân tộc ta như núi Rồng, núi Ngọc hiên ngang bên dòng sông Mã, cây cầu Hàm Rồng lịch sử.

Trên thực tế, hang động kỳ vĩ nhưng vắng khách tham quan vì ít người biết đến. Bên cạnh đó, những nhà nghỉ hiện đại, sân golf, nhà hàng, khu vui chơi,… đang ùn ùn mọc lên, dường như có phần mâu thuẫn với cảnh quan thiên nhiên bình yên, làm mất đi cái hồn thơ mộng nơi đây. Ví như khu vực động Tiên Sơn đã được đầu tư, tu sửa lại thành… khu vực chụp ảnh cưới. Người ta bố trí những vườn hoa giả, backdrop, gấu bông, đồ trang trí và các phòng chụp ảnh để du khách đến check-in sống ảo.

“Trước đây, du khách tới đây sẽ được hướng dẫn viên đưa vào xem các động và giới thiệu về những truyền thuyết và lịch sử gắn liền với từng khu vực, đúng với ý nghĩa đi tham quan thưởng cảnh. Nhưng từ khi người ta đến làm khu chụp ảnh cưới, những hoạt động văn hóa như trước cũng không còn nữa”. – anh Hải, một người dân sống gần động Tiên Sơn phản ánh.

Mặc dù đã có nhiều hứa hẹn làng cổ Đông Sơn sẽ được quy hoạch bảo tồn để trở thành một trong những làng cổ điển hình của làng quê đất Việt, nhưng công tác bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống ở đây vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa đáp ứng được cuộc sống của người dân.

Để được du khách biết đến, những sản phẩm du lịch đa dạng, chuyên biệt là điều cần thiết. Tuy nhiên, khai thác du lịch không đúng cách đang làm “biến dạng” cảnh quan của làng cổ Đông Sơn. Phải chăng các cơ quan chức năng nên quan tâm tìm kiếm những giải pháp để cư dân làng vừa có thể là chủ thể được bảo tồn, vừa là người tham gia làm du lịch để cải thiện cuộc sống của họ?

Tác giả: Đỗ Trang

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP