Kinh tế

Làng biệt thự ở cánh đồng chó ngáp

Vùng lõi đồng chó ngáp ở Bạc Liêu vốn cằn cỗi nay đã thay da đổi thịt, những căn biệt thự mọc lên san sát; vuông tôm, rẫy mía... thẳng tắp đem về thu nhập tiền tỷ mỗi năm cho nông dân.

Chạy dọc theo con lộ nông thôn làm bằng bêtông rộng hơn 3 m ở đầu ấp Nhà Lầu 2 sang các ấp Nhà Lầu 1, ấp Thống Nhất, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), hàng trăm căn biệt thự mini hoành tráng nằm quanh hai bên bờ sông Phó Sinh - Cạnh Đền.

Chủ nhân của những căn biệt thự là những lão nông có nét mặt đầy khắc khổ vì một thời "vật lộn" với đồng đất khắc nghiệt. Qua mấy chục năm cải tạo đất, khi có tiền họ xây nhà khang trang nhưng đa phần chỉ để cho con cháu ở. Còn họ cất chòi lá ở ngoài vuông tôm để tiện cho việc canh tác, sản xuất, chỉ vào nhà vui chơi khi có đám tiệc hay dịp lễ Tết.

Những trại giống thủy sản của nông dân ở xứ Ninh Thạnh Lợi A đem về nguồn thu tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: Phúc Hưng.

Nhiều người giàu có ở Ninh Thạnh Lợi A còn liên kết, sáng lập ra "câu lạc bộ tỷ phú" để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Đó là chưa kể đến những hộ có thu nhập dưới một tỷ đồng một năm thì nhiều vô số kể.

Vùng đất một thời bị người ta chê, cho cũng không ai nhận, bây giờ đất quý hơn vàng, người có tiền chưa chắc mua được. Nó đã thành những vuông tôm, rẫy mía đem về thu nhập tiền tỷ cho nông dân hàng năm.

Dân trong vùng còn rỉ tai nhau về việc nhiều người trúng đậm các vụ tôm, họ chở cả bao tiền trên vỏ lãi đến Vĩnh Thuận (Kiên Giang) gửi ngân hàng. Hay việc sau mùa vụ nhiều người kéo nhau ra chợ Ngan Dừa ở huyện Hồng Dân xếp hàng chờ mua vàng ký đem về cất.

Xưa kia dân trong vùng muốn di chuyển phải dùng vỏ máy, hay ghe tam bản nhưng giờ thì khác, nhà nào cũng có vài ba xe máy đắt tiền. Còn trong nhà thì không thiếu vật dụng gì, cuộc sống của người dân vùng nông thôn này không khác thành thị.

​Địa danh ấp Nhà Lầu có từ trước năm 1945. "Gọi là nhà lầu vì hồi ấy có một căn nhà bằng gỗ, làm gác khá to trông giống như nhà lầu của ông Cả Trí nên dân gọi như thế", lãnh đạo địa phương nói và cho biết mấy chục năm trước đa phần nhà dân là nhà tranh vách lá, chứ không phải nhà lầu thứ thiệt như bây giờ.

Đến năm 1976 chính quyền sử dụng tên này để đặt cho đơn vị hành chính của hai ấp. Thời ấy, đất bị nhiễm phèn, mặn nặng khiến năng suất lúa rất thấp. Người dân suốt ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" còn không đủ ăn nên chẳng ai dám mơ về những căn nhà tường, nhưng nay nó đã thành sự thật.

Những căn biệt thự tiền tỷ mọc lên san sát nhau ở ấp Nhà Lầu 1. Ảnh: Phúc Hưng.

Cánh đồng chó ngáp thật sự chuyển mình khi chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo thực hiện hơn 20 năm trước. Các con kênh từ thời pháp thuộc như Kênh 12, Dân Quân, Kênh xáng Phó Sinh – Cạnh Đền… được khơi thông, nước ngọt dẫn từ sông Hậu đổ về tháo chua, rửa phèn, làm ngọt hóa vùng đất vốn chỉ có lau sậy là sống được ngày trước.

"Nông dân như con cá được bơi ra biển lớn khi ruộng lúa, rẫy mía, vuông tôm phát triển được trên đồng đất này", ông Võ Văn Xô ở ấp Thống Nhất nói và khẳng định rằng, yếu tố quan trọng để làm nên sự đổi thay là nông dân biết làm kinh tế, nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường để chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Nữ cán bộ văn hóa Mỹ Nhàn nói rằng lời của những lão nông ở xứ Ninh Thạnh Lợi A không hề phô trương, bởi thực tế đã chứng minh cho sự nhạy bén trong làm ăn của họ. "Người dân ở đây ngoài việc làm ăn giỏi còn hiếu khách bằng tấm lòng hào sảng đậm chất Nam Bộ", chị Nhàn nói khi xe ghé vào nhà lão nông Phạm Văn Thùy (Năm Thùy, 55 tuổi).

Căn nhà tường khang trang của ông Năm Thùy được xây dựng từ nguồn thu nhập hơn 5 ha đất nuôi tôm. Hiện tại mỗi năm gia đình lão nông này có thu nhập trên dưới nửa tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.

Ông kể trước năm 1987, nông dân ở đây nhận đất sản xuất khóm từ nông trường, cứ 3 năm thì mỗi ha đất phải nộp thuế lại cho nông trường 100 trái khóm. "Hồi đó làm rẫy cực lắm chớ không khỏe như bây giờ chỉ cần ngủ thẳng cẳng sáng ra là có dăm ba triệu trong tay từ vuông tôm", ông nói chắc nịch.

Phó chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi A Nguyễn Ngọc Tửng sát cánh cùng nông dân bên ruộng lúa, đầm tôm. Ảnh: Phúc Hưng.

Năm 1995, người dân đồng chó ngáp được Nhà nước cấp giấy chủ quyền sử dụng đất. Hai năm sau, nông dân đồng loạt ban luống trồng khóm thành ao đầm nuôi tôm. "Đây có thể coi là dấu mốc đánh dấu sự phát triển về kinh tế gia đình của người dân vùng này", ông Thùy nói.

Ông cho biết lúc mới chuyển dịch sang nuôi tôm, dân vùng này không biết cách làm nên phải đi sang Kiên Giang, Cà Mau học hỏi kinh nghiệm. "Lúc đầu làm cũng không thành công, sau ba bốn vụ nuôi thất bại, mình rút ra kinh nghiệm rồi tiếp tục sản xuất riết rồi cũng thành công", ông chia sẻ.

Tỷ phú trẻ nhất vùng là anh Võ Hoàng Khánh. Hơn 4 ha đất nuôi tôm thẻ của anh Khánh tháng qua cũng cho thu nhập trên 150 triệu đồng. "Bao nhiêu đó mà nhằm nhò gì, ở xứ này có người thu hoạch tôm chỉ một tháng mà lãi vài trăm triệu đồng", anh Khánh khẳng định.

Chủ tịch xã Lê Văn Đang vui mừng kể về tốc độ phát triển nhanh chóng của quê hương mình. "Tôi sinh ra và lớn lên trên đồng đất này, 30 năm trước con nít ở ấp Nhà Lầu 2 phải cuốc bộ hơn 7 km băng qua những cánh đồng hoang mới đến được xóm nhà trên Kênh Xáng Xả Thòn, Cỏ Thum chơi Tết. Còn bây giờ xe máy chạy bon bon chưa đầy 5 phút là tới", ông Đang nói.

Ninh Thạnh Lợi A có 5 ấp, với hơn 2.200 hộ, nông dân sống chủ yếu nhờ vào nghề nuôi trồng thủy sản, diện tích tự nhiên hơn 6.600 ha. "Nghèo khó một thời nhưng giờ thu nhập bình quân đầu người phải hơn 35 triệu đồng một người trên năm", người đứng đầu chính quyền xã phấn khởi nói và cho biết ở ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 bây giờ có trên 80% là nhà tường, biệt thự tiền tỷ.

Tác giả: Phúc Hưng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP