Kinh tế

Làng bán 'vận may'

“Sáng mồng 1 Tết, sau khi thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, tôi vội đánh xe máy đi bán muối. Đó không chỉ là việc kiếm sống mà còn là thông lệ lấy lộc đầu năm.'

1 NKIP jpg
Xe thồ muối đi bán

Mưu sinh đầu năm

22 năm qua, cứ sáng sớm ngày mồng 1 Tết, vợ chồng anh Hoàng Văn Tiến (40 tuổi, ngụ xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) lại tất bật chuẩn bị những bao muối lên xe để đưa đi bán.

Anh Tiến bộc bạch, ngày bình thường rao khản cả cổ có khi không bán được cân muối nào, nhưng dịp đầu năm lại đắt hàng. Ngày bình thường giá muối chỉ dao động trên dưới 4 nghìn đồng/kg thì ngày đầu xuân sẽ gấp 2, 3 thậm chí gấp 10 lần.

Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại may mắn trong gia đình. Muối cũng là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ, đồng thời nhắc nhở mọi người sống tinh khiết như hạt muối trắng. Tục mua muối đầu năm với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó giữa vợ chồng, con cái, gắn kết thêm các mối quan hệ.

Ngoài ra, người Việt có tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm. Việc mua muối đầu năm cha mẹ muốn nhắc nhở con cái “ăn dè ăn nhịn” tiết kiệm để “cuối năm mua vôi” xây nhà, ổn định cuộc sống.

Nắm được ý nghĩa sâu xa đó, cứ vào dịp đầu xuân, hàng trăm hộ gia đình ở làng Trung Hậu lại rủ nhau thồ muối đi bán. Từ sáng sớm, những chiếc xe máy, xe đạp lại chất lên mình những bao tải nặng trịch len lỏi khắp các ngõ làng, khối phố. Khi ấy, muối không chỉ đơn thuần là gia vị để tra nấu, muối còn là lộc, là nơi gửi gắm cả mong ước về một năm mới đủ đầy, hạnh phúc.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Tiến bật mí, có lẽ muối là mặt hàng giá rẻ, nên người mua ít mặc cả. Vào ngày đầu năm mới, người mua càng kỵ điều đó. Chỉ cần rao một tiếng: “Ai muối không? Ai muối nào?” là các bà nội trợ trong thôn xóm, khu phố hò nhau ra mua muối, nét mặt ai cũng vui tươi, hớn hở.

“Có lần người ta chỉ mua đúng một cân lấy lộc, nhưng đưa tôi tận 100 nghìn đồng. Rồi họ bảo không phải trả tiền thừa, xem đó như quà lì xì đầu năm”, anh Tiến chia sẻ.

Một điều mà người bán muối ngày đầu năm cần lưu ý là đong một bát đầy ngọn, chứ không gạt miệng bát. Nếu dùng cân, nên cân cho già dặn, chứ đừng thiếu. Bởi người ta cho rằng, mua muối có ngọn mới mang lại sự đủ đầy, no ấm cho cả năm. Với những người như anh Tiến, đó là quy tắc mà ai cũng nằm lòng.

Cũng ngót nghét hơn 15 năm gắn bó với nghề thồ muối đi rao bán, chị Nguyễn Thị Lan (51 tuổi) tâm sự, nghề làm muối cực nhọc, giá cả lại rẻ. Do vậy, để có thêm đồng tiền nuôi các con ăn học, hai vợ chồng phải chia nhau đi bán muối rong tận các huyện miền núi như Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn... Hàng ngày cứ sáng sớm là xuất phát, đến chiều tối mới có mặt tại nhà.

“Ngày trước chở bằng xe đạp, nhiều khi lên dốc thở bở hơi tai. Nắng nóng thì mình mệt, nhưng vào mùa mưa, không cẩn thận là hỏng hết cả bao muối. Mấy năm trở lại đây, may mà có chiếc xe máy cũ nên việc mưu sinh đỡ vất vả hơn”, chị Lan bộc bạch.

Những năm gần đây, kinh tế đã khấm khá hơn nhưng vợ chồng chị Lan vẫn giữ thói quen đi bán muối ngày đầu xuân. Đó trước tiên là cái vui của một người buôn bán đắt hàng. Nhưng hơn hết, người bán muối còn như người gánh lộc đến cho mọi người trong năm mới.

Làm nghề lâu năm, tính tình xởi lởi nên chị Lan có nhiều khách quen. Nhiều người đã hẹn chị sáng mồng 1 mang muối đến với hy vọng một năm thuận buồn xuôi gió. Đi bán muối với chị như đi gặp người bạn thân quen, dù giữa họ không hề có quan hệ máu mủ ruột rà.

2h2 xkig
Cánh đồng muối gần làng Trung Hậu

Tâm sự diêm dân

Ông Lê Hoài Nam, bí thư xóm Trung Hậu cho hay, trước đây hầu như gia đình nào cũng có người làm nghề đi đổi muối. Thậm chí có hộ ngoài bố mẹ, các con cũng chở muối đi rao bán, hoặc đổi lấy lon gạo, cân khoai. Vào những dịp cuối năm, họ huy động thêm nhiều người khác cùng chở muối đi bán, kiếm thêm đồng bạc để ăn tết.

Mấy năm trở lại đây, do công việc đó vất vả, đi lại nhiều nên một số người đã bỏ nghề, chuyển sang nuôi trồng thủy hải sản. Mặt khác, trước đây các hộ dân trực tiếp tham gia sản xuất muối, sau đó đem đi bán dần thì hiện nay, một số người đã bỏ công đoạn sản xuất, thay vào đó chỉ tập trung vào việc bán muối.

Riêng với gia đình anh Tiến, do đất đai không có, vợ chồng lại ít vốn nên không thể theo nghề nuôi trồng thủy hải sản. Họ quyết tâm bám nghề cha ông để mưu sinh. Hàng ngày, anh Tiến lại chở khoảng 2 tạ muối đi khắp nơi rao bán. Tết đến, anh sẽ tranh thủ đi bán từ sáng mồng 1 đến rằm tháng giêng để kiếm thêm thu nhập.

Việc bán muối đầu năm được cho rằng sẽ giúp các diêm dân có “lộc” cũng như được coi là người mang lại may mắn cho người mua. Tuy nhiên, để theo được công việc đó là việc không hề đơn giản. Bởi người bán phải di chuyển cả trăm cây số, chưa kể mưa nắng thất thường. Cũng có những năm, vì trời mưa nên muối ế ẩm, phải đến chiều tối họ mới bán hết xe muối.

Ngày xuân nhà nhà sum họp quây quần bên nhau còn mình phải mưu sinh khiến đôi khi họ chạnh lòng. “Mình đi xa chỉ thương hai đứa con ở nhà bơ vơ. Nhưng cũng may, do bán buôn ngày đầu năm nên hàng hết sớm, kịp về chung mâm cỗ với gia đình”, chị Tuyết, vợ anh Tiến bộc bạch.

Nghề bán muối dạo cũng có những thân phận hẩm hiu, khổ cực như anh Hoàng Sinh đã phải bỏ mạng trên đỉnh truông Én vì quá kiệt sức khi đẩy xe muối gần tạ rưỡi qua miền Phủ Quỳ (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) rao bán.

Hay câu chuyện của một người đàn bà trong thôn đẻ rớt con trên đường vì gần đến ngày vượt cạn vẫn cố gắng đi bán xe muối kiếm thêm đồng tiền. Làng muối cũng đã chứng kiến nỗi đau của bà Dần cách đây 2 năm bị xe tông tử vong, nhưng chiếc xe gây ra tai nạn đã bỏ trốn lúc trời mới tờ mờ sáng.

Họ cũng còn nhớ như in những năm Tết trời mưa, rét mướt, áo quần ướt nhẹm choàng tấm ni lông nhỏ che cả người cả muối. Có những khi, chỉ vì một cơn mưa bất chợt, không trùm ni lông cẩn thận trên xe muối thì muối chảy tan ra hết, người bán muối dạo chỉ biết đứng nhìn mà không thể làm gì được, bao nhiêu công lao làm muối trôi ra sông ra bể. Tuy vậy, họ vẫn giữ cảm giác thiêng liêng khi công việc được xem là người bán vận may cho người khác.

Với nhiều hộ dân làng Trung Hậu, chiếc xe đạp thồ muối ngày nào giờ đã thay thế bằng xe máy. Nhờ vậy, bàn tay người bán muối dạo cũng đỡ nứt nẻ hơn, tuy nhiên khó khăn vẫn còn rất nhiều. Nhưng, niềm tin vào những điều may mắn muối mang lại đầu năm dường như vẫn không phai nhạt đối với cả người mua lẫn người bán. Những người bán muối dạo tại làng biển này như anh Tiến, chị Lan luôn mong chờ những hạt muối đầu năm sẽ mang lại niềm vui cho gia đình đến cuối năm.

Tác giả bài viết: Long Trần

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP