Câu chuyện lòng tốt bị hiểu nhầm của Facebooker Dinh Quy Tran hiện được nhiều người chia sẻ, bàn tán trên các diễn đàn.
Người này thuật lại: “Con chỉ là người đi đường thôi. Con đang ở bệnh viện chỗ ba con về, thấy bà đi qua đường bị xe máy đâm nên con dừng lại bế bà, ý muốn đưa bà đi bệnh viện. Bà không muốn đi viện, bà muốn về nhà nên con đưa bà về nhà. Nhưng sao về đến nhà bà rồi, bà lại để con cháu bà hành xử với con như kiểu muốn xé xác con ra. Bà cũng không nói giúp con điều nào, làm con lại phải dẫn con cháu bà ra chỗ tai nạn để hỏi dân cho ra lẽ. Ra lẽ rồi, con cháu bà nói với con đúng một câu: ‘Thôi mày đi đi, tao tưởng mày đâm thì mày chết với tao’, làm con vừa buồn vừa shock bà ạ”.
Đại đa số đều đoán rằng cụ bà trong câu chuyện không còn minh mẫn nên mới có cách hành xử như vậy. “Bác ạ, theo em nghĩ thì có lẽ bà cụ bị đau và choáng nên cũng không nhớ được sự việc thế nào để mà thanh minh giúp bác. Hoặc các cụ có tuổi rồi thường lẩm cẩm, kém minh mẫn. Còn cách cư xử của con cháu nhà cụ thì đúng là không thể chấp nhận được. Kể cả có đúng là người đâm đi chăng nữa, nhưng người ta đã đưa bà về thì cũng nên bình tĩnh tìm hiểu sự việc”.
Một tài khoản cũng chia sẻ câu chuyện tương tự: “Năm 2004, mình đã dính một vụ ở Phúc Yên. Làm phúc cho một ông say rượu tự ngã, đưa vào bệnh viện đa khoa Vĩnh Phúc còn bị nhân viên giữ lại. Họ gọi công an đến. Nói thế nào họ cũng không tin là mình thấy ông đó nằm giữa đường nên chở lên viện. Sau đó mình mất cả đêm để đợi ông ấy tỉnh, cả đêm gia đình ông ấy nhìn mình với ánh mắt căm ghét. Vợ con mình phải đi thuê nhà nghỉ ngủ. Mãi đến gần sáng ông ấy mới tỉnh và nói do tránh con chó chạy qua đường nên tự ngã. Lúc ấy mình mới thoát. Sau đó đi đường cứ thấy có tai nạn mình tránh luôn, làm người tốt mà bị hiểu nhầm như vậy thì thôi, mang tiếng thờ ơ, vô cảm cũng được”.
Facebooker Tuan Bui Anh bày tỏ sự cảm thông và động viên chủ nhân câu chuyện: “Bạn đừng buồn vì những gì gia đình đó đã đối xử với bạn, không đáng so với việc bạn đã làm. Quan trọng là bạn đã thoải mái với lương tâm, đó mới là điều cần nhất. Trời cao có mắt, tích đức không bao giờ là uổng phí”.
“Mình cũng đoán cụ bị lẩm cẩm. Gặp người hoạn nạn nếu giúp được ta cứ giúp, đấy là nghiệp của mình. Còn người nhà họ không ra gì, đấy là nghiệp của họ. Thà giúp lầm còn hơn bỏ sót, mình giúp họ lương tâm mình không cảm thấy cắn rứt, có lỗi là được”, An Huy Hoàng chia sẻ.
Tác giả bài viết: Maruko Chan
Nguồn tin: