Xe

“Kỹ sư” nông dân giúp xe máy chạy 100km chỉ hết... 1 lít xăng

“Là nông dân nghèo nhưng có niềm đam mê sáng chế từ nhỏ, nên khi nào đi đường, đầu tôi cũng suy nghĩ làm cách nào để có thể giúp người dân tiết kiệm xăng một cách hiệu quả nhất. Khi đến các bệnh viện, tôi rất đau lòng khi có rất nhiều cháu bé, kể cả người lớn phải nhập viện vì bỏng bô xe máy. Tất cả đã trở thành động lực, thôi thúc tôi sáng tạo”, ông Nguyễn Hữu Trọng vui vẻ chia sẻ.

Hiện xưởng nhà ông Trọng còn giải quyết việc làm cho 4 lao động.

“Nhà sáng chế” chân đất

Nằm sâu hun hút trong một con ngõ nhỏ thuộc Tổ dân phố Tó, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tư gia của kỹ sư “chân đất” Nguyễn Hữu Trọng (SN 1953) chật kín đồ đạc, dụng cụ từ trong nhà ra đến tận cổng.

Tuy ngõ sâu, đường lắt léo khó đi nhưng việc tìm đường của chúng tôi đến nhà ông Trọng không quá khó khăn, bởi chỉ cần nhắc tới tên ông, người dân nơi đây ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường.

“Các cô tìm gặp lão “kỹ sư chân đất” có đúng không? Gọi là “kỹ sư” mà không bằng cấp, trước ông ấy phải bơm xe để sinh sống qua ngày. Ấy vậy mà giờ đã "phù phép" đống sắt vụ thành những sản phẩm tiết kiệm xăng nổi tiếng được mọi người biết đến”, một người hàng xóm hồ hởi cho biết.

Mặc dù đã được nghe “quảng cáo” từ mọi người, nhưng khi găp mặt, chúng tôi vẫn không thể ngờ lão “kỹ sư” vườn lại mộc mạc, dung dị đến vậy. Nước da đen nhẻm, bàn tay thô ráp, vẻ bề ngoài đậm chất nông dân.

Ông vui vẻ rót trà và ngồi trò chuyện. “Kỹ sư” vườn chia sẻ, từ khi sản phẩm của ông được giới thiệu tại một số hội chợ, nhiều khách hàng xa, gần đã tìm đến tận nhà để động viên và tìm hiểu sản phẩm.

Để có được sản phẩm hoàn hảo như ngày hôm nay, ông đã phải mất 7 năm để thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất tự động từ sắt vụn. Để làm ra thiết bị này gắn vào xe máy phải mất rất nhiều công đoạn. Nếu làm thủ công thì không biết bao giờ mới xong, mà chất lượng không đảm bảo.

“Dây chuyền thiết bị này hoàn toàn tự động. Chỉ cần 5 công nhân có thể cho năng suất bằng cả trăm người. Điều đặc biệt, tất cả đều được làm bằng sắt vụn, mỗi ngày có thể sản xuất khoảng 400 -500 sản phẩm tiết kiệm xăng”, ông Trọng hồ hởi khoe với chúng tôi.

Ông Trọng chia sẻ, ông nhập ngũ năm 1971, bị thương và xuất ngũ với thương tật 4/4. Trở về nơi chôn nhau cắt rốn ở xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An): “Đầu những năm 1990, tôi quyết định ra Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Không bằng cấp, không tiền bạc, tôi vay mượn tiền từ một số người bạn mới quen để sắm đồ nghề ra đường Láng (Hà Nội) bơm vá xe”.

Vốn có chút năng khiếu, đam mê với thiết kế, chế tạo máy từ nhỏ, khi nhìn nhiều người phải vất vả mới đạp nổ được xe babetta (sản xuất tại Tiệp Khắc cũ), ông đã mày mò thiết kế thêm một vài chi tiết chỉ cần đẩy nhẹ xe đã nổ. Ngày đó, xe babetta rất phổ biến, ông chuyển sang chuyên sửa chữa dòng xe này. Nhiều người đặt cho tôi biệt danh Trọng “babet- ta”, vị “kỹ sư” nhớ lại thời kỳ khốn khó của mình.

Sau này dòng babetta không còn thịnh hành nữa, kỹ sư “chân đất” quay sang sửa chữa, thiết kế, chế tạo máy móc. “Nổi tiếng” với thiết kế nổ máy cho xe babetta, nhiều người bạn ở Hà Nội đã mời ông tham gia một số công trình khá hóc búa mà thợ lành nghề cũng bó tay. “Công trình” đầu tiên ông nhận là sửa chữa 4 máy biến thế bị rò điện (loại biến thế của Liên Xô cũ).



"Kỹ sư” nông dân với sản phẩm được cấp bằng sáng chế độc quyền năm 2010


Sau này, kỹ sư “chân đất” được mời tham gia thiết kế robot trong các cuộc thi công nghệ của Việt Nam vươn ra thế giới. Đó là robot công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam mang tên TOPIO đã lên đường sang Nhật tham dự triển lãm lớn nhất thế giới về robot. Robot này có thể tự đánh bóng bàn.

Kỹ sư Trọng chia sẻ: “Tôi được giao nhiệm vụ thiết kế cánh tay đánh bóng bàn của robot TOPIO. Nhiệm vụ hoàn thành, cánh tay robot chạy rất êm và thành công ngoài mong đợi.

8 năm “hô biến” sắt vụn

Khi đã có số vốn trong tay, ông chắt bóp, vay mượn thêm để mua một mảnh đất nhỏ dựng nhà xưởng theo đuổi đam mê. Kỹ sư “chân đất” nhớ lại: “Đó là năm 2008, tôi thấy dân ta chủ yếu đi xe máy mà giá xăng lại cao nên nghĩ sao mình không thiết kế một thiết bị tiết kiệm xăng, đốt cháy hết nhiên liệu. Những vật liệu chế tạo thiết bị này chỉ là sắt vụn tôi mua từ các cửa hàng phế liệu trong vùng. Sau một thời gian ngắn mày mò, tôi đã chế tạo thành công thiết bị có thể tiết kiệm khoảng 40% xăng”.

Khi hỏi về nguyên lý hoạt động của những sản phẩm này, ông Trọng lý giải, nguyên lý hoạt động cũng rất đơn giản. Thiết bị sẽ tận dụng nguồn nhiệt của khí xả để làm hóa hơi (xé nhỏ và tăng nhiệt) hỗn hợp đốt trước khi đưa vào buồng đốt nên hiệu quả đốt cháy nhiên liệu là cao nhất. Ngoài hiệu quả tiết kiệm tối đa nhiên liệu, giảm chi phí nhiên liệu, bảo vệ môi trường, thiết bị không làm thay đổi kết cấu động cơ, không thay đổi thành phần nhiên liệu.

Đốt cháy hoàn toàn nhiên liệu, bô và buzi tuyệt đối không còn muội, xe vận hành êm hơn, đỡ rung ồn, hạn chế sự mệt mỏi cho người điều khiển, giảm thiểu tai nạn giao thông. Đặc biệt, ống xả rất mát, đi bao nhiêu km cũng không lo bô nóng. Trẻ con ngồi lên trên bô cũng không gặp vấn đề vì nó chỉ ấm ấm thôi”.

Lúc đầu, thiết bị tiết kiệm xăng lắp vào xe của ông thấy rất hiệu quả. Tuy nhiên, làm sao để nhiều người dân được dùng sản phẩm này thì không dễ. Trong khi đó, đặt dây chuyền sản xuất thì rất đắt nên ông không dám mơ tới. Lúc đó, ông đã liên hệ với một số đơn vị để đầu tư, nhưng họ thấy sản xuất ra thiết bị này cần phải có dây chuyền hiện đại, tốn kém nên từ chối hợp tác.

Không lâu sau “kỹ sư chân đất” quyết định tự mình thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất tự động. Ngày đó, ông đi khắp các cửa hàng thu mua sắt vụn, cửa hàng xe máy mua xích, líp cũ về thiết kế. Đến nay, dây chuyền đã hoạt động rất tốt, từ hàn đến dập đều tự động. Đặc biệt, đạt tiêu chuẩn về chất lượng và thẩm mỹ.

Khi đứa con “tinh thần” của ông ra đời, ông đã vô cùng vui mừng và lạc quan khi nhận được phản hồi tốt từ những người sử dụng. “Đã có nhiều người đến tận nới để đặt hàng của tôi. Như một khách hàng ở Bắc Giang đã đặt hàng 10 bộ đem về đi thử, ai cũng khen tiết kiệm xăng. Trong Sài Gòn cũng có người điện ra yêu cầu chục bộ để đem về thử. Riêng bản thân tôi đã đi thử nghiệm 7-8 năm trời rồi, hiệu quả tuyệt vời. Trong quá trình diễn ra hội chợ, tôi cũng lắp đặt thử cho vài người và đề được hoan nghênh. Người ta phản hồi tích cực thì tôi mới có động lực để làm chứ”.

Bằng sáng chế của ông Trọng


Ngoài ra, về tính việt dã của chiếc xe, ông Trọng cũng nói: “Lấy cụ thể ở thành phố Hà Nội này, tôi đã chạy thử ở đường cầu vượt dốc, đèo một người đi rất ổn định. Hôm qua, cũng có 2 đồng chí to béo đi xe Wave RSX đèo nhau đến lắp chạy thử, chiều quay lại. Họ cho biết đã chạy khắp Hà Nội, xuống tận Văn Điển để test (kiểm tra) thì đều thấy ổn".
Để có sản phẩm hoàn hảo như hiện nay, ông đã phải vay mượn tiền bạc của bạn bè để đầu tư nghiên cứu. Thậm chí nhiều lúc, vợ chồng mâu thuẫn vì ông Trọng chỉ biết tiêu tiền và nhiều ngày ăn ngủ cùng máy móc.

“Nhiều đêm ông ấy làm hăng say 2-3h sáng mới đi ngủ, sáng ra chưa kịp ăn sáng lại ra ngồi máy. Ông là người rất tiếc thời gian, nếu có mời chồng vào ăn cơm, tôi phải dọn sẵn ra, ông vào chỉ việc ăn rồi ra làm tiếp. Chứ để ông vào lại phải chờ tôi dọn, là ông không thích”, vợ ông Trọng chia sẻ.

Sau khi thiết kế thành công thiết bị tiết kiệm xăng, người “kỹ sư vườn” đã được cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2010. Và đến năm 2012, ông được cấp giấy chứng nhận của chương trình “Sáng tạo Việt” cho chủ đề “Tiết kiệm nhiên liệu cho xe máy, ô tô, giảm ô nhiễm môi trường”.

“Hiện tại, ứng dụng tiết kiệm xăng này mới thích hợp với dòng xe số. Nhóm khách hàng mà tôi hướng tới là bà con nông dân, công chức sinh viên đi đứng điềm đạm. Chứ không có nhu cầu đi tới 90-100km, đua xe, bốc đầu, đi một bánh,… nên hiệu quả tiết kiệm vẫn hơn”, ông Trọng cho biết thêm./.

Tác giả bài viết: Hà Tuyết - Thu Hồng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP