Kinh tế

Kỳ Sơn (Nghệ An): Tập trung nâng cao chất lượng các mô hình khuyến nông

Trong 6 tháng đầu năm 2016, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là các mô hình trồng rau, hoa quả liên tiếp đạt năng suất cao mang lại thu nhập cho người dân vùng cao tỉnh Nghệ An. Có được kết quả đó là một phần đóng góp không nhỏ của hệ thống khuyến nông từ huyện đến cơ sở.

Từ đầu năm do thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp,có đợt rét đậm, rét hại kéo dài vào cuối tháng 1, nhiệt độ xuống thấp 6-7°C, có nơi ở vùng đồng bào Mông xuất hiện băng giá, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất người dân, cây mạ vụ đông xuân phát triển kém, nhiều diện tích mạ, lúa cấy bị chết phải gieo đi gieo lại nhiều lần làm phân thành 3 trà lúa. Bên cạnh đó, các loại gia súc của người dân bị chết thiệt hại lên đến 953 con,, diện tích rau màu thiệt hại 10ha. Cuối vụ đông từ tháng 4 nhiệt độ lên cao 38-39°C trong nhiều ngày liền làm cho nhiều diện tích ngô của bà con nông dân gieo trồng sớm không lên mầm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất vụ xuân hè.Một số xã vùng cao thiếu nước sinh hoạt cho người dân và sản xuất làm diện tích trồng ngô vụ xuân hè đã được người dân phát dọn nhưng không thể gieo trồng do không có mưa.

Băng tuyết phủ kín các xã, bản vùng cao huyện Kỳ Sơn


Đứng trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, trạm khuyến nông huyện Kỳ Sơn đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế thấp nhất do rét đậm, rét hại và hạn hán gây ra nhằm hỗ trợ nhân dân kịp thời khắc phục sản xuất đảm bảo kế hoạch. Bên cạnh đó, trạm còn kết hợp với trung tâm khuyến nông tỉnh đưa ra các biện pháp khắc phục tình trạng thiếu giống lúa lai, ngô lai sản xuất.

Với biên chế chỉ có 5 cán bộ trong cơ quan, đồng lương và kinh phí hoạt động còn eo hẹp nhưng lãnh đạo, nhân viên Trạm luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm cho từng thành viên và cả cơ quan ở mỗi tháng, mỗi quý. Không phân biệt lãnh đạo hay nhân viên, khi cơ sở có nhu cầu và đăng kí các buổi tập huấn kỹ thuật cho nông dân thì tất cả mọi người đều chung tay góp sức mình để giảng dạy. Từ đầu năm, Trạm đã tổ chức tập huấn được 24 lớp với 1460 lượt người tham gia cho các mô hình trồng rau an toàn, mô hình chanh leo, mô hình trồng xoan đâu. Cán bộ Trạm khuyến nông huyện luôn coi việc thăm đồng, chuồng trại là một việc làm thường xuyên và tích cực để tư trang thêm cho mình những kinh nghiệm thực tế. Đồng thời, việc làm này còn giúp cho mỗi cán bộ được gần gũi bà con hơn, không xa rời thực tế, giải quyết và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, trắc trở của bà con gặp phải. Dựa trên những đặc điểm, đặc thù của bà con các xã, đồng ruộng, chuồng trại của địa phương, cung và cầu của thị trường và sự hoạt động của hệ thống khuyến nông viên cơ sở (KNVCS)... trạm khuyến nông huyện luôn tham mưu tích cực cho UBND huyện về phương pháp, cách thức tổ chức tập huấn kĩ thuật cho cán bộ, nông dân, dự trù các mô hình trình diễn về trồng trọt và chăn nuôi có tác động giống mới, kĩ thuật tiến bộ nhằm giúp cho việc thâm canh cây trồng và chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Bằng các nguồn kinh phí hạn hẹp, trạm đã tổ chức thực hiện được các mô hình trồng rau tại xã Hữu Kiệm quy mô 1,0ha có 10 hộ dân tham gia, đến nay mô hình đang gieo trồng đợt 2 rau các loại vụ hè, qua vụ đông 2015 thu nhập 32 triệu/ha/vụ và thu nhập đợt 1 rau vụ hè là 25 triệu đồng. Mô hình trồng cây chanh leo tại xã Mường Lống với quy mô 2.000m2, mô hình chăm sóc cây xoan đầu năm thứ 2 tại Na Loi tỷ lệ sống đạt 100%, mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại xã Hữu Kiệm với quy mô 1.000 con gà thịt hoa lương phượng cho 5 hộ dân tham gia, đợt 1 trạm đã cấp 2.300 kg thức ăn và thuốc thú y phòng trị bệnh. Bên cạnh đó, mô hình trồng bí xanh ở xã Phà Đánh, mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Chiêu Lưu, mô hình trồng thâm canh chè tuyết Shan theo hướng VietGap được người dân tham gia tích cực và đem lại hiệu quả khá cao, tạo động lực phát triển kinh tế trên toàn địa bàn huyện.

Mô hình rau sạch của bà con xã Hữu Kiệm

Đàn lợn rừng của gia đình ông Trần Đình Văn (xóm Điện Lực, Kỳ Sơn)


Đi kèm các mô hình khảo nghiệm là công tác tuyên truyền và xây dựng mạng lưới khuyến nông luôn đặt lên hàng đầu. Trong 6 tháng đầu năm Trạm đã phối hợp với đài truyền thanh, truyền hình huyện xây dựng 4 chương trình truyền hình phát sóng phóng sự chống rét cho trâu bò, mô hình trồng cây chanh leo, mô hình sản xuất rau an toàn và tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đối với đội ngũ KNVCS Trạm khuyến nông đã xác định đây là một bộ phận chân rết rất quan trọng trong công tác khuyến nông của cả huyện nhà. Vì vậy, hàng tháng, Trạm đều họp giao ban, giao nhiệm vụ và tập huấn bổ sung thêm những kiến thức chuyên môn cho các KNVCS theo nội quy, quy chế của Trung tâm khuyến nông tỉnh. Đồng thời, cơ quan cũng rất nỗ lực vạch ra cách làm hiệu quả, hiến kế cho mỗi KNV ở từng xã, thị trấn để họ học hỏi và làm theo. Ngoài ra, Trạm còn tổ chức các buổi thăm quan đầu bờ, đầu chuồng, các buổi hội thảo có sự tham dự đầy đủ của các KNVCS các xã, thị trấn để cung cấp thêm thông tin, kiến thức cho họ, minh chứng những kết quả mà Trạm làm được...

Ông Lê Công Tâm - Trưởng Trạm chia sẻ: Chưa bằng lòng với những quả đạt được, trong thời gian tới trạm sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm kiếm, xây dựng các mô hình từng bước nhân các giống cây, con có giá trị kinh tế, hiệu quả cao phù hợp với địa phương đưa vào canh tác và chăn nuôi, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo người dân chăm sóc các mô hình đang được triển khai và nhân rộng mô hình đã được đánh giá có hiệu quả. Phối hợp với các phòng ban chuyên môn, các địa phương tổ chức sản xuất vụ mùa đạt kế hoạch. Củng cố xây dựng mạng lưới khuyến nông từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả nhất là nâng cao trình độ năng lực chuyên môn cho đội ngũ khuyến nông viên cấp xã, thôn bản và kiện toàn lại đội ngũ cán bộ khuyến nông xã sau bầu cử có thay đổi, khắc phục khó khăn hoạt động nỗ lực, đạt kết quả cao hơn nữa trong công tác khuyến nông của trạm.

Tác giả bài viết: Lê Thủy

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP