Trong nước

Kỷ luật vụ Formosa: Trung ương quyết liệt, Hà Tĩnh dẫm chân tại chỗ

Đã gần 1 năm sau thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên, nhiều cán bộ, lãnh đạo tại Hà Tĩnh trực tiếp liên quan trách nhiệm, vẫn chưa phải chịu hình thức kỷ luật nào.

Thông tin mới nhất từ sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, các cá nhân, tập thể liên quan trách nhiệm đến sự cố môi trường biển, vẫn đang chờ cuộc họp của UBND tỉnh này để đưa ra quyết định kỷ luật.

Đại diện sở Nội vụ cho hay, đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời gian sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp để đưa ra các hình thức kỷ luật, đối với các cá nhân liên quan.
Đã gần 1 năm sau sự cố môi trường biển, các cán bộ chủ chốt tại Hà Tĩnh vẫn chưa bị kỷ luật.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, đã gần 1 năm trôi qua sau thảm họa môi trường biển, do công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây ra cho 4 tỉnh miền Trung, các cán bộ chủ chốt trực tiếp liên quan trách nhiệm tại Hà Tĩnh, vẫn chưa phải chịu bất cứ một hình thức kỷ luật nào.

Khi PV đặt câu hỏi, với những hậu quả nặng nề sau sự cố môi trường biển do Formosa gây nên, dư luận cho rằng, Hà Tĩnh quá chậm rễ trong việc xử lý kỷ luật các cán bộ chủ chốt, liên đới trách nhiệm? Ông Phạm Quang Đệ, Chánh thanh tra sở Nội vụ tỉnh này cho biết: “Do chúng tôi đang chờ kết luận của ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ), để từ đó đưa ra mức kỷ luật. Có nhiều cá nhân như ông Hồ Anh Tuấn (nguyên Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng – PV) thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh, nhưng kết luận thì lại của UBKT TƯ nên chúng tôi đang chờ để làm một lần luôn”.
Một góc trong Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
“Giấy mời họp kỷ luật đã có, nhưng chưa định ngày tháng cụ thể. Sau khi tổ chức cuộc họp có kết luận kỷ luật như thế nào, chúng tôi sẽ thông tin”, ông Đệ nói.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Gái, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh. Bà cho biết, hiện, đang đi họp ở Hà Nội và vấn đề kỷ luật này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Theo thống kê, sau sự cố môi trường biển có khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng. Hàng nghìn lao động mất việc làm, hàng triệu ngư dân rơi vào tình cảnh khốn đốn. Riêng tỉnh Quảng Bình, thiệt hại trong năm 2016 ước tính khoảng 4.000 tỉ đồng; ngoài ra, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh cũng chịu thiệt hại nặng nề không kém.

Trước đó, vào ngày 18/1/2016, ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT) Hà Tĩnh là người đã tự ý đặt bút ký Văn bản số 07/CCMT-KSON, khẳng định bùn than cốc và tro than cốc tại xưởng luyện cốc của Formosa là chất thải rắn công nghiệp thông thường, để đơn vị này lấy cơ sở tuồn chất thải độc hại ra môi trường sống.

Vào tháng 7/2016, sau khi nhóm PV báo Người Đưa Tin phát hiện ra vụ việc chôn chất thải nguy hại trong trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc công ty Môi trường - Đô thị Kỳ Anh, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh này cho biết, rất bất ngờ.
Ông Võ Tá Đinh (bên trái) và ông Đặng Bá Lục (đeo kính bên phải).
Với sự buông lỏng quản lý, để gây ra thảm họa môi trường và những thiệt hại rất nghiêm trọng mà bà con nhân dân 4 tỉnh miền Trung phải gánh chịu, trách nhiệm này, trước hết thuộc về cá nhân ông Võ Tá Đinh, Giám đốc sở TN&MT và ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng chi cục BVMT Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa một cán bộ có trách nhiệm liên quan tại Hà Tĩnh chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào.
Vừa qua, UBKT TƯ đã công bố kết luận về các sai phạm của những tập thể và cá nhân có liên quan đến Formosa.

UBKT TƯ chỉ rõ, ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ 2004-2011, 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa.

Để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về ông Võ Kim Cự trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế (2008-2010). Ngoài ra, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (2010-2016), cùng các ông Lê Đình Sơn, ông Đặng Quốc Khánh, ông Dương Tất Thắng và ông Nguyễn Nhật (trong thời gian giữ cương vị Ủy viên ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh) cũng có phần trách nhiệm.

Kết luận của UBKT TƯ nhấn mạnh, những sai phạm của ông Võ Kim Cự, Hồ Anh Tuấn là nghiêm trọng, phải xem xét, thi hành án kỷ luật.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thái Lai, nguyên Thứ trưởng bộ TN&MT; ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng bộ TN&MT cũng được kết luật là có sai phạm nghiêm trọng, phải xem xét thi hành kỷ luật.

Tác giả bài viết: Ngân Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP