Ông Lê Phước Hoài Bảo (ở giữa) |
Ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc sở Xây dựng Thanh Hóa vừa bị Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Ông này có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong đó có việc nâng đỡ, bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Trước đó, UBKT Trung ương cũng đã có kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Trong các sai phạm có việc, ông Lê Phước Thanh vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai là ông Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ quan trọng.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Phước Thanh là rất nghiêm trọng, ông Lê Phước Hoài Bảo là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo...
Trước những việc làm quyết liệt nhằm ngăn chặn việc bổ nhiệm người nhà không đủ năng lực vào các vị trí trong bộ máy Nhà nước, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Việc làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo và làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước. Trung ương Đảng thấy cán bộ của mình có những sai phạm đã vào cuộc ngay. Mà sai phạm ở đây chính là việc không bình thường trong công tác bổ nhiệm cán bộ-một việc mà dư luận xã hội ta trong suốt thời gian qua có nhiều bức xúc”.
Theo ông Lê Như Tiến, từ lâu, trong dư luận xã hội bất bình với việc bổ nhiệm 5 C (con cháu các cụ cả) và 4 “ệ” (“Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”). Từ việc bổ nhiệm 5 C, 4 “ệ” thì sẽ dẫn tới 5 Đ tức là “đố điều đi đâu được”.
Những cán bộ là “hậu duệ”, đồ đệ… của các quan chức được bổ nhiệm “đúng quy trình” nên dù năng lực kém, phẩm chất khiêm tốn, làm việc không hiệu quả nhưng không thể tinh giản biên chế, không thể điều đi nơi khác được do có những ô dù to ở bên trên che đỡ.
Những quy trình được bóp méo đã khiến cho những người không đủ năng lực chui vào bộ máy của Nhà nước. Điều này được ông Lê Như Tiến ví von: “Trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu người ta đưa miếng thịt ôi thiu thậm chí là thịt thối vào làm giò, thì dù tuân thủ đúng theo quy trình xay, giã, đun nấu… và sau đó ra được miếng giò, nhưng sẽ là miếng giò ôi thiu.
Tôi dẫn chứng như vậy để thấy dù có làm đúng quy trình, nhưng quy trình ấy không thể quyết định chất lượng đầu ra nếu như chất lượng đầu vào không đạt chuẩn. Vì thế, trong dân gian mới có câu: “Đầu vào thì nát như tương/Đầu ra chất lượng tương đương đầu vào”.
“Được biết, trước đó, trong vụ việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh và ông Lê Phước Hoài Bảo, không ít lần trong dư luận được nghe những kết luận như “đúng quy trình”. Đúng quy trình nhưng dư luận vẫn không “phục” thì chứng tỏ quy trình ấy đã bị ép cho méo mó. Vì thế việc xử lý nghiêm của Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã được lòng dân, chỉ ra cái “đúng” đó có bất thường”, ông Lê Như Tiến nói.
Bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm một cách "thần tốc". |
Ngoài việc xử lý những cá nhân sai phạm, dư luận còn quan tâm tới việc xác minh khối tài sản khổng lồ của bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Việc tuồn tài sản tham nhũng sang các đối tượng là người thân người quen và bồ nhí khá lắt léo. Cơ quan chức năng cần tỉnh táo để xác minh, làm rõ. Tài sản nào của nhân dân thì phải trả lại nhân dân. Có như vậy, công tác phòng và chống tham nhũng mới đạt hiệu quả cao. Nếu chỉ kỷ luật, hoặc điều chuyển công tác mà không thu hồi được khối tài sản khổng lồ thì dễ nảy sinh suy nghĩ “hy sinh đời bố củng cố đời con”.
Tác giả: Thành Huế
Nguồn tin: Báo Người đưa tin