Du lịch

Kỳ Co - hoang sơ và thơ mộng

Cách Quy Nhơn (Bình Định) 25km về phía đông bắc thuộc xã Nhơn Lý, Kỳ Co - một bãi tắm đẹp như cổ tích - chỉ mới bắt đầu thu hút khách du lịch trong những năm gần đây, với vẻ đẹp hoang sơ như tranh vẽ.



Bãi tắm Kỳ Co tuyệt đẹp với những hốc đá rộng, mát mẻ, du khách có thể nghỉ dưỡng cả ngày - Ảnh: Trần Hoa Khá


Ba mặt là núi và những gành đá bao bọc, một mặt nhìn ra Biển Đông bao la, Kỳ Co lộng lẫy với bờ cát vàng mịn màng trải dài bên chân sóng...

Dân chài làm du lịch

Cuối tháng 4, khi mà các tỉnh Tây nguyên đang mùa khô nóng như rang, thời tiết Quy Nhơn lại dịu mát, nhiệt độ trung bình có ngày chỉ 27-30oC, gió biển lồng lộng và Kỳ Co nhộn nhịp khách.

Cả đoàn của gia đình anh Lê Văn Bé (thị trấn Kon Tầng, Mang Yang, Gia Lai) cùng bạn bè, tổng cộng 18 người suốt một ngày nghỉ ngơi tắm biển, ăn uống hải sản với giá rẻ ai cũng bất ngờ, chỉ 210.000 đồng/người và chi thêm một ít tiền thuê ghe.

“Chưa bao giờ chúng tôi được ăn tôm, cua, ghẹ, mực tươi ngon đến vậy, giá rẻ ai cũng bất ngờ, tất cả hải sản đều còn sống do bà con ngư dân địa phương đánh bắt.

Thích nhất là bà con ngư dân ở đây tự làm du lịch, họ rất thật thà, chất phác, ít nói và hiền hòa. Họ còn cho mượn lưới để chúng tôi vừa tắm biển vừa giăng lưới bắt được một ít cá nhỏ ven bờ, thật vui” - anh Bé nói.

Lão ngư Võ Ngọc Hiếu mấy năm gần đây sơn sửa lại chiếc ghe cũ, sắm thêm đồ đạc phục vụ khách du lịch và bây giờ làm ăn đã khấm khá.

“Giờ tui vừa chạy ghe chở khách du lịch ra Kỳ Co, vừa phục vụ đồ ăn thức uống cho khách. Khách rất ngại đồ gia vị, tẩm ướp, họ sợ ảnh hưởng hóa chất và dầu mỡ, chỉ cần tươi ngon, nướng chín chấm muối ớt là họ thích rồi, hải sản tại chỗ, đâu cần gia vị gì đâu mà rất ngon. Có khi mình chỉ chuẩn bị hải sản để khách tự nướng, tự chế biến, họ hay yêu cầu vậy đó” - ông Hiếu kể.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính những người dân chài Nhơn Lý tự mình làm du lịch, tự đánh thức Kỳ Co, mới chừng ba, bốn năm.

Tuổi ngoài 50, chất giọng sang sảng của dân chài, ông Long hào hứng kể mấy năm gần đây bà con dân chài Nhơn Lý tự đóng ghe, vay vốn ngân hàng sắm thêm canô, vô mấy quán nội thành Quy Nhơn học nấu ăn, học cách chế biến hải sản rồi về đây tự mình làm tour du lịch Kỳ Co trọn gói.

“Giá cả bình dân, đủ sống nhưng nhàn hạ hơn đi biển đánh cá dài ngày. Tui có sao nói vậy, làm du lịch giúp “dân trí” bà con dân chài mình lên nhanh lắm” - ông Nguyễn Văn Long, bí thư Đảng ủy xã Nhơn Lý, khẳng định.

Chỉ mới mấy năm tiếp xúc với khách du lịch, nhiều người dân địa phương đã “ăn nói nhẹ nhàng hơn, bớt cái chất giọng ăn sóng nói gió hơn”.

Cũng theo ông Long, chính quyền địa phương yêu cầu người dân tuyệt đối giữ giá cả bình dân, giá thuê ghe, giá ăn uống phải rẻ, hải sản sẵn tại chỗ hết trơn mà, khách tới thường xuyên là bà con mình dễ kiếm sống và bình yên, đơn giản vậy thôi.

Hấp dẫn du khách 
với vẻ đẹp hoang sơ

Cho đến thời điểm hiện nay, Kỳ Co vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ và đầy hấp dẫn bởi lẽ bãi tắm này nằm khuất phía bên kia núi, cách biệt với những làng chài Nhơn Lý.

Muốn đến Kỳ Co, khách du lịch chỉ có thể thuê ghe, canô của bà con ngư dân làm du lịch tự phát, từ Eo Gió chạy ven biển, vòng qua núi, qua gành khoảng 30 phút là đến.

Gần đây bắt đầu có đường bộ, đi từ Suối Cả, men theo sườn núi Phương Mai về phía nam, nhưng đang còn đường đất, do chủ một dự án khu du lịch đầu tư mở đường phục vụ thi công.

“Nhờ khuất nẻo vậy mà Kỳ Co còn nguyên vẹn tới giờ đó anh, bởi nếu nó ở vị trí thuận lợi thì người ta đã khai thác từ lâu. Nếu khai thác du lịch một cách ồ ạt có khi nó không còn hoang sơ, thơ mộng tới bây giờ, và không chừng dân chài nghèo biết đâu cũng không thể đặt chân đến, huống chi là bây giờ chính họ tự làm du lịch, bà con mừng lắm” - ông Long nói.

Vợ chồng chị Phương, ngư dân Nhơn Lý, cho biết vừa tiễn một nhóm sinh viên đến từ Monaco đi Quảng Trị, sau hơn mười ngày cắm chốt tại Bãi Xép (Quy Nhơn). “Jenny Michelle và nhóm bạn rất thích thú cảnh đẹp hoang sơ của Kỳ Co, trước khi đi còn hứa sẽ quay trở lại” - chị Phương nói.

Theo chị Phương, nhóm bạn này đến VN để tham gia chương trình thiện nguyện là dạy tiếng Anh, tiếng Pháp miễn phí cho trẻ em nghèo.

Trong lúc chờ đợi mở lớp, nhóm này chạy xe máy từ Sài Gòn ra miền Trung, ghé lại Bãi Xép cắm chòi nghỉ bên bờ biển hai hôm. Ngày theo ngư dân ra biển kéo lưới, tối về chơi với bà con dân chài và dạy tiếng Pháp cho lũ trẻ.

Tình cờ, nghe bà con ngư dân bảo nên chạy ra bãi tắm Kỳ Co chơi. “Jenny Michelle và nhóm bạn ở lại đây một tuần, cũng đi theo kéo lưới và về nấu ăn cùng ngư dân, rất vui vẻ” - chị Phương kể.

Theo ông Nguyễn Văn Long, nhiều du khách nước ngoài cũng như trong nước sau khi đặt chân đến Kỳ Co bên này và Hòn Khô (Nhơn Hải) đều bày tỏ thích thú bởi sự hoang sơ của thiên nhiên và sự chất phác của dân chài. Do đó, chính quyền xã cũng kêu gọi người dân giữ gìn Kỳ Co luôn luôn sạch đẹp và quyến rũ, để nhiều người biết đến Kỳ Co nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Long tâm sự điều trăn trở của lãnh đạo địa phương là việc tắm biển, nghỉ dưỡng, lặn ngắm san hô, vùi mình trong cát vàng biển xanh, thưởng thức hải sản... cần phải có dịch vụ cộng thêm để Kỳ Co có thể giữ chân du khách, thay vì chỉ lòng vòng một ngày lại ra về như hiện nay.

“Điều chúng tôi mong muốn là Kỳ Co ngày càng có nhiều dịch vụ du lịch biển hơn nữa để bà con tại chỗ ổn định công việc làm ăn no ấm. Nhưng trước mắt được như vậy đã mừng, khi dân mình có lưng vốn kha khá rồi sẽ tính xa hơn...” - ông Long nói.



Nước biển trong xanh, soi bóng những tảng đá, trông Kỳ Co như một bức tranh sơn thủy hữu tình - Ảnh: Trần Hoa Khá

Ông Hồ Quốc Dũng (chủ tịch UBND tỉnh Bình Định):

Thu hút đầu tư nhưng đảm bảo người dân hưởng lợi từ du lịch

Với cảnh quan thiên nhiên và bãi biển đẹp, nhiều nơi có thể trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, nhưng làm sao để Bình Định thu hút được nhiều du khách hơn luôn là mối quan tâm, nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo Bình Định.

Chúng tôi muốn phát triển du lịch văn hóa - khoa học, du lịch sinh thái mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách để tạo ra sự khác biệt với các vùng miền khác, chứ chỗ nào cũng hao hao giống nhau thì đâu có gì hấp dẫn.

Sự ra đời của Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) của giáo sư Trần Thanh Vân với các hội nghị vật lý thiên văn thu hút các nhà khoa học đạt giải Nobel đến đây hằng năm, rồi Tổ hợp không gian khoa học đang khẩn trương xây dựng bên bờ biển Quy Hòa thơ mộng là một quá trình nỗ lực.

Đồng thời với hành trình đó là chú trọng phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm như Kỳ Co, Hòn Khô, Trung Lương, Tân Thanh - Vĩnh Hội..., những bờ biển, bãi tắm tuyệt đẹp của Bình Định.

Để chính người dân tại chỗ phát triển du lịch, mình tập huấn và tư vấn cho họ, giúp bà con vay vốn, khi họ biết làm du lịch thì họ sẽ được hưởng lợi lâu dài và không bị bỏ lại phía sau, đó là phương cách tốt nhất để tuyệt đối tránh nguy cơ xung đột với dân mà chúng ta vẫn thấy ở nơi này nơi khác.

Tôi nghĩ đó là sự phát triển bền vững, cả về kinh tế, về môi trường sinh thái và chính sách an dân được đảm bảo.

Tác giả bài viết: Bảo Trung

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP