Số hóa

Kính thực tế ảo HTC Vive giá 28 triệu đồng tại VN

Kính có thiết kế hầm hố, tay cầm dễ sử dụng, cho trải nghiệm chơi game thực tế ảo khá tốt. Tuy nhiên, mức giá cao cùng hệ sinh thái còn ít là hạn chế so với đối thủ Oculus Rift.


Kính thực tế ảo HTC Vive xuất hiện tại Việt Nam dưới hình thức xách tay tại một cửa hàng bán các thiết bị phần cứng trên phố Thái Hà, Hà Nội. Phụ kiện của Vive bao gồm kính VR, 2 tay cầm, 2 bộ cảm biến nhận diện chuyển động, cổng kết nối với máy tính, dây cáp và sạc.


Tay cầm của HTC Vive có thiết kế khá lạ mắt với phím trackpad dạng tròn, nút menu, back. Trải nghiệm ban đầu cho thấy tay cầm khá thoải mái và dễ dàng sử dụng.


Đằng sau là cần gat, phía dưới là cổng sạc của tay cầm.


Mặt trước của kính VR Vive với camera, bên trong là các cảm biến theo dõi chuyển động. Kính không có hệ thống âm thanh vòm giả lập tương tự trên Oculus Rift. Người dùng cần lắp thêm headphone hoặc sử dụng loa ngoài để có trải nghiệm âm thanh. Đây là thiếu sót của HTC Vive.


Đằng sau là hai gương cầu, màn hình OLED độ phân giải 2.160 x 1.200 pixel với góc nhìn 110 độ tương tự Oculus Rift.


Phía dưới bên phải là nút điều chỉnh tiêu cự sao cho phù hợp nhất với võng mạc của người đeo.


Cạnh phải của máy. Về thiết kế Vive trông hầm hố hơn Oculus Rift nhưng vẫn cho cảm giác thoải mái khi đeo trong thời gian dài. Đèn LED màu xanh sáng để báo kính VR nằm trong vùng nhận diện chuyển động.


Bộ nhận diện chuyển động được HTC gọi là "base station".


Trong khi Oculus Rift chỉ cần 1 bộ nhận diện chuyển động thì Vive cần đến 2 thiết bị đặt đối xứng nhau. Điều này giúp vùng nhận diện chuyển động của Vive có diện tích lớn hơn. Tuy nhiên, đây cũng là hạn chế của sản phẩm khi người dùng cần không gian đủ lớn.


Bộ phận trung gian làm nhiệm vụ nhận tín hiệu, kết nối kính, tay cầm với nền tảng SteamVR trên máy tính.


Anh Đào Đức Tiến - đại diện cửa hàng nhập sản phẩm về - đánh giá: "Thao tác thiết lập của Vive phức tạp hơn nhiều so với Oculus Rift. Hệ sinh thái của sản phẩm cũng không phong phú bằng, trò chơi hầu hết phải trả phí". Ngoài ra, ứng dụng của HTC Vive trong việc nghiên cứu khoa học cũng hạn chế hơn đối thủ Oculus. Cấu hình máy tính yêu cầu tương đối cao, tối thiểu sử dụng chip Intel Core i5 6400 tốc độ 2,7 GHz, RAM 8 GB, card đồ họa Nvidia GTX 970 hoặc AMD Radeon R9 290 (mức giá của PC dao động khoảng 20 triệu đồng).


Mức giá tham khảo của HTC Vive là 28 triệu đồng. Tuy nhiên, người dùng cần đặt trước và sẽ được giao hàng sau khoảng 1 tháng.

Tác giả bài viết: Trần Tiến

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP