Kinh tế

Kinh tế thế giới chịu nhiều sức ép

Ban lãnh đạo Ngân hàng Thế giới sẽ đề xuất gói ứng phó khủng hoảng trị giá 170 tỉ USD cho giai đoạn từ tháng 4-2022 đến tháng 6-2023

Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 18-4 hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,1% (đưa ra hồi tháng 1-2022) còn 3,2% do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế thế giới.

Đáng chú ý, theo Chủ tịch WB David Malpass, kinh tế châu Âu và Trung Á được dự báo giảm 4,1% trong năm nay. Dự báo tăng trưởng của nhiều nước phát triển và đang phát triển cũng bị giảm do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao.

Theo đài CNBC, một phần nguyên nhân dẫn đến sự leo thang giá cả này là các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào năng lượng Nga và hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine bị đình trệ.

Vào đầu tháng này, WB dự báo GDP của Nga năm nay sẽ giảm 11,2% do tác động của đòn trừng phạt. Dù vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18-4 cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine đã thất bại.

Ông Malpass nhận định nợ và lạm phát cao đang đe dọa đến tăng trưởng toàn cầu, đồng thời bày tỏ nỗi lo các nước đang phát triển hiện phải đối mặt sự gia tăng đột ngột của giá năng lượng, phân bón và thực phẩm.

Ông cho biết thêm ban lãnh đạo WB sẽ đề xuất gói ứng phó khủng hoảng trị giá 170 tỉ USD cho giai đoạn từ tháng 4-2022 đến tháng 6-2023, trong đó gần 50 tỉ USD sẽ được dành cho 3 tháng tới.

Theo Reuters, một phần khoản tiền này sẽ hỗ trợ các nước đón nhận người tị nạn đến từ Ukraine và giúp đỡ những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực. Ngoài ra, ông Malpass vào tuần rồi cho biết WB còn chuẩn bị gói hỗ trợ 1,5 tỉ USD cho Ukraine, quốc gia được dự báo có GDP giảm đến 45,1% trong năm nay.

Một ngôi chợ ở TP Kolkata - Ấn Độ. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nhận định nợ và lạm phát cao đang đe dọa đến tăng trưởng toàn câù. Ảnh: Reuters

Ông Malpass đưa ra thông tin trên trong bối cảnh các thành viên WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhóm họp tại thủ đô Washington - Mỹ, với trọng tâm thảo luận là vấn đề an ninh lương thực và giá cả thực phẩm tăng vọt.

Tại cuộc gặp giới chức WB, IMF, G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới), G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) ngày 19-4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế đẩy nhanh và tăng cường ứng phó những vấn đề trên.

Theo Liên Hiệp Quốc, Nga và Ukraine chiếm 14% nguồn cung lúa mì của thế giới và xung đột giữa 2 nước này khiến giá lương thực tăng cao, cũng như tác động tiêu cực đến tương lai của an ninh lương thực trên thế giới, nhất là tại nước nghèo.

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) hồi tháng 3 đã tăng lên mức cao kỷ lục kể từ khi được đưa vào sử dụng hồi năm 1990. Chưa hết, một báo cáo được FAO công bố cuối tháng 3 cho biết số người suy dinh dưỡng trên thế giới có thể tăng thêm 8-13 triệu người vào năm 2023.

Sức ép sắp tới sẽ càng thêm lớn sau khi giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 13 năm, một phần do tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông David Givens, chuyên gia của Công ty Argus Media (Anh), nhận định cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể có tác động kéo dài đối với các thị trường khí đốt tự nhiên ở Bắc Mỹ.

Giá khí đốt tự nhiên leo thang làm gia tăng nỗi lo lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với châu Âu, theo đài CNBC hôm 18-4, nỗi lo này thậm chí còn lớn hơn khi giá khí đốt tự nhiên không ngừng phá kỷ lục giữa lúc Liên minh châu Âu nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Ukraine: Giao tranh lớn ở miền Đông

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các cố vấn hôm 18-4 cho rằng "giai đoạn thứ 2" của chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine đã bắt đầu. Theo ông Zelensky, quân đội Nga đã bắt đầu trận chiến giành quyền kiểm soát Donbass và phần lớn lực lượng Nga hiện tập trung cho chiến dịch này.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine Alexey Danilov cho biết các lực lượng Nga "đang tấn công dọc theo gần như toàn bộ chiến tuyến của các khu vực Donetsk, Lugansk, Kharkov" và Kiev đã ghi nhận báo cáo về chiến sự ác liệt ở đó.

Theo đài RT (Nga), Bộ Quốc phòng Nga không bình luận về bất kỳ chiến dịch quân sự trên bộ nào hôm 18-4. Tuy nhiên, bộ này cho biết một trung tâm logistics gần TP Lviv đã bị trúng tên lửa chính xác cao, khiến lô vũ khí lớn mà Mỹ và các nước châu Âu chuyển giao cho Ukraine trong 6 ngày qua bị phá hủy. Ngoài ra, 16 mục tiêu khác cũng bị trúng tên lửa chính xác cao.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov cho biết Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã tấn công 84 cơ sở quân sự của Ukraine, trong đó có một nhà máy sửa chữa đầu đạn tên lửa chiến thuật Tochka-U, 47 khu vực tập trung binh lực cùng với thiết bị quân sự và 22 vị trí pháo kích.

Theo ông Konashenkov, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24-2, Kiev đã thiệt hại khoảng 139 máy bay, 483 phương tiện bay không người lái, 250 hệ thống phòng không, 2.337 xe tăng và phương tiện chiến đấu bọc thép, 254 bệ phóng rốc-két đa nòng...

Xuân Mai

Tác giả: Hoàng Phương

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP