Số hóa

Kinh nghiệm chọn mua iPhone đã qua sử dụng

Để hạn chế mua phải máy lỗi, người dùng có thể thực hiện một số bước kiểm tra cơ bản như thử màn hình cảm ứng, kiểm tra vào nước, tình trạng iCloud.

Khi mua iPhone cũ, bạn có thể tiết kiệm được một khoản tiền kha khá, nhưng cũng đối mặt với nguy cơ gặp phải máy có vấn đề. Những thông tin dưới đây sẽ gợi ý bạn chọn được những chiếc iPhone đã qua sử dụng còn dùng tốt.

Kiểm tra thông tin, IMEI máy

Số IMEI và Series sẽ giúp người dùng có thông tin cơ bản về thiết bị. Đầu tiên, người dùng cần kiểm tra số IMEI trên thân máy có trùng với số trên phần mềm, bằng cách vào Cài đặt > Cài đặt chung > Giới thiệu. Nếu còn hộp, dữ liệu này cũng phải trùng khớp với nhau.

Ngay cả khi IMEI, Series trùng khớp cũng không đảm bảo chiếc máy này là "zin" 100% bởi hiện nay các cửa hàng có thể thay vỏ rồi in số lên thân máy, vỏ hộp. Tuy nhiên, với một chiếc iPhone mà những thông tin không khớp thì người dùng không nên chọn.

Tiếp theo, bạn cần kiểm tra số IMEI hay Series máy trên website của Apple tại địa chỉ https://checkcoverage.apple.com/ hoặc một số trang online để biết rằng đây là sản phẩm chính hãng. Nếu còn bảo hành Apple, thông tin cũng được thể hiện tại đây.


Kiểm tra ngoại hình, phụ kiện

Hình thức là một trong những yếu tố mà người dùng rất quan tâm khi mua iPhone cũ, nhưng sẽ khá khó với những ai mới dùng máy. Bạn nên kiểm tra các cạnh thiết bị, bốn góc màn hình có bị móp, kênh.

Ngoại hình cũng giúp bạn biết được chủ trước đây của máy có giữ gìn không. Nhưng với những thiết bị quá mới, người dùng cũng nên cẩn trọng bởi đây có thể là hàng thay vỏ, được các cửa hàng tân trang. iPhone là sản phẩm được gia công tốt nên các chi tiết sắc sảo, hầu như không có khoảng hở giữa các phần liên kết. Máy thay vỏ, dù làm tốt cũng khó đạt được ở mức độ này.

Về phụ kiện, không ít các cửa hàng bán iPhone cũ để giá máy "trần", tức chưa bao gồm sạc, cáp hay tai nghe. Những món này người dùng sẽ phải mua thêm và thường không phải hàng chính hãng của Apple, bởi chỉ riêng bộ phụ kiện "zin" có giá tới cả triệu đồng.

Còn nếu phụ kiện được quảng cáo là xịn thì thường là loại đã qua sử dụng, dây cáp sẽ bị cũ theo thời gian. Sạc, tai nghe chính hãng có dây to, dày dặn và không bị nhựa thừa, chữ in sắc sảo. Trong khi đó củ sạc cầm chắc chặn, nặng hơn so với sạc nhái.

Lời khuyên là người dùng nên nhờ người am hiểu về iPhone, người đã dùng dòng máy này hoặc mang một thiết bị tin cậy khác để so sánh. Khi đặt cạnh, bạn sẽ dễ nhận ra hơn những sự khác biệt nếu chiếc kia không phải máy tốt.


Kiểm tra màn hình

Trước tiên, bạn nên kiểm tra xem màn hình máy có bị trầy xước nặng không, đảm bảo không bị kênh ở các góc, bấm nhẹ xuống góc thấy chắc chắn.

Một số mẹo kiểm tra được người am hiểu iPhone chia sẻ rằng khi nhỏ một giọt nước lên màn hình thì màn "zin" sẽ tụ lại, còn màn kém chất lượng sẽ loang ra. Hay như dùng miếng băng dính dán lên, nếu bóc ra dễ dàng thì là màn xịn, còn bóc khó sẽ là màn không chuẩn.

Tiếp theo, người dùng sẽ kiểm tra khả năng cảm ứng bằng cách bấm giữ icon bất kỳ trên màn hình để nó rung lên. Di icon này đến tất cả các vùng trên màn hình và nếu việc này không bị gián đoạn tức là vùng cảm ứng hoàn toàn bình thường. Nếu icon bị văng thì nên kiểm tra xem khu vực đó có nhận cảm ứng không.

Để xem khả năng hiển thị và điểm chết, bạn mở YouTube và tìm với từ khóa "screen test". Sẽ có nhiều video màu sắc để người dùng mở lên kiểm tra. Hãy đảm bảo màu sắc đều được hiển thị và không có bất kỳ điểm đen hay điểm trắng bất thường nào.


Xem máy đã vào nước chưa

Không ai muốn mua một sản phẩm điện tử đã bị rơi xuống nước và với iPhone bạn có thể kiểm tra điều này thông qua chính dấu hiệu được Apple thiết kế.

iPhone và tất cả các mẫu iPod sản xuất từ năm 2006 trở lại đây đều được Apple đặt bộ chỉ thị tiếp xúc chất lỏng (LCI) bên trong máy. Hiểu đơn giản, đây là mẩu giấy nhỏ sẽ cho biết thiết bị đã dính nước hay các chất lỏng khác chứa nước hay chưa. Người dùng có thể quan sát LCI từ bên ngoài máy mà không cần tháo vít.


Kiểm tra máy bị khóa iCloud không

Nếu mua phải iPhone, iPad đã đăng nhập iCloud, kích hoạt Find My iPhone nhưng không biết tài khoản, máy có thể bị khóa và trở thành "cục gạch". Vì vậy, máy bạn chọn phải đảm bảo đã thoát iCloud, tắt tính năng tìm iPhone.


Xem các tính năng thông dụng

Sau những bước kiểm tra trên, bạn sẽ xem chi tiết các tính năng trên máy như:

- Thử gọi và nhận cuộc gọi để kiểm tra loa thoại, loa ngoài và mic.

- Mở nhạc, video để kiểm tra chất lượng loa ngoài.

- Bật ứng dụng camera để thử khả năng chụp ảnh, kiểm tra chất lượng camera trước và sau, khả năng lấy nét, đèn flash.

- Kết nối Wi-Fi, Bluetooth, cầm máy ở các tư thế khác nhau nhằm xem khả năng bắt sóng, kết nối có ổn định không.

- Yếu tố rất quan trọng là cảm biến vân tay Touch ID, xem máy có nhận không, tốc độ quét vân tay ra sao.

- Kiểm tra tất cả các nút bấm vật lý, cần gạt rung chuông, phím Home.

- Hãy theo dõi mức pin trước và sau khi thực hiện các bài kiểm tra này xem bị sụt bao nhiêu %. Đây là cách đơn giản để biết chất lượng pin trên máy. Hoặc xem thông tin chi tiết bằng máy tính, hoặc ngay trên điện thoại...

Tác giả bài viết: Đình Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP