Nói như ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy: “Đó là niềm vinh dự to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Kiến Giang mở rộng nói riêng và huyện Lệ Thủy nói chung. Tuy nhiên, trước mắt và cả lâu dài vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bởi, trong tương lai, thị trấn Kiến Giang tất yếu phải trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế, nắm giữ vai trò “đầu tàu” dẫn dắt và kết nối sự phát triển kinh tế-xã hội của tiểu vùng phía Nam tỉnh”.
Diện mạo của thị trấn Kiến Giang ngày nay. |
Mặc dù những năm qua, Lệ Thủy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo ông Chủ tịch UBND huyện, điều chính quyền nơi đây còn trăn trở là vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế cần chỉnh sửa và hoàn thiện, như: chất lượng đô thị chưa cao; tốc độ đô thị hóa còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ; tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ vẫn còn chậm.
Từng là Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, rồi Bí thư Huyện ủy huyện Lệ-Ninh (cũ) từ những ngày 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh hợp nhất, năm nay, ông Trần Đức Triển đã 85 tuổi, nhưng vẻ tinh anh, lối diễn đạt cùng suy nghĩ vẫn còn minh mẫn và khúc chiết.
Ông bảo, mừng lắm, vui lắm. Thế nên, cái ngày diễn ra buổi lễ đón nhận bằng công nhận khu vực thị trấn Kiến Giang mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV, dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn có mặt. Rồi ông kể, thời trước, Lệ Thủy chỉ là một huyện thuần nông. Tầm nhìn phát triển kinh tế lúc bấy giờ chỉ giới hạn trong mảnh vườn nhà, thửa ruộng trước mặt.
Lúc còn là huyện hợp nhất, huyện Lệ-Ninh phấn đấu lắm mới đạt xấp xỉ 5 vạn tấn/năm sản lượng lương thực do tỉnh Bình-Trị-Thiên cũ giao, nhưng giờ đây, chỉ riêng Lệ Thủy, sản lượng lương thực đã đạt gần 10 vạn tấn/năm.
Việc thị trấn Kiến Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV và tương lai trở thành thị xã, đại diện cho một vùng dân cư khá rộng ở phía Nam của tỉnh là yêu cầu tất yếu. Nói là mừng nhưng cũng không ít điều trăn trở và lo lắng, bởi theo ông Triển, nói đến đô thị là nói đến các ngành công nghiệp và dịch vụ phải phát triển mạnh, chứ sức mạnh của nền kinh tế không chỉ đứng trên thế “một chân” độc canh cây lúa được. Phải có một tầm nhìn khác.
Ngay nội tại nền sản xuất nông nghiệp hiện nay, dù đã có chuyển biến, nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm. Đương nhiên muốn làm được điều đó cần phải có thời gian và thực hiện từng bước. Ông Triển cho rằng, chiến lược phát triển kinh tế một cách toàn diện, chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch là hướng đi đúng đắn và cần thiết.
Song, điều quan trọng và quyết định vẫn là công tác tổ chức thực hiện. Lẽ dĩ nhiên, cái gì cũng phải có quá trình và thời gian, nhưng phẩm chất tiên quyết không thể thiếu là phải thực sự năng động, nhanh nhạy, sáng tạo và một ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị nói chung.
Tôi có mấy bận ngồi với ông Võ Văn Khinh, Chủ nhiệm HTX Thượng Phong, và giờ đây ông là Giám đốc HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong (xã Phong Thủy, một trong những xã nằm trong quy hoạch khu vực thị trấn Kiến Giang).
Có lẽ, ông Khinh là một trong những người giữ chức Chủ nhiệm HTX lâu nhất ở vùng quê lúa này. Gắn bó với người nông dân, với ruộng đồng suốt mấy chục năm qua, hơn ai hết ông hiểu được những đổi thay, cả những thứ cần phải đổi thay trên đồng ruộng, và hơn thế nữa là để người dân vùng quê lúa có cuộc sống khấm khá hơn.
Ông Khinh chia sẻ, trước mắt thì khó lắm, bởi bao nhiêu thứ đã ăn sâu vào máu thịt của người nông dân. Nói cánh đồng lớn nhưng những cánh đồng ở đây chưa thể gọi là cánh đồng lớn. Biết bao lần dồn điền đổi thửa, nhưng về tổng thể, ruộng đồng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Muốn sản xuất nông nghiệp ở đây thay đổi, Lệ Thủy cần phải có nhiều nhà máy, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp. Nhà máy sẽ góp phần chuyển dịch và giải phóng lao động nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, tiến lên làm ăn lớn.
Ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện tâm sự, địa phương đã sớm nhận ra những vấn đề nêu trên. Huyện cũng “sốt ruột lắm”, khi 2 khu công nghiệp Thạch Bàn và Cam Liên bấy lâu nay vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư, vì nhiều lý do, trong đó trở ngại lớn nhất là do điều kiện thiên tai, ngập lụt. Chính quyền địa phương xác định việc phát triển công nghiệp, dịch vụ và thương mại không chỉ tạo đột phá trong phát triển kinh tế nói chung, mà còn là đòn bẩy “kích hoạt” cho nông nghiệp phát triển.
Trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế, thì việc thu hút đầu tư được coi là giải pháp đột phá. Trên tinh thần kêu gọi và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, huyện sẽ xây dựng chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, điều kiện sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn lực để phát triển.
Liệu có quá muộn không? Ông Chủ tịch UBND huyện trả lời, mọi thứ đã khởi động từ lâu. Vì vậy, thời gian gần đây, đã có những tín hiệu vui từ các dự án đầu tư trên địa bàn. Ví như, trong nông nghiệp đã có 2 nhà đầu tư vào khảo sát thực tế.
Tuy nhiên, vấn đề bây giờ là phải làm sao để “giữ chân” được nhà đầu tư, sau đó là bài toán chia lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người nông dân để đôi bên cùng có lợi; rồi giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương tại đó. Sẽ khó đấy, bởi muốn làm được điều này còn cần phải có sự đồng thuận của các cấp ủy đảng, với một cơ chế, chủ trương đặc thù về chính sách đất đai, bảo hiểm trong nông nghiệp..., để nhà đầu tư cũng như người dân yên tâm phát triển sản xuất.
Lễ động thổ dự án tổ hợp điện năng lượng tái tạo Dohwa giai đoạn 1 tại xã Ngư Thủy Bắc và xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) vào tháng 8-2017. |
Năm 2017, trên mảnh đất Lệ Thủy cũng đã có mặt một số nhà đầu tư lớn. Tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH năng lượng xanh Dohwa (Hàn Quốc) đã tổ chức lễ động thổ dự án tổ hợp điện năng lượng tái tạo Dohwa giai đoạn 1, với công suất 49,5 MW tại xã Ngư Thủy Bắc và xã Hưng Thủy. Với tổng vốn đầu tư 1.259 tỷ đồng (tương đương 55,6 triệu USD), đây là dự án tổ hợp điện năng lượng tái tạo kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Lệ Thủy.
Ngược lên phía Tây Lệ Thủy, cũng đang “rục rịch” khởi động dự án Nhà máy sản xuất gỗ OKAL, OSB và gỗ ván thanh có tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, dự kiến sẽ xây dựng tại xã Phú Thủy (diện tích 26ha), với công suất thiết kế sản xuất gỗ OKAL, OSB là 180 ngàn m3/năm, gỗ ván thanh: 3.600m3/năm. Theo kế hoạch, khi chính thức đi vào hoạt động, nhà máy sẽ có công suất lớn nhất cả nước áp dụng công nghệ mới của Châu Âu về sản xuất OKAL, OSB và gỗ ván thanh.
Rõ ràng, sự hiện diện của những dự án lớn ở đây tựa như một thứ “mồi lửa”, sẽ là động lực mới cho sự bứt phá trong phát triển kinh tế của vùng đất này. Và có thể, nó sẽ làm “mồi” kéo những dự án, nhà đầu tư lớn khác về đây lắm chứ.
Vâng, có những kỳ vọng là ước mơ, và cũng có những kỳ vọng là tiếng nói bức thiết từ thực tế khách quan đòi hỏi. Đương nhiên để đáp ứng được những kỳ vọng đó, không chỉ cần những quyết sách, chiến lược có tầm nhìn xa trông rộng, với những “kịch bản” cụ thể, sát thực, mà nói như ông Trần Đức Triển từng tâm tư ở trên là cần cả sự nhanh nhạy, năng động, sáng tạo và quyết tâm cao của cả hệ thống nữa.
Tác giả: Dương Công Hợp
Nguồn tin: baoquangbinh.vn