Trong nước

Kiểm tra, giám sát tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp

Bộ Chính trị vừa ban hành quy định việc kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ngày 26/5, phóng viên Tiền Phong trao đổi với bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư), xung quanh quy định này.

Khu biệt thự của một số quan chức ở Lào Cai. Ảnh: Công Lý.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm

Lâu nay, việc kê khai tài sản được thực hiện khá nghiêm túc, nhưng việc kiểm tra, giám sát xem kê khai có đúng hay không thì lại rất hạn chế. Vậy, quy định mới có khắc phục được tình trạng trên hay không?

Kê khai tài sản là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng được đánh giá chưa hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ, chứ không phải chưa kiểm tra, giám sát. Do đó, vừa rồi, UBKT T.Ư xây dựng quy định kiểm tra, giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này đã được Bộ Chính trị chính thức ban hành vào ngày 23/5 vừa qua và có hiệu lực ngay tức thì. Trong quy định này, Bộ Chính trị quy định rõ, chủ thể kiểm tra đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UBKT T.Ư.

Có bao nhiêu trường hợp chịu sự điều chỉnh của văn bản này và trong trường hợp nào cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ cao cấp?

Hiện có khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Về quy định kiểm tra, từ nay trở đi sẽ có lộ trình, kế hoạch cụ thể về việc kiểm tra, giám sát tài sản. Bên cạnh đó, khi có yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ này, cán bộ kia thì UBKT T.Ư sẽ thực hiện. Thứ hai, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực và khi cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản, các cơ quan sẽ kiểm tra, giám sát để làm rõ.

Khi bổ nhiệm cán bộ, có kiểm tra, giám sát tài sản không?

Lâu nay, quy trình kiểm tra tài sản khi bổ nhiệm cán bộ là đã có rồi. Tất cả khâu trong quy trình này đã được cơ quan, tổ chức làm rồi. Đã làm rồi thì bây giờ vẫn tiếp tục quy trình làm bình thường. Chứ không phải vì có quy định này mà việc đó thay đổi đi. Còn quy định này chỉ điều chỉnh khi có 3 yếu tố mà tôi đã nói ở trên, tức là có kế hoạch, có yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo việc kê khai tài sản không trung thực và khi có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước.

Bà Lê Thị Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Như Ý.

Xử nghiêm vi phạm

Khi kiểm tra, nếu phát hiện có việc kê khai tài sản không trung thực thì xử lý như thế nào?

Toàn bộ việc kê khai tài sản không trung thực được xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan của Đảng cũng đang sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm, trong đó có hình thức xử lý nếu kê khai tài sản không trung thực, không đầy đủ. Còn quy định của Nhà nước, tới đây sửa luật phòng chống tham nhũng cũng sẽ quy định rõ. Chính phủ sẽ sửa nghị định về kỷ luật cán bộ cũng liên quan đến việc này.

Bên cạnh đó, toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản được thực hiện theo đúng quy trình kiểm tra giám sát của Đảng. Có nghĩa là sau khi làm xong, UBKT T.Ư sẽ có thông cáo và công khai rất đầy đủ để trên cơ sở đó các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi, các tổ chức, cá nhân, nhân dân biết sự việc.

Gần 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Vậy hằng năm, khi xây dựng kế hoạch, có đặt ra chỉ tiêu như kiểm tra bao nhiêu phần trăm không?

Sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy định UBKT T.Ư sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch như thế nào, việc thực hiện yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền ra sao. Rồi việc xử lý đơn thư kiến nghị, phản ánh hay khi có dấu hiệu vi phạm về kê khai tài sản… Có nghĩa là sẽ có một hướng dẫn cụ thể để trên cơ sở đó, hằng năm xây dựng kế hoạch như thế nào để kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc.

Tuy nhiên, theo tôi, việc có bao nhiêu cuộc kiểm tra hay bao nhiêu cán bộ bị kiểm tra, giám sát tài sản trong một năm không phải vấn đề quan trọng. Vấn đề là khi thấy các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, các trường hợp có đơn thư phản ánh việc kê khai không trung thực thì được kiểm tra, xem xét ngay, kịp thời.

Thông tin “biệt thự quan chức” là cơ sở để kiểm tra

Vừa rồi, báo chí đề cập nhiều về “phố biệt thự” đắt tiền của quan chức Lào Cai. Với trường hợp như ở Lào Cai, UBKT T.Ư có vào cuộc để kiểm tra không?

Khi báo chí phản ánh thì thuộc trường hợp là có phản ánh, kiến nghị, đơn thư tố cáo. Tuy nhiên, vấn đề cần phải làm rõ là các khu biệt thự đó là của ai, đối tượng này thuộc diện ai quản lý? Nếu đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì UBKT T.Ư sẽ vào cuộc. Còn thuộc diện Ban thường vụ Lào Cai quản lý thì Ban thường vụ sẽ chỉ đạo làm, vì đây thuộc trường hợp có thông tin, dư luận phản ánh.

Vấn đề là phải bám sát theo thẩm quyền. Cho nên, quy định mới của Bộ Chính trị chỉ mới giới hạn trong diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý để làm sao vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và thực sự có hiệu quả, thực chất, góp phần phòng ngừa, phát hiện xử lý được những trường hợp có sai phạm... Đối tượng rộng rãi quá, mình làm không hiệu quả thì không được.

Ví dụ vụ Lào Cai, đối tượng thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhưng cấp dưới không vào cuộc thì UBKT T.Ư có vào cuộc?

Trong trường hợp này, ở mỗi địa bàn thì UBKTTƯ đều có cán bộ chuyên quản, người ta sẽ có trách nhiệm trao đổi với các lãnh đạo ở đấy là việc như thế này, thông tin như thế nào thì phải minh bạch và trả lời các phương tiện thông tin đại chúng rõ.

Cảm ơn bà.

Tác giả: Văn Kiên

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP