Thể thao

Kiatisuk: 'Xây đội tuyển Thái Lan khó, chứ phá thì dễ lắm'

Huyền thoại bóng đá Thái Lan nhắc đến Việt Nam, bầu Đức cũng như những nỗi niềm, áp lực và khát vọng vươn tầm trên cương vị HLV trưởng tuyển xứ Chùa Vàng trong bài phỏng vấn mới đây trên kênh truyền hình PPTV.

- Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmuang nói sang năm 2017 mới quyết định về hợp đồng với ông, rồi phải hỏi người hâm mộ rằng họ có muốn Thái Lan vươn tầm châu Á hay chỉ cần dừng lại ở đây. Ông nghĩ sao về hành động này?

- Tôi không nghĩ AFF Cup 2016 vừa kết thúc mà đã có nhiều thông tin liên quan đến vấn đề hợp đồng như vậy. Chắc Somyot đùa đấy, ông có lẽ cũng không hiểu tại sao báo chí lại hỏi về vấn đề này nhiều như vậy. Chủ tịch FAT có lẽ còn đang chuẩn bị lễ mừng công cho đội tuyển, cảm ơn truyền thông, tri ân nhà tài trợ, cảm ơn những bộ phận hỗ trợ cho đội tuyển. Vô địch AFF Cup nghĩ đơn giản, nhưng thật ra không phải vậy. Để được nâng chiếc Cup này lần thứ năm, các cầu thủ của tôi cũng phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Vậy mà khi thành công rồi, một bộ phận dư luận lại vẽ thêm việc khiến Chủ tịch cũng như bản thân tôi phải bận tâm.

- Mong muốn của ông về tương lai với tuyển Thái Lan là thế nào?

- Chắc chắn tôi muốn gia hạn hợp đồng. Ai mà chẳng muốn làm việc cho đội tuyển quốc gia.

- Ông thấy sao trước thông tin FAT liên hệ với các HLV Argentina hay Tây Ban Nha?

- Bình thường thôi. HLV đội tuyển quốc gia Thái Lan làm việc cho ai? Cho cố Quốc Vương thứ chín cũng như Quốc Vương thứ 10, cho nhân dân cũng như người hâm mộ bóng đá Thái Lan.

Tôi luôn nói với mọi người rằng tôi chấp nhận mệt mỏi để có được nụ cười hạnh phúc của người Thái Lan. Khi đội tuyển giành chức vô địch AFF Cup vừa qua, hơn 60 triệu người Thái Lan đã mỉm cười hạnh phúc. Điều này không có tiền bạc nào mua được. Bản thân tôi không sợ thất nghiệp vì tôi cũng có công ty riêng của mình - Công ty Sport Hero. Mục tiêu làm việc của tôi là nỗ lực hết mình để phát triển bóng đá Thái Lan.


Dưới thời Kiatisuk, bóng đá Thái Lan trở lại thống lĩnh Đông Nam Á với các chức vô địch liên tiếp ở SEA Games và AFF Cup. Ảnh: AFF.

- Ông nghĩ thế nào về việc ra nước ngoài cầm quân?

- Nhiều người hâm mộ Thái Lan đã hỏi tôi về việc này. CĐV ở các quốc gia Indonesia, Việt Nam, Singapore hay Malaysia theo dõi tài khoản Instagram của tôi cũng có đề cập. CĐV Việt Nam là những người hỏi nhiều nhất. Nếu muốn sang Việt Nam làm việc, tôi đã đi từ lâu rồi, vì sếp của tôi - bầu Đức - ở Việt Nam. Tôi cũng từng làm việc ở đó sáu năm. Nhưng mục tiêu hiện nay của tôi là phát triển bóng đá Thái Lan. Cụ thể, tôi muốn đưa đội tuyển dự World Cup, hoặc ít ra là tuyển trẻ góp mặt tại giải U20 World Cup. Đây là mục tiêu cá nhân của tôi.

- Nếu FAT không ký tiếp hợp đồng, ông sẽ lên kế hoạch công việc như thế nào?

- Nếu không giữ vai trò HLV đội tuyển quốc gia, công việc chính của tôi hàng ngày là đưa đón con cái đi học. Đây là điều mà các con và gia đình của tôi cần lúc này, vì thật sự, thời gian qua tôi không có thời gian cho họ. Tôi đang có công ty Sport Hero, nên nếu nghỉ, tôi cũng sẽ dành thời gian cho công việc ở đó. Bấy lâu nay, chuyện ở công ty đều do vợ tôi quán xuyến nên chắc cô ấy cũng mệt lắm.

- Ông nghĩ sao về việc dẫn dắt một CLB?

- Đây chưa phải là lúc tôi nghĩ đến việc huấn luyện ở CLB. Mục tiêu của tôi xa hơn. Làm việc ở CLB thì người hâm mộ chỉ vài chục nghìn người, nếu là CLB nổi tiếng ở Thái Lan. Nhưng nếu huấn luyện đội tuyển quốc gia, người hâm mộ đến hơn 60 triệu. Huấn luyện CLB thì mục tiêu chỉ vì tiền, còn dẫn dắt đội tuyển quốc gia là niềm tự hào dân tộc, phụng sự đất nước.


Kiatisuk và ba cô con gái. Ảnh: Instagram.

- Ông đánh giá thế nào về mục tiêu hướng đến tầm thế giới của tuyển Thái Lan, sau khi đã đạt đến tầm châu Á?

- Chúng ta mới đầu tư có "vài xu", chứ lấy đâu ra được "một baht", nhưng đội tuyển đã nằm trong top 12 châu Á. Vậy đã hiệu quả chưa? Chúng ta cần thời gian, và nên bàn đến việc phát triển bóng đá trẻ chứ đừng vội nghĩ đến đội tuyển quốc gia. Đội hình chính của tuyển Thái Lan đều ở độ tuổi 23, 24, 25 nên có thể thi đấu thêm được bốn-năm hoặc có thể là bảy-tám năm nữa, và có thể giữ vững phong độ bất chấp việc các đối thủ ở Đông Nam Á đều muốn đánh bại.

Bây giờ, chúng ta nên nghĩ đến việc đưa tuyển trẻ Thái Lan tham dự vòng chung kết World Cup. Nhưng đội U16 lúc này không bằng người ta rồi, vì đã bị loại khỏi giải vô địch châu Á. Lứa U19 cũng không bằng Myanmar và Việt Nam, vì họ đã được dự vòng chung kết U20 World Cup. Với các đội U21 hay U22, nếu giành được HC vàng SEA Games thì xem như "sống sót", dù thực tế tuyển Thái Lan đã vô địch hai kỳ SEA Games liên tiếp rồi. Nhưng nếu không vô địch SEA Games, chúng ta sẽ bị các đối thủ vượt qua với một khoảng cách tám năm, từ U16 đến U23. Nếu không chuẩn bị tốt lứa trẻ ngay từ bây giờ, khoảng cách sẽ nhân đôi thành 16 năm. Tới lúc đó, đội tuyển quốc gia hiện tại còn đủ sức chiến đấu hay không?

SEA Games 2017 sẽ cực kỳ khó khăn cho đội tuyển U22 Thái Lan. Myanmar đã sử dụng đội hình thi đấu SEA Games tại AFF Cup vừa rồi. Campuchia cũng chơi ấn tượng ở vòng bảng. Việt Nam thì sẽ dùng đội hình thi đấu vòng chung kết U20 World Cup. Malaysia là chủ nhà nên chắc chắn sẽ chuẩn bị sẵn sàng. Singapore đang có những chú "Sư tử trẻ". Philippines sở hữu dàn cầu thủ nhập tịch và "Phi kiều" đáng gờm.

Thái Lan có nhiều HLV và cầu thủ tốt thi đấu ở Thai-League, nhưng chúng ta phải phát triển cả hệ thống. Nếu chúng ta không giành HC vàng SEA Games hay thất bại ở AFF Cup, hay nói cách khác là các đội tuyển trong khu vực Đông Nam Á mà đánh bại được tuyển Thái Lan, xem như chúng ta không còn đội nào có thể giành ngôi vô địch được nữa.

Nhưng không có nghĩa là Thái Lan không có lối ra ở đào tạo trẻ. Tôi cũng không phải làm việc một mình mà còn các HLV khác. Điều tôi mong muốn là các HLV Thái Lan đoàn kết làm việc cùng nhau. Chúng tôi đang cùng nhau dự Khoá học AFC Pro-Diploma, nhưng không hẳn vì mục tiêu làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi cũng sẽ cùng nhau làm việc ở Thái Lan, hỗ trợ nhau vì mục tiêu chung.

Nếu mời HLV ngoại về nắm tuyển Thái Lan thì người đó cũng cần trợ lý bản địa. Vậy HLV Thái Lan tham dự khoá học là để hỗ trợ cho Liên đoàn. Do đó, FAT xây dựng đội ngũ HLV Thái Lan là để phát triển. Cho nên, đến lúc này tôi cũng không thấy có gì phải thay đổi cả.

Kiatisuk luôn nhắc đến đội tuyển quốc gia với niềm kiêu hãnh và tự hào. Ảnh: Instagram.

- Ông đánh giá sao nếu một HLV ngoại đến với Thái Lan lúc này cho mục tiêu hướng đến World Cup?

- Tôi không biết. Hãy hỏi Liên đoàn!

- Vậy còn HLV Thái Lan có đủ khả năng không?

- Tôi không biết. Tùy mỗi người nhìn nhận. Tôi cũng có những người thầy ngoại như Peter Withe, Peter Reid, Peter Stubbe, Dettmar Cramer... Đối với tôi, ai cũng tốt cả, nhưng tốt phải đồng nghĩa với hiệu quả công việc. Vậy thử hỏi có HLV ngoại nào đưa tuyển Thái Lan tham dự World Cup chưa? Vậy thì chọn thêm ai nữa?

- Vậy còn mục tiêu dự giải vô địch châu Á Asian Cup thì sao?

- Tôi từng đưa đội Olympic giành được vị trí thứ tư tại ASIAD 2014 rồi. Nhưng đến Asian Cup 2015, chúng tôi không vào được vòng chung kết. Tuy nhiên, hãy nhìn vào trình độ của tuyển Thái Lan khi đối đầu với các đội mạnh của châu Á hiện nay như Ảrập Xêút, Nhật Bản hay Australia, người hâm mộ có thể thấy thực trạng bóng đá Thái Lan so với các nước hiện nay ra sao. Chúng ta có chiến đấu hấp dẫn không? Người hâm mộ có quan tâm đến trận đấu không, có thấy hồi hộp không? Trước đây, khi tuyển Thái đấu với đội mạnh, người hâm mộ có quan tâm như vậy không? Chắc là không, vì họ nghĩ đội tuyển khó sống sót. Do đó, sự khó dễ trong các trận đấu đã có sự khác biệt. Nên nhớ, người hâm mộ bây giờ biết xem bóng đá.

- Nếu tiếp tục dẫn dắt tuyển Thái Lan, thì ông sẽ áp dụng những kiến thức từ khoá học AFC Pro-Diploma vào các trận đấu đầy khó khăn ở các trận đấu cuối của vòng loại World Cup 2018 ra sao?

- Thật ra tôi đã có sự chuẩn bị cho tuyển Thái Lan đến Asian Cup 2019, dù hợp đồng huấn luyện chỉ ký từng năm. Nhưng tôi cũng phải đặt mục tiêu cho từng năm. Năm nay có vòng loại World Cup, tuyển Thái Lan được một điểm trước Australia. Chúng tôi vẫn còn năm trận, trong đó có ba trận lượt về trước Ảrập Xêut, UAE và Iraq trên sân nhà, cũng như hai trận trước Nhật Bản và Australia trên sân khách. Nếu mời HLV ngoại về nắm đội tuyển cũng không sao. Đội tuyển vẫn sẽ thi đấu. Nhưng liệu có còn cầu thủ mới nào hay không?

- Ông chịu những sức ép, mệt mỏi nào trước các đồn đoán về tương lai của vị trí HLV?

- Tôi không mệt đâu! Hiện nay, hơn 60 triệu người hâm mộ thấy được không khí khi đội tuyển thi đấu ra sao. Tôi thì thấy được họ hạnh phúc như thế nào. Trước đây tôi không thấy ai mặc áo đấu đội tuyển đến sân cả. Trước đây đội tuyển thi đấu chỉ có khoảng vài trăm người mặc, bây giờ thì không chỉ 40.000 hay 50.000 người trên sân, mà cả nước đều mặc áo để cổ vũ cho đội tuyển. Chúng tôi nghĩ rằng mình đang cố gắng tạo ra hạnh phúc cho người Thái, cố gắng mang đến nụ cười cho người Thái.

Nếu chúng ta quay về con số không, thì cũng chẳng ai trách cả. Xây thì khó chứ phá thì dễ! Tuyển Thái mới giành chức vô địch có vài ngày thôi thì đã có dư luận rồi tin đồn tới tấp đến với tôi.

Người hâm mộ Thái Lan đã ủng hộ đội tuyển nhiều hơn trong thời gian Kiatisuk lên nắm quyền. Ảnh: AFF.

- Ông từng nghĩ rằng công việc của mình sẽ có lúc gặp thời điểm khó lường như thế này không?

- Tôi chưa từng nghĩ mọi việc sẽ như vậy, vì tôi luôn nỗ lực làm việc, cố gắng hết mình.

Nhưng tôi cũng nghĩ là mình may mắn, vì nếu lúc tôi dẫn dắt đội U23 bị loại khỏi vòng bảng ở SEA Games 2013, thì không có ngày hôm nay đâu. Tôi cũng gặp may mắn qua nhiều năm. Tôi cũng là HLV tuyển quốc gia gặp may mắn hơn những HLV khác do có thời gian làm việc lâu nhất. Có những lúc tôi gặp khó khăn thật sự nhưng lại có quý nhân phù trợ. Nên tôi tự thấy mình may mắn.

- Ông nhắn nhủ gì đến cầu thủ và người hâm mộ Thái Lan?

- Các cầu thủ cần tiếp tục thi đấu cho tuyển quốc gia, và người hâm mộ thì tiếp tục ủng hộ đội tuyển. Đừng bị tác động hay phản ứng gì. Tôi là người Thái. Nhà tôi cũng ở Thái Lan nên tôi không đi đâu cả.

- Nhưng nếu không ký hợp đồng nữa, ông sẽ như thế nào?

- Tôi làm việc ở đâu cũng được, có thể đi khắp thế giới, vì đó là đặc thù của nghề HLV và tuỳ thuộc vào người thuê. Nếu người thuê ký hợp đồng với HLV làm việc ở đâu, thì tôi sẽ làm việc ở đó. Đây cũng không phải là không yêu đất nước. Không cứ phải huấn luyện đội tuyển quốc gia mới là yêu nước. Không hề. Nếu tôi không làm thì chỉ vì họ không thuê tôi. Mà nếu họ đã không thuê tôi, thì việc gì phải năn nỉ. Chẳng lẽ mình không có lòng tự trọng, không tự tin, không có đầu óc hay sao mà phải làm vậy. Nếu họ quyết định không thuê nữa, thì mình nên tìm chỗ khác làm thôi! Đúng không?

- Ông thấy sao khi cứ phải trả lời nhiều về chuyện này?

- Tôi cũng mệt khi phải liên tục trả lời truyền thông. Nhưng khi tôi trả lời xong sẽ giúp người hâm mộ thoải mái, nhẹ lòng. Hiện tại, đội tuyển là của mọi người. Thành công của đội tuyển cũng là thành công của mọi người chứ không phải của cá nhân tôi.

- Nếu bàn với Chủ tịch FAT, ông sẽ bàn thế nào về thời hạn hợp đồng mới?

- Chắc chắn phải bàn về việc này rồi, bàn về việc ký hợp đồng nhiều năm, thay vì từng năm một. Nhưng tôi mong rằng hãy để mọi việc sang năm 2017, được không? Tại sao lại thích kiếm chuyện với tôi vậy? Tại sao lại thích để tôi phải đi tranh luận với người này người kia? Tôi làm việc trên sân đã nặng nề, mệt mỏi lắm rồi! Áp lực của từng trận đấu đã quá lớn. Vậy tại sao còn phải tạo áp lực vậy? HLV nào cũng có giới hạn riêng nên đừng làm quá!

Hôm qua tôi làm bài tập của Khoá học đến gần khuya. Rồi lại có người gọi đến báo tình hình tin đồn nọ kia đến hơn 12h đêm. Tôi thấy cũng buồn cười lắm! Qua những chuyện này khiến cho tôi và Chủ tịch gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Chuyện này cũng thật lạ kỳ! Đội vô địch mà còn vậy. Nếu không vô địch thì không biết sẽ thế nào nữa.

Tác giả bài viết: Linh Lan (dịch)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP