Bởi chồng bị tai biến từ năm 45 tuổi, mỗi lần đi đâu phải chống gậy, không làm được việc gì, chị Nga luôn cầu cho mình được mạnh khỏe để chăm sóc chồng suốt quãng đời còn lại. Chị không ngờ rằng, đến ước nguyện nhỏ nhoi ấy cũng không thực hiện được khi bản thân mang căn bệnh hiểm ác. Nghĩ đến số phận, chị cũng không biết mình rồi sẽ ra sao.
Cách đây gần 1 năm, chị Lê Thị Nga (sinh năm 1970 ở số 201 ấp Long Thành, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) phát hiện ở ngực có nổi một nốt mụn nhỏ. Nghĩ chỉ là mụn cơm, mụn cóc, chị học theo một mẹo dân gian, lấy nước miếng thoa lên mụn thì tự dưng thấy lặn. Bẵng đi một thời gian, chị lại thấy ngực mình đau nhói.
Không còn tiền chữa bệnh, vợ chồng chị Nga nhiều lúc đã nghĩ đến chuyện quyên sinh |
Thời điểm đó chị luôn cảm thấy mệt mỏi, nhiều lúc không muốn đi làm việc gì. Có đêm, chị bị những cơn đau đánh thức, đau đến thấu xương không thể ngủ nổi. Đến bệnh viện Ung bướu khám, bác sỹ tiên đoán đó là khối u vú ác tính, chị được nhập viện điều trị.
Điều trị được 6 đợt thuốc thì chị Nga hết tiền. Không còn cách nào khác, chị đành xin bác sỹ cho về nhà, xác định sống được ngày nào hay ngày đó.
"Về đến nhà, chứng kiến cảnh ông ấy chống gậy yếu ớt, tay chân lập cập không thể lo liệu cho mình việc gì, lòng tôi cứ quặn thắt", chị Nga nhớ lại. Không đành lòng để chồng tự xoay sở khi không có mình bên cạnh, chị đi vay tiền, trở lại bệnh viện. Chị hy vọng hết phác đồ của bác sĩ là có thể về nhà làm việc, kiếm tiền trả nợ, nuôi chồng.
Buồn thay, mọi việc không diễn ra suôn sẻ như chị nghĩ. Số tiền chị có luôn ít hơn khoản viện phí rất nhiều. Đến một lúc, chị chỉ mong chữa bệnh thật nhanh để thoát khỏi cảnh sống vạ vật, khổ sở trong bệnh viện.
Anh Nguyễn Văn Cợt tai biến nhiều năm nay không làm được việc gì. |
Vợ vạ vật hành lang bệnh viện, chồng cậy nhờ hàng xóm
Anh Nguyễn Văn Cợt và chị Lê Thị Nga có hai người con đã lập gia đình riêng.Tuy nhiên, cuộc sống của các con còn khó khăn, không giúp được nhiều cho cha mẹ. Suốt thời gian dài, cả hai vợ chồng ngã bệnh, gia đình đi vay nợ đủ nơi, đến nay đã không còn khả năng vay ai được nữa. Bệnh vẫn cần chữa, một mình chị Nga chăm mình ở bệnh viện, chồng chị phải cậy nhờ hàng xóm giúp đỡ.
Giá như trong nhà có một người khỏe mạnh thì vẫn còn kiếm được chút tiền tằn tiện sống qua ngày. Nhưng giờ cả hai đều đau ốm, công việc làm thuê trước kia cũng không đủ sức, cuộc sống lâm vào cảnh bế tắc cùng cực.
Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo của gia đình |
Người phụ nữ khốn khổ rơi nước mắt vì bế tắc |
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nga nấc nghẹn “Gặp cảnh như nhà tôi chỉ có chết mới hết. Lúc quẫn quá, vợ chồng bàn nhau chết hết cho xong nợ. Con cái cũng có cuộc sống riêng, lo hoài cho cha mẹ sao được. Phải chi nó có công việc tốt, đằng này cũng làm thuê làm mướn, hỏi nó cũng khi có khi không.
Hai vợ chồng không làm ra tiền, mong có miếng ăn cũng khó nói gì đến chữa bệnh. Tôi cố gắng vạ vật hành lang bệnh viện đỡ tốn tiền phòng trọ. Mẹ tôi gần 80 tuổi, nhìn con tiều tụy xót ruột nói để lên chăm, nhưng tôi nào dám. Mỗi lần cha gọi điện lại khóc. Phận làm con để cha mẹ cuối đời còn khổ vì mình, tôi đau lòng lắm”.
Mọi đóng góp có thể gửi về: Gửi trực tiếp: Chị Lê Thị Nga ở 201 ấp Long Thành, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, An Giang. ĐT: 0165 484 6512 |
Tác giả: Đức Toàn
Nguồn tin: Báo VietNamNet