Cuộc sống

Không phải kẻ thứ 3, không phải ngoại tình, đây mới là nguyên nhân hàng đầu khiến các cặp vợ chồng ly hôn

Tiến sĩ Mike McNulty sẽ giải thích lý do tại sao khinh thường là “vi khuẩn” có hại ăn mòn mối quan hệ, làm thế nào để phát hiện nó và có lẽ nhất quan trọng nhất là làm thế nào để ngăn chặn nó.

Tiến sĩ John Gottman, tác giả của cuốn sách The Seven Principles for Making Marriage Work, một trong những nhà tâm lý học hàng đầu thế giới đã trải qua bốn thập kỷ nghiên cứu về những vấn đề dẫn đến ly hôn của các cặp vợ chồng tại Viện Gottman. Ông muốn tìm ra nguyên hàng hàng đầu gây nên sự rạn nứt giữa hai người, và làm thế nào để sửa chữa nó. Đây là một nghiên cứu thú vị và cho kết quả bất ngờ. Sau quá trình nghiên cứu, Gottman tìm ra một “con sâu” nằm giữa mối quan hệ vợ chồng, ngăn cản họ hạnh phúc. Và ông xác định đây là nguyên do số một gây nên tình trạng ly hôn đáng báo động như hiện nay.

Đó là sự khinh thường.

Vâng, một ánh mắt hình “viên đạn”, một nụ cười “nhéch mép”, một thái độ ghê tởm, khinh rẻ là biểu hiện của sự khinh thường. Và nhiều người trong chúng ta đang dành điều “đặc biệt” này cho người bạn đời của mình. Tuy nhiên, cho dù ngay bây giờ bạn đang có thái độ và suy nghĩ đó đi chăng nữa thì nó vẫn chưa đủ sức khiến vợ chồng bạn rạn nứt đến mức phải dẫn nhau ra tòa, mà hậu quả nó gây ra mới là điều đáng nói. Chuyên gia Viện Gottman, Tiến sĩ Mike McNulty sẽ giải thích lý do tại sao khinh thường là “vi khuẩn” có hại ăn mòn mối quan hệ, và làm thế nào để phát hiện nó, nhưng có lẽ quan trọng nhất là làm thế nào để ngăn chặn nó.

Thông thường, khi chúng ta không đồng nhất ý kiến với một ai đó về một điều gì đấy thì chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu. Và nếu cảm giác đó mạnh mẽ, nó sẽ khiến chúng ta phải lên tiếng nói ra ý kiến, rồi tranh luận dẫn đến cãi nhau. Đặc biệt là vợ chồng, khi hai “người dưng khác họ” về sống chung một nhà thì sẽ không thể tránh khỏi những lúc tranh cãi, những lúc bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn xử lý những vấn đề đó như thế nào? Theo hướng lắng nghe, chấp nhận và sửa đổi hay khinh rẻ, miệt thị nhau? “Nếu các cặp vợ chồng không có những cuộc trò chuyện để cùng nhau giải quyết vấn đề thì nguy cơ ly hôn sẽ rất cao”, McNulty nói.

Nếu các cặp vợ chồng không có những cuộc trò chuyện để cùng nhau giải quyết vấn đề thì nguy cơ ly hôn sẽ rất cao (ảnh minh họa).


Hãy tưởng tượng xem nếu các mâu thuẫn của vợ chồng bạn cứ xảy ra liên tục, lặp đi lặp lại như: khắc khẩu với mẹ chồng hay không hòa hợp trong chuyện chăn gối thì chúng ta có mệt mỏi không. Để giải thích điều này McNulty cho biết: “Lý do mà những cặp vợ chồng đưa ra trong đơn ly hôn là “không hợp nhau” thực chất nó được diễn ra như sau: Họ tranh cãi, tức giận, không kiểm soát được bản thân đến nỗi dùng những lời chỉ trích, khinh miệt nhau để tự vệ. Điều này dẫn đến một thứ mà chúng ta gọi là “sinh lý kích thích khuếch tán” khiến cơ thể của một hoặc cả hai vợ chồng giải phóng hormone làm cho nhịp tim tăng lên, cơ bắp căng cứng, cơ thể trở nên nóng bức hoặc đổ mồ hôi, và dạ dày quặn thắt khiến họ cảm thấy lo lắng”.

Nghe có vẻ quen thuộc quá nhỉ? Nếu bạn đã từng trải qua một cuộc đụng độ nảy lửa, trong đó bạn cảm thấy giọng nói hoặc huyết áp của mình tăng lên, thì bạn nên biết rằng trạng thái tinh thần này không có lợi cho một cuộc trò chuyện. “Trong trạng thái này, hai người không ai có thể tiếp nhận thông tin mới từ đối phương và bản thân thì đã bị “đánh cắp” mất tính hài hước và sáng tạo. Tất cả những yếu tố này làm cho cuộc tranh luận về những vấn đề “nóng” giữa hai bạn càng “nóng” thêm”, McNulty giải thích. Nói cách khác, nếu bạn muốn giải quyết xung đột thì bạn hãy nói về chuyện đó sau khi bạn cảm thấy bình tĩnh hơn.

Tuy nhiên, cho dù hai bạn có giận dữ đến mức “bốc khói” thì cũng hãy vui mừng rằng đây vẫn chưa phải là yếu tố khiến hôn nhân hai bạn đổ vỡ. “Mối quan hệ chết là do băng chứ không phải do lửa. Sau nhiều cuộc tranh cãi, một số cặp vợ chồng đầu hàng. Họ ngừng cố gắng để nói chuyện với nhau, vì họ cảm thấy quá khó khăn và bị tổn thương sâu sắc từ các cuộc xung đột. Họ bỏ cuộc, chọn “chiến tranh lạnh”. Sự im lặng kéo dài, và cuộc sống vợ chồng chỉ như hai người dưng cùng “nơi trọ”. Vì vậy, nếu cả hai bạn vẫn còn tranh cãi nhau nghĩa là hôn nhân của các bạn vẫn chưa đến bước đường cùng” . McNulty cho biết. Cuối cùng, “im lặng” mới là thứ phá vỡ một cuộc hôn nhân.

Nhưng làm thế nào để biết đó là thái độ khinh thường – nguồn gốc gây ra sự im lặng? Liếc mắt hờ hững qua một thứ gì đó của đối phương là cách phổ biến nhất thể hiện sự khinh thường. “Bên cạnh liếc mắt, nụ cười nửa miệng mang tính mỉa mai cũng là thái độ khinh miệt, coi thường”, McNulty nói. Đôi khi sự khinh thường còn được thể hiện “tinh tế” trong lời nói, như nói bóng gió, chửi khéo…

Liếc mắt hờ hững qua một thứ gì đó của đối phương là cách phổ biến nhất thể hiện sự khinh thường (ảnh minh họa).


Bên cạnh đó, McNulty cũng đưa ra 5 lời khuyên cho các cặp vợ chồng để dập tắt “lửa” ngay khi nó mới bắt đầu nhen nhúm.

- Tránh việc đảo mắt, lời nói giễu cợt, nụ cười mỉa mai. Hai người có thể tránh đối đầu với nhau bằng cách ngưng cuộc thảo luận tại đây, khi nào bình tĩnh sẽ thảo luận tiếp.

- Đừng mong đợi quá nhiều vào người bạn đời, và hãy chấp nhận con người của họ. Ai cũng thường hay lý tưởng hóa về người bạn đời của mình và đặt vào người đó nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, chồng/vợ của bạn là một cá thể riêng biệt nên ý kiến và những nhu cầu, sở thích, tính cách, cách ứng xử khác xa so với bạn là điều đương nhiên. Bạn có thể không chấp nhận tất cả mọi tật mà bạn cho là xấu của người ấy, nhưng bạn vẫn phải tìm cách chung sống “hòa bình” với những gì thuộc về bản chất cố hữu của người ấy. “Với hầu hết các cặp vợ chồng, 69% các vấn đề dẫn đến sự bất đồng đều là những vấn đề vĩnh viễn, không thể thay đổi được, và chỉ có khoảng 31% vấn đề có thể được giải quyết một cách đơn giản”, McNulty chia sẻ. Nói cách khác, phần lớn các vấn đề của hai vợ chồng sẽ không thể giải quyết dứt điểm được, thế nên bạn chỉ có cách thỏa hiệp và “sống chung với lũ”.

- Giải quyết vấn đề chung từ bản thân mình trước. Hãy suy nghĩ. Tại sao hành vi này của anh ấy/cô ấy lại làm mình khó chịu như vậy? Mình có thể sống cùng với nó không? Nếu câu trả lời là không thì bạn có thể nhờ tư vấn để tìm một số cách đối phó với nó mà không gây tổn hại đến tình cảm vợ chồng.

- Thay vì giận dữ hét toáng lên để nói ra suy nghĩ của mình thì bạn hãy ngồi im, thách thức chính mình để lắng nghe đầy đủ và sâu sắc những gì người ấy đang chia sẻ. Điều này giúp bạn nhanh lấy lại bình tĩnh; Thứ hai là khi hiểu được suy nghĩ của đối phương thì cuộc đối thoại sẽ đi đúng đường đúng hướng; Thứ 3 là khi bạn bình tĩnh thì đối phương cũng sẽ tự điều chỉnh mình, kiềm chế cơn nóng giận.

- Khi bày tỏ cảm xúc của mình, bạn hãy nhớ “phàn nàn một cách nhẹ nhàng và không đổ lỗi cho người khác”, McNulty khuyên. Hãy nói về cảm xúc của bạn, và bạn cảm thấy như thế nào thì tốt hơn so với việc đổ lỗi hay chỉ trích hành động của người bạn đời. “Những thay đổi trong hành vi là khá đơn giản nhưng lại tạo ra một sự khác biệt lớn”, McNulty nói.

Như vậy, ly hôn được bắt nguồn từ những cuộc đụng độ của “lửa” mà nguồn cơn là sự khinh thường, rồi lửa tắt, nguội lạnh dần, nhường chỗ cho “băng” là sự im lặng. Hôn nhân kết thúc trong cuộc chuyển giao giữa “lửa” và “băng”. Vì vậy, các cặp vợ chồng hãy luôn tỉnh táo trong những cuộc tranh luận, hãy xử lý vấn đề bằng một cái đầu lạnh và một trái tim nóng để lý trí đủ tỉnh táo và trái tim đủ yêu thương để dung hòa những khuyết điểm của nhau, của cuộc sống vợ chồng còn nhiều chỗ bấp bênh.

Tác giả bài viết: Ichi Lê/theo Hồng Hạnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP