Theo đó, ông Đoàn Ngọc Lâm đã chủ trì cuộc họp xử lý vật chất nạo vét cảng than nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 vào ngày 28-8 vừa qua. Ông Lâm chỉ đạo thống nhất phương án đưa vật chất nạo vét công trình cảng nhập than thuộc Dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm điện lực Quảng Trạch lên bờ theo đề xuất của Sở TN-MT, Ban Quản lý dự án Điện 2.
Khu vực nạo vét gần 3 triệu mét khối vật chất vịnh Mũi Độc, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch |
Ban Quản lý dự án Điện 2 hoàn chỉnh phương án theo hướng ưu tiên sử dụng nạo vét để san lấp mặt bằng theo nhu cầu của các dự án tại Trung tâm điện lực Quảng Trạch, phần còn lại bàn giao tỉnh quản lý theo quy định. Ban Quản lý dự án Điện 2 xin ý kiến Bộ TN-MT về việc điều chỉnh Báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thay đổi phương án xử lý vật chất nạo vét, hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Khu vực quy hoạch đưa vật chất lên bờ làm nền móng cho các dự án điện mới |
Theo ông Nguyễn Huệ, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, tổng khối lượng vật chất sau khi nạo vét để thi công dự án khoảng 2.842.095m3. Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN-MT phê duyệt tại quyết định số 3321/QĐ-BTNMT ngày 25-12-2017 thì 854.000m3 được đưa lên bờ để tận dụng san lấp mặt bằng nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2, khối lượng còn lại 1.988.095m3 đưa đi nhấn chìm ở biển.
Thi công đê chắn sóng |
Theo ông Huệ, phương án nhấn chìm ở biển có thể làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái biển, tốn chi phí vận chuyển, xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh, trật tự.
Không nhấn chìm gần 3 triệu mét khối vật chất được đánh giá cao |
Hiện tại, các cơ quan chức năng đã thống nhất tối ưu đưa vật chất nạo vét vào các khu vực thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch, gồm: mặt bằng nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2, khu vực chòm 1,2,3 thôn Vĩnh Sơn và trữ tạm tại khu vực bờ biển tiếp giáp chòm 1,2,3 thôn Vĩnh Sơn để sử dụng cho các dự án khác của địa phương. Tổng diện tích 93,76ha, sức chứa hơn 2,2 triệu mét khối vật chất. Khu vực trên đã di dời dân đi tái định cư, không có dân sinh sống.
Thi công công trình đê chắn sóng |
Theo ông Nguyễn Huệ, việc đổ vật chất nạo vét không làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, đơn vị chỉ đổ tại các vị trí đã giải phóng mặt bằng, được UBND tỉnh cho thuê đất thực hiện dự án. Đối với các khu vực chưa được giải phóng mặt bằng, khu vực ngoài quy hoạch, đề nghị đơn vị phối hợp với các sở, ngành, địa phương và chủ sử dụng đất lựa chọn vị trí, phạm vi phù hợp để đề xuất UBND tỉnh xem xét, chấp thuận. Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận vị trí bãi chứa, đơn vị có trách nhiệm thực hiện lập, trình và phê duyệt điều chỉnh các nội dung liên quan đánh giá tác động môi trường, thiết kế, dự toán và thi công xây dựng của dự án cơ sở hạ tầng và hoàn thành các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thuê đất trước khi triển khai thực hiện.
Khu vực đưa vật chất lên bờ, dân cư đã đi tái định cư |
Cũng theo ông Huệ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang triển khai nhiều dự án có nhu cầu vật liệu san lấp lớn, do đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá chất lượng vật chất nạo vét, trường hợp đủ tiêu chuẩn làm vật liệu san lấp thì xem xét phương án lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản trong dự án theo quy định nhằm tiết kiệm được chi phí bốc xúc, vận chuyển, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, có nguồn vật liệu để chủ động cung cấp cho các công trình trên địa bàn, tăng thu ngân sách cho địa phương, giảm áp lực trong việc tìm kiếm bãi chứa.
Đây là kết quả mà Báo SGGP phản ánh mối lo ngại của giới chuyên môn suốt 5 năm qua. Các chuyên gia đánh giá không nhấn chìm gần 3 triệu mét khối vật chất sẽ tạo môi trường biển ổn định, cuộc sống của hàng trăm ngàn ngư dân các làng biển và hậu thế hàng trăm năm được bảo tồn tốt về nguồn thủy sản dồi dào.
Tác giả: MINH PHONG
Nguồn tin: sggp.org