Loan đã lừa những người lao động nghèo cần vay vốn làm ăn bằng cách giả danh nhân viên ngân hàng, tự đặt ra các hình thức cho vay tiền “không giống ai”.
Nhân viên ngân hàng đáng ngờ
Đầu tháng 10/2016, anh Mai Vũ P. (ngụ thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đang lao động tại huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) cần một khoản tiền để đầu tư làm ăn nên nhờ người dò hỏi vay ngân hàng với thủ tục nhanh gọn nhất.
Thông qua người quen tên Cẩm, anh gặp một cô gái tự giới thiệu tên là Vũ Thị Nhật Linh, là nhân viên Ngân hàng Quân đội chi nhánh Quảng Nam. Linh tư vấn cho anh P. rằng ngân hàng mình đang áp dụng hình thức cho vay thông qua thế chấp bằng sổ tiết kiệm, thủ tục rất nhanh gọn.
Theo hướng dẫn của Linh, khách hàng muốn vay trước hết phải chi ra một số tiền từ 4-10 triệu đồng để lập sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Quân đội. Sau đó, dùng sổ tiết kiệm này như một tài sản thế chấp để vay tiền. Với sổ tiết kiệm có tài khoản như trên, khách hàng có thể vay được từ 10 triệu đến 180 triệu đồng.
Thấy hình thức cho vay này đơn giản, lại đang cần tiền nên anh P. đồng ý và hẹn gặp Linh để nhờ làm thủ tục vay. Sáng ngày 4/10, tại quán cà-phê An Hà (phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ), anh P. gặp Linh và giao cho Linh 7 triệu đồng nhờ lập sổ tiết kiệm để vay tiền.
Sau khi Linh rời khỏi quán, anh P. chợt nhớ mình chưa đưa chứng minh thư nhân dân để Linh làm hồ sơ vay nên điện thoại cho Linh thì Linh hẹn gặp tại quán cà-phê Cóc-pro (Phường An Xuân, TP. Tam Kỳ). Lúc này, qua cách trả lời của Linh, anh P. cảm thấy nghi ngờ về nhân viên ngân hàng này nên khi gặp Linh, anh đã đổi ý không vay nữa.
Khi anh P. đòi tiền lại thì Linh bảo đã giao tiền cho nhân viên khác của ngân hàng để làm sổ tiết kiệm. Câu trả lời này khiến anh P. càng thêm nghi ngờ bởi Linh mới vừa nhận tiền của anh chưa đầy 20 phút. Anh P. cương quyết đòi tiền thì Linh ấp a ấp úng rồi hẹn về nhà lấy tiền trả lại.
Anh P. liền điện thoại cho bà Cẩm để nhờ can thiệp thì gặp chồng bà Cẩm. Ông này có người quen đang công tác tại Ngân hàng Quân đội nên nhờ đến xác minh thì phát hiện Linh không phải là nhân viên ngân hàng. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, hai người đã báo cơ quan chức năng đến giải quyết.
Lộ diện “hot girl” lừa đảo
Vào cuộc xác minh, Phòng PC45 Công an Quảng Nam đã xác định Vũ Thị Nhật Linh thực ra có tên là Võ Thị Kim Loan (SN 1991, ngụ thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ).
Loan không phải là nhân viên ngân hàng mà chỉ là một kẻ thất nghiệp, bày trò lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra cho thấy, trước anh P., Loan đã thực hiện hành vi lừa đảo thành công với nhiều người khác, chiếm đoạt hơn 40 triệu đồng.
Theo kết quả điều tra, đầu tháng 9/2016, Loan được chị Nguyễn Thị V. (ngụ xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là tư vấn viên tài chính của một ngân hàng đóng trên địa bàn Quảng Nam đề nghị tìm khách hàng cần vay vốn làm hồ sơ để hưởng tiền hoa hồng.
Chị V. đã trực tiếp tư vấn cho Loan 3 hình thức để Loan tìm kiếm khách hàng làm hồ sơ vay vốn gồm: Vay bằng hóa đơn tiền điện, vay bằng bảng lương sao kê, vay bằng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Sau đó Loan đã tiến hành tìm kiếm khách hàng, thu thập hồ sơ và tư vấn một số khách hàng cho chị V.
Trong quá trình làm cộng tác viên cho chị V., Loan bỗng nảy sinh ý đồ chiếm đoạt tiền của khách hàng. Loan tự giới thiệu với nhiều người mình là nhân viên ngân hàng, nhận tư vấn, hỗ trợ làm hồ sơ cho khách hàng vay với thủ tục đơn giản, nhanh gọn.
Thấy Loan có vẻ ngoài sáng sủa, ăn mặc tươm tất như nhân viên ngân hàng nên nhiều người tin lời nhờ làm hồ sơ vay. Để dễ dàng lừa đảo, Loan tự nghĩ ra một hình thức vay vốn “không giống ai”, được Loan gọi là “vay bằng sổ tiết kiệm” để bẫy những người cả tin. Như trường hợp anh P. đã nêu, sau khi nhận tiền của khách hàng, Loan nói là để lập sổ tiết kiệm làm tài sản thế chấp nhưng lẳng lặng bỏ túi luôn số tiền đó rồi cắt liên lạc.
Trước khi lừa anh P., trước đó 4 ngày, Loan đã chiếm đoạt tiền của 5 nạn nhân khác cùng ngụ thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) bằng thủ đoạn tương tự.
Cụ thể, ngày 30/9, chị Võ Thị Kim Th. bị Loan lừa mất 3,5 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 1/10, chị Hồ Thị Ngọc Tr. và chị Nguyễn Thị Mộng Th. mỗi người bị Loan chiếm đoạt 1 triệu đồng. Ngày 2/10 Loan đã chiếm đoạt của chị Lê Thị Xuân K. 1,5 triệu đồng. Ngay hôm sau, Loan đã lừa lấy của chị Nguyễn Thị H. 3 triệu đồng. Đến ngày 4/10, khi Loan cầm 7 triệu đồng của anh P. định “chuồn êm” thì anh này nghi ngờ báo cơ quan chức năng.
Trước đó, Loan còn tự nghĩ ra một hình thức vay vốn khác được Loan gọi là “vay bằng hợp đồng trả góp” để lừa đảo người cả tin. Cụ thể, Loan hướng dẫn khách hàng muốn vay tiền ngân hàng phải mua một mặt hàng tiêu dùng có giá trị trên 5 triệu đồng dưới hình thức trả góp. Sau đó, dùng hợp đồng mua trả góp như một tài sản thế chấp để vay vốn. Khi có người tin lời, Loan sẽ giữ đồ vật đã mua trả góp của khách hàng, nói rằng để làm thủ tục vay rồi sẽ trả lại, nhưng sau đó chiếm đoạt luôn.
Với thủ đoạn này, ngày 26/9/2016 Loan đã yêu cầu chị Trương Thị Kim L. (ngụ thôn An Lâu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đến Siêu thị Viễn Thông (đường Phan Chu Trinh, TP. Tam Kỳ) mua một ĐTDĐ nhãn hiệu SamSung Galaxy A7 với giá 9,9 triệu đồng theo hình thức trả góp.
Sau đó Loan cầm điện thoại chị L. vừa mua, nói rằng để về ngân hàng làm thủ tục thế chấp vay vốn. Tuy nhiên, Loan mang chiếc điện thoại này đến cửa hàng ĐTDĐ bán được 5.350.000 đồng đem tiêu xài cá nhân.
Cần cảnh giác
Số tiền Loan chiếm đoạt qua các vụ lừa đảo tuy không lớn nhưng về bản chất gây nguy hiểm lớn cho xã hội. Nó không chỉ làm rối loạn hoạt động tín dụng mà còn khiến những nạn nhân vốn đã khó khăn lại lâm vào cảnh khốn khổ hơn.
Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các “khách hàng” của Loan đều là người buôn thúng bán bưng, công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Do thiếu vốn làm ăn hoặc vào thế bí phải trả nợ gấp nên họ không đến ngân hàng mà giao dịch với Loan, vì “thủ tục dễ dàng, nhanh gọn”.
Khi hay tin Loan bị Công an bắt, một nạn nhân của Loan chia sẻ: “Sau khi đưa tiền cho cô ta làm sổ tiết kiệm để vay vốn, tôi không liên lạc được với cô ta nữa. Lúc ấy tôi mới biết mình bị lừa. Cũng may là các anh công an đã sớm phát hiện và bắt giữ, nếu không cô ta sẽ tiếp tục lừa nhiều người khác nữa”.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một số ngân hàng đều có chung khuyến cáo: Khi người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng, hãy đến hội sở ngân hàng để được nhân viên ngân hàng tư vấn đầy đủ, chi tiết các sản phẩm, mức lãi suất, lợi ích khi vay tiền…
Trong trường hợp khách hàng bị lừa đảo hoặc phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy cung cấp thông tin ngay cho cơ quan công an và thông báo cho ngân hàng để được hỗ trợ điều tra làm rõ. Người dân không nên vì “thủ tục nhanh gọn, đơn giản” mà sập bẫy những kẻ đội lốt nhân viên ngân hàng, dễ rơi vào cảnh “đã nghèo lại nghèo thêm”.
Tác giả bài viết: Hoàng Văn – Nam Phương
Nguồn tin: