Kinh tế

Khối tài sản 4 tỷ USD: 'Miếng ngon' không ai chịu từ bỏ

Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN từ các bộ, UBND cấp tỉnh về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang bị trì hoãn, thậm chí có đơn vị chỉ muốn chuyển giao phần “xương xẩu” về SCIC mà không nỡ bỏ "miếng ngon".

Thời gian qua, SCIC đã phối hợp với các bộ, UBND cấp tỉnh để xây dựng danh sách DN thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC. Từ năm 2013 đến nay, có khoảng 234 DNNN có thỏa thuận chuyển giao vốn về tập đoàn quản lý vốn Nhà nước này.

Thế nhưng, đến nay mới chỉ thống nhất được 61 DN thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, UBND tỉnh hoàn tất việc chuyển giao trước quý I/2017, song đến nay vẫn chưa xong.

20170221151757 scic
Còn 173 DN chưa chuyển giao về cho SCIC quản lý.

Tại hội thảo Đề xuất hướng xử lý đối với DN thuộc diện chuyển giao về SCIC, do Bộ KH-ĐT tổ chức ngày 21/2, đại diện SCIC cho hay vẫn còn tới 173 DN thuộc diện chuyển giao nhưng SCIC và các bộ, UBND tỉnh chưa thống nhất. Trong đó, các bộ còn 32 DN (Bộ Công Thương còn 8 DN, Bộ GTVT 5 DN, Bộ NN-PTNT 5,... ), còn lại là ở các địa phương. Tổng vốn điều lệ của 173 DN đó là trên 82.000 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD).

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) nhận định, phản ánh từ thực tế cho thấy vẫn còn hiện tượng một số bộ ngành và địa phương chưa tích cực thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN vê SCIC, thậm chí trì hoãn việc chuyển giao DN đủ điều kiện chuyển giao.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, việc trì hoãn chuyển giao có nhiều lý do khác nhau. Nhiều địa phương có quan điểm không chuyển DN về SCIC bởi các DN này để phục vụ cho sự nghiệp phát triển của địa phương bất kể DN công ích hay DN kinh doanh.

“Một số nơi muốn giữ lại DN thuộc ngành quản lý, chỉ muốn chuyển giao những DN thua lỗ, không hiệu quả”, ông Hiếu chia sẻ.

Theo báo cáo của chính SCIC, lũy kế đến nay đơn vị này mới tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 1.000 DN, tổng giá trị vốn chỉ gần 10.000 tỷ đồng (theo giá thị trường là 15.000 tỷ), mới bằng khoảng gần 1% tổng số vốn nhà nước tại DN.

Đáng chú ý, SCIC cho hay 80% DN chuyển về SCIC là DN nhỏ hoạt động kém hiệu quả, số DN thuộc diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ chiếm gần 7%. Từ năm 2009 đến nay, số lượng DN chuyển về SCIC quản lý rất ít ỏi. Chẳng hạn, năm 2010 chỉ 17 DN, các năm 2015 có 12 DN, và 2016 là hơn 20 DN,...

Đại diện SCIC cho biết có tình trạng một số bộ, UBND tỉnh thành không thực hiện chuyển giao, thay vào đó đề nghị được giữ lại DN để quản lý hoặc để các đơn vị này tiến hành bán phần vốn nhà nước tại DN. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty không được bán bớt phần vốn nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết trước khi bàn giao về SCIC nhưng một số tập đoàn, tổng công ty vẫn “chống lệnh”, tiến hành bán vốn.

20170221151952 scic 1
Nhiều DN được giao về SCIC là các DN làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả

Đại diện SCIC than thở: Từ 2009 trở lại đây tốc độ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN từ các bộ, UBND cấp tỉnh về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước rất chậm. Có nhiều lý do. Vừa rồi Bộ Tài chính, cũng như SCIC đã báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN xác định tốc độ chuyển giao những năm gần đây không đạt yêu cầu đề ra. Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu bộ, ngành chuyển giao các DN nằm trong diện này. Chế tài với hành vi chậm chuyển giao đã có, nhưng theo SCIC, tiến độ chưa cải thiện là bao.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng: Việc chuyển DN về SCIC là một nhiệm vụ cải cách để chuyển nền kinh tế sang kinh tế thị trường, bởi không có thị trường thì nền kinh tế Việt Nam không phát triển được.

“Không phải quá trình chuyển giao chậm mà nó thể hiện tốc độ cải cách kinh tế chậm, nó là quá trình giằng xé lợi ích kinh tế giữa các bên”, ông Cung nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Lương Bằng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP