Nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đang rơi vào tình trạng quá tải. Trong ảnh: Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải. |
Được ví là “bản sao” của khoa Cấp cứu, khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải. Được nâng cấp, mở rộng thành 2 cơ sở với chỉ tiêu 161 giường bệnh nhưng đơn vị này luôn tiếp nhận điều trị trên 200 bệnh nhân.
Vào những ngày cao điểm có thể lên đến 230 bệnh nhân, buộc bệnh viện phải kê thêm giường, nằm ghép đôi nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh của người dân. Khoa Ngoại thần kinh hiện có 14 bác sĩ, 24 điều dưỡng và 5 hộ lý.
Tình trạng chấn thương do lao động, tai nạn giao thông những năm gần đây tăng cao khiến đội ngũ nhân viên y tế phải làm việc hết công suất. “Ra ngoài này điều trị thì yên tâm vì các bác sĩ có chuyên môn hơn, trang thiết bị cũng hiện đại hơn nhưng khổ cái là bệnh nhân đông quá, nằm chen chúc.
Đông người nên tâm lý cũng không thoải mái lắm nhưng vì chữa bệnh phải ráng, mỗi người chịu khó một tí”, bệnh nhân Trần Văn Hòa (trú xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bị tai nạn lao động, gãy xương vai, chấn thương đầu, hiện đang điều trị tại khoa Ngoại thần kinh nói.
“Cũng có bệnh nhân vào điều trị chấn thương ngoại kết hợp điều trị nội khoa các bệnh như tim mạch, tiểu đường nên khoa bắt buộc phải mời các bác sĩ ở các chuyên khoa khác phối hợp, đó cũng là một trong những lý do khiến khoa luôn trong tình trạng kín giường, thậm chí nằm ghép”, điều dưỡng trưởng khoa Ngoại thần kinh, chị Nguyễn Thị Kiều Chinh cho biết.
Tình trạng quá tải ở Bệnh viện Đà Nẵng cũng xảy ra ở một số khoa như Ngoại chấn thương, Nội tim mạch, Cấp cứu… Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nhân, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, với chỉ tiêu được giao 1.250 giường bệnh nhưng số giường thực kê trên 2.300. Bệnh viện luôn thu dung trên 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày, cao điểm lên đến 2.450 bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong số hơn 2.000 bệnh nhân khám, điều trị mỗi ngày tại bệnh viện, số bệnh nhân đến từ các địa phương khác chiếm khoảng 35%. Tình trạng quá tải được lãnh đạo bệnh viện đề cập từ 5 năm trước nên việc giảm tải một trong những nhiệm vụ trọng tâm suốt thời gian qua.
“Ngoài việc cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân đến khám, chữa bệnh, bệnh viện cũng đã xây mới, nâng cấp cơ sở như nới rộng khu điều trị tại khoa Y học nhiệt đới, thu hẹp khu hành chính, tách khoa hợp lý nhằm tăng diện tích thu dung điều trị. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Tim mạch trong thời gian tới sẽ góp phần giảm tải cho bệnh viện”, bác sĩ Thạnh cho biết thêm.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, nhiều bệnh nhi phải nằm dọc hành lang để điều trị. Với phương châm mỗi bệnh nhân một giường bệnh để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh ngày càng cao của người dân khu vực miền Trung-Tây Nguyên, bệnh viện phải kê thêm các giường bệnh trong phòng điều trị, dọc hành lang, khu khám bệnh.
Theo bác sĩ Đặng Văn Hòa, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, chỉ tiêu của khoa chỉ 80 giường bệnh nhưng thực tế luôn tiếp nhận từ 150-200 bệnh nhân. “Trong khoảng 2 năm trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện điều trị tăng cao, không theo một quy luật chuyển mùa như trước nữa, buộc bệnh viện phải kê thêm giường.
Nhưng đây chỉ là giải pháp đối phó, tạm thời vì làm như vậy thì diện tích, mật độ thu dung điều trị sẽ bị thu hẹp; chưa kể đội ngũ nhân lực y tế cũng bị quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn”, bác sĩ Hòa cho biết thêm. Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng hiện có 23 khoa lâm sàng với chỉ tiêu 900 giường bệnh nhưng thực kê luôn trên 1.600 giường. Nhiều khoa rơi vào tình trạng quá tải, số giường bệnh hoạt động hết công suất như khoa Nhi hô hấp (170%), Nhi tiêu hóa-dinh dưỡng (232%), Nhi tổng hợp (169%)…
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, những năm gần đây, các bệnh viện công lập phát triển mạnh các mũi nhọn về y tế chuyên sâu, các chỉ tiêu giường bệnh cũng liên tục gia tăng. Tuy nhiên, so với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của thành phố hiện nay, hiện trạng ngành y tế vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế của người dân thành phố và các địa phương lân cận.
“Nhiều bệnh viện vẫn còn quá tải, công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt, cụ thể Bệnh viện Đà Nẵng đạt 174,25%, Bệnh viện Phụ sản-Nhi đạt 148,79%, Bệnh viện Ung bướu là 116,95%; còn các bệnh viện tuyến quận, huyện đều trên 120%.
Để hạn chế tình trạng nằm ghép, nhiều bệnh viện kê thêm giường ở bất cứ khu vực nào có thể tận dụng được. Tuy nhiên, tình trạng kê thêm giường trong điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp như hiện nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động thăm, khám, chăm sóc và sinh hoạt của bệnh nhân; đồng thời ảnh hưởng đến khả năng, hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân viên y tế”, bà Yến cho biết.
Tác giả: Phan Chung
Nguồn tin: Báo Đà Nẵng