Giáo dục

Khó khăn lớn nhất của đề án giáo dục có giá hơn 9.000 tỷ đồng gặp phải là gì?

Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã đi được 2/3 chặng đường nhưng kết quả đạt được so với mục tiêu khá xa vời.

Thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc từ lớp 3

Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 về Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.

Mục đích của Đề án là đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ để giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa.

Ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo mục tiêu của Đề án đã đặt ra, tới năm 2020 sẽ có 100% học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm với tổng kinh phí 9.378 tỉ đồng.

Nhưng tính tới năm 2016, cả nước mới chỉ có 1.617.022 học sinh lớp 3, 4, 5 trên tổng số 7.784.685 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Còn lại chủ yếu mới chỉ được làm quen với tiếng Anh thời lượng 2 tiết/tuần.

Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã đi được 2/3 chặng đường nhưng kết quả đạt được so với mục tiêu khá xa vời. (Ảnh minh họa từ thanhnien.vn)


Kết quả của môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 cũng là một tham chiếu.

Năm 2016, theo phổ điểm của Bộ GD&ĐT, trong 472.000 bài thi tiếng Anh, 10 bài đạt điểm 10; 2.444 bài đạt trong khoảng 9-10 (chiếm 0,52%). Điểm trung bình là 3,48. Điểm nhiều nhất là 2,4.

Theo một thống kê khác, 90% thí sinh ở hai cụm thi đại học và tốt nghiệp có điểm thi tiếng Anh dưới trung bình.

Trước đó, năm 2015, môn thi có phổ điểm thấp nhất là Ngoại ngữ, chủ yếu tập trung ở mức 2 đến 3,5 điểm. Cả nước có 74.151 thí sinh đạt 2,25 điểm môn thi tiếng Anh.

Đích đến còn xa

Theo Bộ GD&ĐT, khó khăn lớn nhất để đạt được mục tiêu trên là vấn đề giáo viên, dù được đầu tư đáng kể để đào tạo và bồi dưỡng, nhưng chất lượng đội ngũ giáo viên so với chuẩn còn thấp.

Kết thúc năm học 2015-2016, cả nước mới có 7.964 trong số 21.412 giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, chiếm 37,19%; 12.388 trong số 33.741 giáo viên tiếng Anh THCS đạt chuẩn (chiếm 36,71%); 4.447 trong số 17.028 giáo viên tiếng Anh THPT đạt chuẩn (chiếm 26,12%).

Lãnh đạo Bộ đã thừa nhận “sẽ mất nhiều thời gian và ngân sách để tiếp tục bồi dưỡng đạt chuẩn và học sinh sẽ phải tiếp tục chờ giáo viên đạt chuẩn để học theo đúng thời lượng 4 tiết/tuần mà đề án đặt ra”.

Lý giải điều này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Khi xây dựng đề án, chúng ta đã đưa ra mục tiêu quá cao so với điều kiện thực tế nên hiệu quả chưa tốt. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn thấp, thể hiện rõ ở kết quả môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia”.

Tác giả bài viết: Linh Hương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP