Thói quen xả rác bừa bãi
Theo quy định, rác thải của các hộ dân, cơ sở kinh doanh, trường học, chợ... trên địa bàn TP.Đồng Hới phải bỏ vào các thùng đựng rác hoặc các xe gom. Tuy nhiên, dạo quanh một số tuyến đường, như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hữu Cảnh... không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân bỏ rác không đúng nơi quy định, gây phản cảm cho những người tham gia giao thông. Theo chị Nguyễn Thị Loan, nhân viên Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị, tình trạng vứt rác gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị vẫn diễn ra hàng ngày. Mặc dù dọc các tuyến đường có rất nhiều thùng rác được đặt, nhưng rác vẫn chất đầy xung quanh các thùng chứa rác này với đủ loại, từ rác thải sinh hoạt của các hộ dân cho đến vật liệu, phế thải... Chưa kể, những bãi rác “tự phát” còn xuất hiện ở một số nơi ít dân cư như khu vực giáp ranh giữa các phường. Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị đã nhiều lần phối hợp với các phường để xử lý những bãi rác này, nhưng chỉ sau một thời gian, rác các nơi lại tấp về. Thậm chí nhiều nơi đã đề biển “cấm đổ rác" vẫn trở thành những bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường sống.
Nguyên nhân chính của vấn đề trên là do sự thiếu ý thức của người dân. Không ít người ăn quà vặt thản nhiên vứt rác ngay tại chỗ mình đang ngồi hay tình trạng người ngồi trên xe (ô tô hay xe máy) tiện tay vứt rác xuống lòng đường mà không hề để ý đến xe cộ khác đang lưu thông bên cạnh.
Để tránh tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định, cần phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. |
Phần lớn người dân khi được hỏi về hành vi xả rác bừa bãi đều có những câu trả lời như: “tiện tay”, “do thói quen”. Anh Nguyễn Hữu Long, phường Nam Lý cho biết: "Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng có biết về quy định xử phạt khi vứt rác bừa bãi, không đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều thùng rác quá nhỏ không đủ chứa rác khiến nhiều người phải đổ tràn ra ngoài".
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày, TP. Đồng Hới thải ra khoảng 96,5 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó thu gom, xử lý khoảng 85 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 88,1%. Số rác thải này hiện do các hộ gia đình tự xử lý hoặc phát tán ra môi trường. Đáng nói, các loại rác thải khác như rác thải xây dựng hiện chưa thể thống kê được khối lượng phát sinh và chưa tổ chức thu gom mà chủ yếu là tái sử dụng để san lấp.
Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi
Thực trạng người dân ở các khu đô thị lớn vứt rác, xả thải bừa bãi ra môi trường, nhất là ở những nơi tụ tập đông người hay trong các dịp lễ hội không chỉ làm xấu đi hình ảnh của tỉnh nhà, điểm đến của du khách trong nước và quốc tế, mà còn làm ô nhiễm không gian sống của người dân.
Ở nhiều nước văn minh, việc bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu, điển hình là Singapore. Người xả rác bừa bãi sẽ bị phạt tới một nghìn đô-la Singapore (tương đương với 16 triệu đồng Việt Nam) cho lần vi phạm đầu tiên. Mức phạt sẽ tăng từ hai đến năm lần nếu tái phạm, kèm theo các hình phạt bổ sung như lao động công ích, dọn dẹp môi trường. Thậm chí, các phương tiện truyền thông được mời đến giám sát và ghi hình sự kiện... Ðây là biện pháp mà chúng ta cần tham khảo trong quản lý và bảo vệ môi trường đô thị.
Do vậy, thiết nghĩ để hành vi xả rác bừa bãi chấm dứt, các chế tài đề ra cần phải được thực hiện một cách nghiêm minh, nghiêm túc và nghiêm khắc với từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của người dân.
Tác giả: Phạm Hà
Nguồn tin: baoquangbinh.vn