Họ là một đôi vợ chồng trí thức, yêu nhau từ thời còn học chung ở Hà Nội. Cuộc sống của họ khiến nhiều người mơ ước vì cả hai đều là bác sĩ tại một bệnh viện lớn, lại còn sở hữu phòng khám tư. Kinh tế khá giả, con cái đủ nếp tẻ, hôn nhân của họ thoạt nhìn thật viên mãn. Thế nhưng một ngày, họ lại đưa nhau ra tòa ly hôn. Lý do người chồng đưa ra là không thể tiếp tục chịu đựng cuộc sống bị vợ bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần. Mặc cho chị vợ níu kéo, người chồng vẫn cương quyết chia tay, tự nguyện chu cấp nuôi các con đến tuổi trưởng thành.
Ảnh mang tính minh họa: Internet
Chồng: Vợ kìm kẹp và... bạo hành
Trong đơn xin ly hôn gửi TAND Q.3, TP.HCM, bác sĩ Hải (*) (43 tuổi) cho biết, mâu thuẫn vợ chồng trở nên trầm trọng vì người vợ ghen tuông vô cớ, nhiều lần đánh anh và có những lời lẽ xúc phạm bố mẹ chồng. Tại phiên tòa, anh cho biết, nghề bác sĩ buộc anh luôn phải trực đêm, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nữ, đồng nghiệp nữ. Chị Lan, vợ anh, ngoài giờ hành chính thì dành thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Cùng nghề với nhau nhưng vợ anh không thông cảm cho chồng mà còn thường xuyên ghen tuông.
Chị kiểm soát giờ giấc đi về của chồng, vặn vẹo anh vì những cuộc gọi của nữ đồng nghiệp, dù chỉ là nội dung trao đổi công việc. Đỉnh điểm, chị Lan cho rằng chồng đi đêm về hôm vì có nhân tình ở bên ngoài. Chị tra khảo chồng, anh phản ứng thì chị nhiều lần tát vào mặt chồng và buông lời xúc phạm. Mẹ anh lên tiếng can thiệp, chị tỏ thái độ không tôn trọng, mắng chửi luôn mẹ chồng. Cách hành xử của vợ khiến anh Hải bị khủng hoảng nặng. Áp lực công việc đã lớn, về nhà không khí lại nặng nề khiến anh ngộp thở. Việc chăm sóc con cái, gia đình bị bỏ lơ vì họ cứ bị cuốn vào những cuộc cãi vã không hồi kết.
Chán nản với cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung, đầu năm 2014, anh Hải bỏ hết công việc ở Hà Nội để vào TP.HCM làm lại từ đầu. Anh cho biết, anh làm vậy là để cả hai vợ chồng có cơ hội nhìn nhận lại cuộc hôn nhân. Khoảng thời gian đó, tuy xa vợ con nhưng anh Hải cảm nhận được vợ mình có phần ăn năn, hối lỗi và muốn hàn gắn gia đình.
Hai tháng sau, chị Lan dắt con vào xin lỗi, mong chồng bỏ qua để gia đình đoàn tụ. Anh Hải đồng ý. Sau đó, cả gia đình cùng chuyển vào sống tại Q.3, TP.HCM. Điều kiện ổn định, anh mở lại phòng khám tư. Thế nhưng, yên ấm chưa bao lâu chị Lan lại “nổi máu Hoạn Thư”. Đỉnh điểm mâu thuẫn là vào tháng 6/2014, chị Lan đến phòng khám của chồng sỉ vả, hăm dọa anh, đập phá tài sản và hành hung nữ nhân viên vì nghi ngờ cô này léng phéng với anh.
Sau khi cô nhân viên này nghỉ việc, chị lại quay ra gây sự với cô nhân viên khác. Không chỉ bị mất mặt với nhân viên và bệnh nhân mà công việc của anh Hải cũng vì thế mà gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, những lần cãi vã lại liên tục xuất hiện, chị Lan cào cấu, tát anh Hải, cầm hung khí đuổi đánh... Đến nước này, anh Hải không thể chịu đựng nổi, âm thầm ghi âm những lần bị vợ chửi bới, xúc phạm bố mẹ mình và đơn phương nộp đơn ly hôn. Sau nhiều lần hòa giải bất thành, TAND Q.3 đưa vụ ly hôn ra xét xử sơ thẩm.
Vợ: Tôi rất yêu chồng, nhưng...
Chị Lan thừa nhận mình có ghen tuông nhưng không bạo hành chồng, không xúc phạm cha mẹ chồng, mà chỉ yêu cầu cha mẹ chồng không can thiệp vào chuyện riêng của vợ chồng chị. Chị biện minh, mình ghen là vì chồng có nhiều mối quan hệ phức tạp ngoài xã hội, hay đi sớm về khuya. Trực giác cho thấy chồ ng có dấu hiệu ngoại tình nhưng chị vặn hỏi thì anh không đưa ra lời giải thích rõ ràng, thái độ bất hợp tác, bất cần. Anh còn xưng “mày, tao” với vợ và có những câu nói làm chị tổn thương.
Anh cũng đã không còn tôn trọng vợ, chị mở miệng là anh nổi cáu, buông những lời nặng nề kiểu như “mày hãy biến khỏi cuộc đời tao”, "mày chẳng có ý nghĩa gì trong mắt tao"... Cho là chồng ruồng rẫy mình nên chị đáp trả bằng những lời nói nặng nề khiến anh tức giận. Chị Lan khẳng định, tuy vợ chồng có mâu thuẫn nhưng chị vẫn còn tình cảm với chồ g, mong tòa giải quyết cho được đoàn tụ. Chị cũng bày tỏ quyết tâm thay đổi cách cư xử của mình.
Tòa sơ thẩm nhận định, mâu thuẫn của anh chị chỉ xuất phát từ việc cư xử thiếu tế nhị của cả hai bên. Chứng cứ anh Hải cung cấp có thể hiện việc người vợ xúc phạm chồng và cha mẹ chồng. Những lời lẽ, hành động đó của chị là sai nhưng là chồng, anh Hải phải phân tích, tháo gỡ những bất an và khuyên nhủ, can ngăn vợ. Tòa cũng cho rằng anh Hải đã không làm hết trách nhiệm, thay vì tích cực lắng nghe và tìm cách tháo gỡ mâu thuẫn, anh lại chọn thái độ buông xuôi, bất cần, dẫn đến cả hai đều bất mãn.
Thấy chị Lan có quyết tâm sửa đổi và thấy còn cơ hội cứu vãn hôn nhân nên tòa bác yêu cầu ly hôn, để hai bên có cơ hội hàn gắn. Sau quyết định của tòa, vợ chồng anh Hải lại quay về sống chung. Nhưng, hôn nhân của họ dường như đã không còn có thể cứu vãn. Chỉ một thời gian ngắn sau, anh Hải lại nộp đơn lên TAND TP.HCM xin phúc thẩm để ly hôn. Chứng cứ anh thu thập thêm gồm nhiều hình ảnh, băng ghi âm cho thấy thái độ hung hãn, bạo hành của vợ, có cả những hình ảnh thể hiện anh bị chị Lan cầm hung khí đánh phải chạy vào phòng, đóng cửa để không bị tấn công.
Có biểu hiện bạo hành gia đình
Tại phiên phúc thẩm mới đây, TAND TP.HCM nhận định, những chứng cứ anh Hải đưa ra cho thấy giữa hai vợ chồng đã phát sinh xô xát. Chị Lan dùng hung khí tấn công chồng, có hành vi bạo hành trong gia đình. Sau một lúc khóc lóc, kể lể, chị Lan đành im lặng trước những chứng cứ cụ thể đó.
Khi tòa hỏi ý kiến các con của anh chị (lớn nhất 16 tuổi, nhỏ nhất tám tuổi) về phán quyết của tòa, các cháu đều buồn bã lặng thinh. Theo tòa phúc thẩm, qua nhiều lần hòa giải và phiên sơ thẩm, tuy chị Lan bày tỏ nguyện vọng sẽ sửa chữa, cải thiện quan hệ vợ chồng, nhưng tòa nhận thấy khả năng đoàn tụ không còn; vợ chồng đã mâu thuẫn trầm trọng, có biểu hiện bạo hành trong gia đình. Do vậy, yêu cầu ly hôn của anh Hải là có căn cứ.
Tòa tuyên cho anh Hải được ly hôn. Anh Hải chấp nhận nguyện vọng nuôi các con của chị Lan và sẽ chu cấp mỗi con bảy triệu đồng/tháng đến khi trưởng thành.
Khép lại phiên tòa, anh Hải quay nhìn các con định nói gì đó nhưng lại im lặng, thở dài bước ra trước. Chị Lan nặng nề cất bước sau khi chồng đã rời đi. Các con anh chị lặng lẽ đi sau lưng mẹ, cháu lớn nắm tay cháu nhỏ. Không ai nói một lời. Án phúc thẩm có hiệu lực ngay và từ giây phút ấy, các cháu đã không còn một tổ ấm đủ cha, đủ mẹ.
Tan đàn xe nghé vì một chữ "ghen"
Những người dự khán phiên tòa đã bày tỏ sự tiếc nuối cho một cuộc hôn nhân từng một thời vuông tròn. Tất nhiên, người chồng cũng có lỗi lớn khi bỏ mặc vợ với những bất an, khiến sự phẫn nộ trong chị bùng phát. Phần chị Lan, dù rất yêu chồng nhưng chị đã không đủ khéo léo, tế nhị dùng tình cảm để giữ chồng, mà còn có những ứng xử thiếu kiềm chế làm anh mất mặt với đồng nghiệp, với gia đình.
Đàn ông vốn dĩ sĩ diện rất lớn, một khi buông tay thì dứt khoát không còn muốn níu giữ
Đàn ông vốn dĩ sĩ diện rất lớn, một khi buông tay thì dứt khoát không còn muốn níu giữ. Những đáp trả bằng bạo lực càng đẩy chồng ra xa mình. Trong cơn uất ức vì cho rằng mình bị tổn thương, bị bỏ rơi, chị quên mất mục đích thật sự của mình là chỉ muốn níu anh lại, muốn có một gia đình trọn vẹn, ấm êm. Cuối cùng, tổ ấm vỡ tan, con cái chia lìa cha mẹ. Chị có hối hận cũng đã muộn.
Trong hôn nhân, không thể trói buộc người bạn đời bằng yêu sách, cũng không thể cưỡng ép, định đoạt các mối quan hệ xã hội của họ. Càng là người có học thức, càng cần cư xử lịch thiệp, có lý có tình, biết tỉnh táo cân nhắc thiệt hơn và luôn biết bảo vệ uy tín cho người bạn đời. Người đàn bà khôn ngoan sẽ biết cương nhu đúng lúc, đúng nơi. Khi hôn nhân chớm lạnh, cần biết mềm mỏng tháo gỡ. Hãy nghĩ mình là một người mẹ đang giữ cho các con một tổ ấm. Điều đó luôn xứng đáng để chúng ta kiềm chế bớt cái tôi của mình, biết cư xử đúng mực thay vì giận dữ, đạp đổ. Sự tinh tế và khéo léo của người phụ nữ mới thật sự là “vũ khí” khiến chồng tôn trọng và tự biết làm tròn bổn phận người chồng, người cha.
(*) Nhân vật trong bài đã được đổi tên
Tác giả bài viết: Huyền Trân