Du lịch

Khám phá bức tranh thuỷ mạc nơi Vườn Quốc gia U Minh Thượng

Đến Vườn quốc gia U Minh Thượng, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, thỏa lòng ngắm chim chóc, thú rừng… Khi du khách tiến sâu vào lòng rừng, cảnh đẹp hiện ra như những bức tranh thủy mạc nối ghép với nhau làm say lòng bao du khách.

Cánh rừng U Minh được chia cắt bởi con sông Trẹm, một cánh rừng là U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và cánh rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau). Mặc dù điều kiện tự nhiên, thời gian hình thành của hai cánh rừng này như nhau nhưng rừng và các loại động thực vật tập trung nhiều ở U Minh Thượng. Trước ý nghĩa đó, ngày 14/01/2002, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận rừng U Minh Thượng trở thành rừng Quốc gia với tổng diện tích 21.107 ha trong đó: Vùng lõi - 8.038 ha và Vùng đệm 13.069 ha.

Ngày nay, Vườn quốc gia U Minh Thượng đang được đầu tư, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn các nguồn giống, gen sinh học quý hiếm, đồng thời đã và đang thực hiện dự án phát triển du lịch sinh thái và truyền thống.


Du khách vào sâu trong rừng sẽ bắt gặp những bức tranh tuyệt đẹp thế này ở rừng Quốc gia U Minh Thượng

Đến U Minh Thượng, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành cùng với không gian khoáng đãng, tha hồ nhìn ngắm chim muông, thú rừng, và nhiều loài động thực vật quý hiếm. Nhiều điểm đến để du khách tham quan như trảng chim, trảng dơi quạ, rừng tràm nguyên sinh, quần thể heo rừng, rái cá , kỳ đà , và là khu giải trí câu cá Hồ Hoa Mai...

Ngày 22/2/2016, Vườn U Minh Thượng chính thức trở thành khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh đặc biệt của mình ra cộng đồng thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước trong tương lai; Đồng thời, cũng là cơ hội để kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đầm lầy ngập nước với thảm thực vật thủy sinh, được xem như hệ sinh thái tiêu biểu của vùng đầm lầy đất than bùn vùng U Minh khi xưa, một trong số ít nơi còn tồn tại đất than bùn ở Nam Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung.




Hiện nay, Vườn Quốc gia U Minh Thượng có khoảng 250 loài thực vật có mạch thuộc 84 họ; trong đó có 8 loài quý hiếm như: mốp, năng chồi, lá u minh, bèo tản nhọn… Và có 32 loài thú đang sinh sống, 186 loài chim, 50 loài bò sát, lưỡng cư, 60 loài cá, 203 loài côn trùng và nhiều loài thủy sinh vật phân bố ở các độ sâu khác nhau trong hệ sinh thái. 72 loài động thực vật được quý hiếm được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục IUCN 2012.

Dù những năm gần đây, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đầu tư phát triển du lịch, tuy nhiên so với tiềm năng của cánh rừng đặc biệt này thì vẫn chưa có nhiều dịch vụ giải trí, thư giãn phục vụ cho du khách ngoài dịch vụ ngồi vỏ lãi lướt qua rừng; ngồi xuồng câu cá… Do vậy để "bật dậy" tiềm năng của điểm đến lí tưởng này, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang cần đầu tư thêm nhiều, chẳng hạn: điểm dừng chân cho du khách khi vào rừng (kèm dịch vụ nước uống, thức ăn nhẹ đặc trưng của U Minh Thượng…); bến xuồng, vỏ lãi ra vào, nhà chờ cho du khách cần được đầu tư thêm; đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; hệ thống nhà hàng, khách sạn vẫn chưa nhiều và chưa có điểm nhấn riêng cho các “thượng đế” khi họ thích gần gũi với thiên nhiên.

Vẻ đẹp hút hồn của con đường dẫn vào Vườn Quốc gia U Minh Thượng
Màu xanh của bèo, lục bình... làm mát mắt du khách khi đặt chân đến cánh rừng ngập nước này
Những chiếc vỏ lãi sẽ đưa du khách tham quan Vườn Quốc gia U Minh Thượng
Còn đây là những chiếc xuồng bà lá đang chờ những du khách thích tiêu ngao với trò câu cá
Một du khách câu cá lọt thỏm giữa không gian xanh mát ...
Tiếp tế cho du khách câu cá
Nét đẹp khó cưỡng của bèo và bồn bồn...
Du khách trải nghiệm nhổ bông súng
Hoa lục bình bung nở

Bồn bồn làm được nhiều món nhưng ngon nhất là món dưa bồn bồn
Lượng cá đồng ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng còn nhiều nên vào những ngày cuối tuần có rất đông du khách đến đây thuê xuồng đi câu cá
Cảnh đẹp ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng không gì để bàn cãi, tuy nhiên việc khai thác tiềm năng này để phát triển du lịch sinh thái vẫn chưa được chú trọng, nhất là các dịch vụ phục vụ du khách còn quá sơ sài.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hành – Nguyễn Trần

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP