Du lịch

Khám phá An Giang cuối mùa nước nổi

Cuối mùa nước nổi, nhiều điểm đến tại An Giang như rừng tràm Trà Sư, làng Chăm Búng Bình Thiên, cánh đồng thốt nốt Tà Pạ, vùng biên giới Tịnh Biên… vẫn hấp dẫn và cuốn hút du khách.

Tháng 11 trở đi là mùa thu hoạch trái thốt nốt, loại cây đặc trưng ở huyện biên giới Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Trong đó, cánh đồng Tà Pạ (huyện Tri Tôn) là điểm đến nổi tiếng với cánh đồng lúa ngút ngàn màu xanh non lẫn chín vàng cùng những ngọn thốt nốt điểm tô, tạo nên bức tranh đồng quê thơ mộng.

Trên dòng kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên những ngày này, du khách dễ dàng bắt gặp người dân chèo đò, giăng lưới từ 3h sáng để săn cá tôm. Đang là thời điểm cuối mùa nước nổi, cá tôm còn nhiều nên người dân tận dụng mọi thời gian để kiếm thêm thu nhập.

Nằm bên kênh Vĩnh Tế và cầu Tha La (huyện Tịnh Biên), “chợ cá âm phủ” là điểm đến không thể bỏ qua với du khách đến An Giang vào cuối mùa nước lũ. Tại đây, nhiều đặc sản miền Tây tươi ngon được bày bán với giá cả bình dân như lươn, cá lóc, ba khía, cá linh, tôm đất, bông súng ma… Điều đặc biệt, chợ cá này chỉ họp trong mùa nước lũ, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm và họp chợ từ 2h đến 7h sáng.

Những sản vật đồng quê tươi sống được bày bán tại "chợ cá âm phủ" Tha La với giá dao động từ 20.000 đến 70.000 đồng mỗi ký.

Sáng sớm, những đứa trẻ ở vùng biên giới Tịnh Biên đội đèn pin, theo ba mẹ đi bán ba khía. Ở đây, ba khía được bày bán nhiều nhất với giá vài chục ngàn đồng mỗi ký.

Một người dân lùa vịt ra đồng trên dòng kênh Vĩnh Tế vào buổi sớm.

Một mẻ cá linh được người dân Tịnh Biên kéo lưới vào buổi sớm. Cá linh nấu với bông điên điển là món ăn nổi tiếng của miền Tây nói chung và An Giang nói riêng.

Cuối mùa nước nổi cũng là thời điểm các hộ dân ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên tất bật làm nghề soi nhái đem về làm khô để phục vụ khách vào dịp Tết. Khô nhái là món ăn dân dã, đặc trưng của người dân nơi đây. Những con nhái được chế biến, tẩm ướp gia vị và phơi khô để chiên giòn làm đồ nhậu hoặc thức ăn với cơm. Món ăn này còn được giới ăn nhậu đặt cho những cái tên mỹ miều như “vũ nữ chân dài”, “kiều nữ đại gia” có bán giá từ 300.000 đến 500.000 đồng mỗi ký.

Sau khi chế biến, nhái được phơi khô chỉ còn nhỏ bằng ngón tay. Theo người dân địa phương, việc chế biến và thưởng thức món khô nhái xuất phát từ nước bạn Campuchia.

Những đứa trẻ ở làng Chăm Búng Bình Thiên, huyện An Phú, An Giang. Khám phá Búng Bình Thiên vào cuối mùa nước nổi, du khách sẽ có dịp cảm nhận về cuộc sống trù phú cùng nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.

Cộng đồng người Chăm ở búng Bình Thiên theo đạo Hồi còn được gọi là Chăm Islam hoặc Chăm Muslim. Những tín đồ theo đạo Hồi này đã làm nên một bản sắc văn hóa Chăm độc đáo giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Rừng tràm Trà Sư là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách tới An Giang. Vào cuối mùa nước nổi, cây cối trong rừng tràm trở nên tươi tốt, mực nước vừa đủ để du khách đi xuồng ngắm cảnh.

Ngoài việc khám phá rừng tràm trên mặt nước, du khách thích phiêu lưu có thể đi bộ băng rừng để ngắm cảnh và nghỉ ngơi dưới những tán cây cao xanh.

Tác giả bài viết: Thành Nguyễn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP