Du lịch

Khách Tây và câu chuyện mất điện thoại giữa Sài Gòn

Trong suốt hơn 25 năm sống tại Việt Nam, Mark Bowyer từng bị mất 3 chiếc điện thoại di động theo những cách khác nhau, khi thì bị đánh cắp, khi thì biến mất bí ẩn.

Mark Bowyer từng là người đồng sáng lập của một công ty du lịch Australia đặt văn phòng tại Sài Gòn từ năm 1993. Quyết định táo bạo này đã được đưa ra sau chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Mark cùng người bạn vào năm 1990. Mark đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam và Campuchia hơn 20 năm. Dưới đây là câu chuyện ông chia sẻ về lần thứ 3 bị trộm điện thoại di động ngay trong một quán cà phê.
Quán cà phê nơi Mark bị mất điện thoại. Ảnh: Mark Bowyer

Mark kể ông khá tự hào vì suốt 25 năm chu du trên đất Việt, ông mới chỉ mất 3 điện thoại.

Chiếc điện thoại di động đầu tiên "rời bỏ" ông ngay phía ngoài Dinh Độc Lập vào năm 1996. Đến năm 2012, một chiếc khác mất tích một cách bí ẩn khi Mark đang dạo chơi Giáng sinh tại Xóm đạo ở quận 8. Cho đến giây phút ngồi nhớ lại cách chiếc điện thoại thứ 3 "ra đi" như thế nào, Mark chợt bối rối không biết điều gì mới khó chịu hơn: hình ảnh ông vẫn luôn tự cho mình là một du khách thông thái đã nắm rõ như lòng bàn tay những trò lừa gạt tài sản hay viễn cảnh phải mua một máy di động mới thay cho chiếc điện thoại thông minh đắt tiền ông mới mua?

Câu chuyện thứ 3 xảy ra vào đầu tháng 10/2015. Tối hôm đó ông đang ngồi làm việc trong một quán cà phê trên đường Lý Tự Trọng. Mặc dù chưa từng thử cà phê tại đây song Mark đã chú ý đến nó bởi phong cách trang trí nội thất màu xanh xinh xắn và độc đáo.

Khoảng 7h30 tối, một người bán báo dạo bước vào quán. Trước đây, Mark từng có nhiều lần trò chuyện vui vẻ với những người rao báo và bán sách trên phố Đồng Khởi, nên ông luôn có thiện cảm với những người lao động này.

Tuy nhiên chỉ sau vài giây mời mua cùng cử chỉ đặt tờ báo ngay trước mặt, người bán báo đã khéo léo cầm theo chiếc điện thoại của Mark mà ông không hay biết. Sau đó anh ta điềm tĩnh rời đi và thậm chí còn đi về phía quầy bán hàng.

15 phút sau, Mark nhận thấy sự vắng mặt của "dế yêu". Ngay lập tức chủ quán đã giúp Mark đến đồn cảnh sát.

Mark cho rằng trải nghiệm này của mình thực sự dễ chịu hơn so với những gì người thân và bạn bè ông trải qua trong tình cảnh tương tự. Anh cảnh sát cũng trấn an Mark và chủ quán rằng kẻ gian đã được lực lượng an ninh khu vực nhận diện do nhiều vụ mất cắp tương tự xảy ra gần đây. Tuy nhiên, anh không đảm bảo cảnh sát sẽ bắt giữ được tên trộm trên hay lấy lại điện thoại cho ông.

Câu chuyện này khiến Mark tự vấn liệu mỗi năm có bao nhiêu du khách bị mất cắp tại Sài Gòn và điều đó ảnh hưởng thế nào tới danh tiếng của đất nước?

Vào thời điểm đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ so với năm 2014. Nhiều người cho rằng những vụ trộm cướp nhỏ lẻ cũng là một phần nguyên nhân. Nhiều du khách tới Sài Gòn đã trải qua cảm giác khó chịu khi gặp vấn nạn này. Nạn trộm cướp diễn ra kinh khủng hơn với người dân địa phương, nhiều người còn bị thương trong những vụ cướp giật.

Trên quan điểm của một du khách, Mark cho rằng bất cứ khách nước ngoài nào cũng có thể bị lừa gạt trộm cắp tài sản, song họ không phải đối tượng của những vụ cướp bạo lực.

Do nghĩ trình báo những vụ việc kể trên là vô ích, nhiều du khách bỏ qua việc này nên không có bất cứ thống kê chính xác nào về con số khách du lịch rơi vào tình cảnh này. Không chỉ du khách mà cả những người dân địa phương ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu cũng thường hành xử như vậy. Cuối cùng, Mark chia sẻ ông rất ngạc nhiên khi nghĩ về những du khách kể về hành trình cả họ tại mảnh đất hình chữ S này bằng việc hồi tưởng lại một chiếc điện thoại, máy ảnh, ví tiền hay túi xách bị đánh cắp.

Tác giả bài viết: Phạm Huyền

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP