Ngày 25/6, công ty điện lực Quảng Ninh cho biết việc sửa chữa tuyến cáp ngầm biển đang bị sự cố kéo dài đến hết tháng 6. Mất điện kèm theo mất nước khiến nhiều du khách biết tin hoang mang và liên hệ huỷ phòng, hoãn tour.
Anh Vũ Thanh Minh, chủ homestay Coto Eco Lodge cho biết khoảng 30-40% khách đặt phòng tháng 6 đã huỷ hoặc chuyển ngày. Tình trạng khách hủy phòng chủ yếu xảy ra với một số ít đoàn có đông người già và trẻ nhỏ.
Đảo ngày mất điện lưới vẫn sáng đèn không khác những ngày thường. Ảnh: Nguyễn Văn Cường. |
Tại nhà nghỉ Duy Hoàng, 15 phòng khách đã đặt cũng được yêu cầu chuyển sang tháng 7. "Thậm chí một số nhà nghỉ, homestay khách huỷ hết khi nghe tin Cô Tô mất điện", anh Nguyễn Văn Cường, kinh doanh du lịch trên đảo cho biết.
Vào dịp cuối tuần, Cô Tô đón từ 10.000 đến 15.000 khách mỗi ngày. Tuy nhiên, vì sự cố, lượng khách trên đảo cuối tuần qua chỉ khoảng 5.000 người, theo UBND huyện Cô Tô.
Sinh sống hơn 10 năm trên đảo, anh Minh cho biết tình trạng mất điện do thiên tai tại Cô Tô năm nào cũng xảy ra nhưng lần này kéo dài, lại đúng mùa cao điểm du lịch nên sinh hoạt trên đảo ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau vài ngày xáo trộn, hiện cuộc sống sinh hoạt ở Cô Tô đã gần như trở lại bình thường.
“Trước năm 2012, khi chưa có điện lưới, chúng tôi chỉ có điện máy phát, và chỉ phát vài giờ nhất định trong ngày, nên khi gặp sự cố này, chúng tôi không mất nhiều thời gian để thích nghi. Vài năm gần đây, khi tham gia kinh doanh du lịch, đời sống được cải thiện nhiều, chúng tôi đầu tư máy phát điện tốt hơn cho cả gia đình và khách”, anh Nguyễn Văn Trung, người dân đảo, cho biết.
Hiện các nhà dân kinh doanh homestay đều trang bị máy phát điện cỡ nhỏ và vừa, đủ thắp sáng và sử dụng các thiết bị gia dụng. Trong khi các khách sạn, nhà nghỉ đều có máy phát điện dự phòng và hệ thống bể tích nước, có khả năng cung cấp đủ điện, nước 20-24h trong ngày cho khách du lịch như Tuấn Vũ, Thái Hà, Coto Group, Coto Village, Haki homestay...
Các nhà hàng ở Cô Tô vẫn sáng đèn trong những ngày đảo mất điện lưới. Ảnh: Nguyễn Văn Cường. |
Phần đông cơ sở lưu trú không tính thêm phí khi chạy máy phát điện. Chỉ một số ít nơi có nhiều thiết bị tiêu thụ điện lớn thì phụ thu 150.000 - 200.000 đồng mỗi phòng dùng điện máy phát trên 5 tiếng. Các nhà nghỉ, khách sạn cũng cho biết đã chủ động thông báo với khách về tình trạng mất điện kéo dài trên đảo và khả năng cung cấp điện nước của cơ sở, để khách có sự chuẩn bị tâm lý cho chuyến du lịch của mình.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, khách du lịch từ Hà Nội, cho hay: “Dù đã được cảnh báo trước về tình hình mất điện dài ngày tại Cô Tô, nhưng tôi và bạn bè vẫn quyết định đi du lịch theo dự kiến. Khi đến đảo, tôi khá bất ngờ vì giá cả ở đây vẫn ổn định, dù nhà hàng chạy máy phát liên tục, đá lạnh phải mua từ Vân Đồn chuyển ra”.
Trước đó, vào hồi hơn 13h ngày 18/6, trong trận mưa giông, sấm sét đã đánh trúng đường dây truyền tải điện 22KV cấp điện cho huyện Cô Tô và 5 xã đảo huyện Vân Đồn, dẫn tới mất điện toàn bộ. Đến khoảng 7h ngày 19/6, 5 xã đảo huyện Vân Đồn đã khôi phục cấp điện trở lại. Riêng tại Cô Tô, do sự cố xảy ra tại đường cáp ngầm nằm dưới biển nên việc khắc phục, sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Công ty Điện lực Quảng Ninh phải điều thợ lặn và tàu vận chuyển cáp ra khu vực gặp sự cố để dò tìm và thay thế đoạn cáp bị hỏng.
Từ ngày 24/6, do biển động, gió giật cấp 5-6 nên Cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh đã tạm dừng các chuyến tàu khách đi tuyến Vân Đồn và Cô Tô (Quảng Ninh). Ông Trần Như Long, Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô cho biết, khoảng 5.000 khách du lịch chưa thể về đất liền. Dự kiến ngày 26/6 thời tiết thuận lợi cảng sẽ cấp lệnh rời bến cho tàu. |
Tác giả: Đào Trang - Vy An
Nguồn tin: Báo VnExpress