Chưa trả lại tiền cho khách hàng, ngoài uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vốn hóa thị trường Eximbank cũng “bốc hơi” hàng ngàn tỷ đồng. |
Eximbank mất 2.400 tỷ đồng
Ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh TP.HCM, lừa đảo 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình, Phó Giám đốc kiêm thành viên HĐQT CTCP Thủy sản Minh Phú. Hiện tại, ông Hưng đã bị truy nã nhưng Eximbank vẫn chưa chịu trả tiền cho bà Bình và còn muốn chờ một phiên tòa.
Dù phải chờ kết luận của tòa mới chính thức xác định được trách nhiệm của Eximbank nhưng với người gửi tiền, uy tín của Eximbank bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mức độ ảnh hưởng chưa thể đong đếm được bằng giá trị vật chất nhưng đã có những thiệt hại lớn có thể định lượng được. Đó là giá trị vốn hóa thị trường.
Vụ khách hàng mất 245 tỷ đồng rò rỉ từ ngày 22/2. Ngay phiên giao dịch hôm sau, cổ phiếu EIB giảm nhẹ. Kể từ đó tới nay, EIB đã trải qua 11 phiên giao dịch với 7 phiên giảm, 2 phiên đứng giá và chỉ 2 phiên tăng rất nhẹ.
Xét về giá trị, đóng cửa phiên 9/3, EIB dừng ở mức 14.250 đồng/CP, giảm 1.950 đồng/CP, tương ứng 12% so với ngày thông tin bị rò rỉ. Đây là mức giá thấp nhất của EIB kể từ ngày 8/1/2018. Như vậy, vốn hóa thị trường Eximbank “bốc hơi” 2.409 tỷ đồng. Ước tính phần mất mát về tiền của Eximbank lớn gấp 10 lần của nữ khách hàng Chu Thị Bình.
Eximbank không phải đơn vị duy nhất chịu thiệt hại. Nhiều ông lớn khác cũng mất mát “liên đới” vì Eximbank. Là cổ đông lớn thứ hai tại ngân hàng này khi nắm giữ hơn 8% vốn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phải chứng kiến khoản đầu tư của mình tại Eximbank hao hụt 197,3 tỷ đồng.
Thiệt hại nặng nề hơn Vietcombank là Sumitomo Mitsui Banking Corporation. Là cổ đông lớn nhất tại Eximbank, thời gian qua, ông lớn ngân hàng Nhật Bản hao hụt 361 tỷ đồng. Các cổ đông còn lại cùng “chia nhau” khoản thiệt hại tổng cộng lên tới hơn 2.400 tỷ đồng.
Nỗi lo tiền gửi
Vốn hóa thị trường chưa phải thiệt hại duy nhất mà Eximbank phải gánh chịu. Một trong những vấn đề mà ngân hàng này có thể đối mặt trong thời gian này chính là khả năng huy động vốn. Trước sự cố này, không ít khách hàng dè dặt khi gửi tiền tại Eximbank.
Cô Thùy Dương (Hoàn Kiếm - Hà Nội) chia sẻ: “Eximbank là ngân hàng có lãi suất tiết kiệm khá cao, không phải nhất nhưng cũng ở top đầu. Tôi đã có lúc muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng này nhưng sau sự việc khách hàng bị mất 245 tỷ đồng, tôi chẳng dám tới đó gửi nữa”.
Cô Thùy Dương không phải người duy nhất có lo lắng này nên có lẽ vấn đề Eximbank đang phải giải quyết chính là cải thiện huy động vốn - chỉ tiêu vốn tăng trưởng chưa thực sự tốt của Eximbank trong thời gian qua.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017 của Eximbank, tại thời điểm 31/12/2017, huy động vốn tại Eximbank đạt 117.540 tỷ đồng, chỉ tăng 15.189 tỷ đồng, tương ứng 14,8% so với năm 2016. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại tốt hơn rất nhiều. Chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 101.324 tỷ đồng, tăng 14.433 tỷ đồng, tương ứng 16,6% so với năm 2016.
Huy động vốn tại Eximbank tăng trưởng dương chủ yếu do ngân hàng nỗ lực thu hút tiền gửi bằng chính sách lãi suất cao. Nếu gửi tiết kiệm theo hình thức online mở trên Internet Banking, Mobile Banking, khách hàng sẽ được nhận lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.
Hiện nay, trên thị trường ngân hàng, mức lãi suất cao nhất là 8,5%/năm của Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Bản Việt. Lãi suất tại Eximbank đứng ở vị trí thứ 2.
Thế nhưng, bất chấp sử dụng chính sách lãi suất cao, huy động vốn của Eximbank vẫn thấp hơn tại các ngân hàng có vốn điều lệ tương đương. Với 10.273 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là đơn vị có vốn điều lệ thấp hơn Eximbank 2.082 tỷ đồng nhưng huy động vốn tại ACB lại cao hơn tại Eximbank 113.493 tỷ đồng, tương ứng 97%. Techcombank có mức lãi suất huy động chỉ khoảng 7%/năm nhưng huy động vốn lại đạt 170.970 tỷ đồng, nhiều hơn tại Eximbank 53.430 tỷ đồng.
Tác giả: Vy Vy
Nguồn tin: Báo Người tiêu dùng