Trên tờ New York Times, tác giả Rory Smith vừa có một bài viết rất hay với nhan đề: "Một người Roma với trọn trái tim, và là trái tim của Roma". Trong một lần đến thủ đô của Italy, Rory Smith được nghe một câu chuyện thú vị, xảy ra ở một ngõ hẻm gần đấu trường Colosseum. Bức tường ấy là nơi các CĐV ruột của cả AS Roma lẫn Lazio hay lui tới.
Một hôm, CĐV Roma dùng sơn để vẽ lên bức tường ấy bức ảnh của Francesco Totti, đang giơ hai tay lên trời, mái tóc bồng trong gió đầy hình biểu tượng. Buổi tối, CĐV Lazio đến, lấy sơn đen đồ lên bức chân dung màu sống động kia. Ban ngày, CĐV Roma lại đến "trùng tu" tác phẩm của mình, chỉ để ban đêm CĐV Lazio đến tô đen đi. Ban đầu, người dân ở đây khá bực mình, nhưng rồi họ cũng chả buồn phản ứng nữa, vì việc ấy lặp lại quá thường.
Câu chuyện ấy ấn tượng ở cái tính ẩn dụ. Cả sự nghiệp của Totti là sự tiếp nối của những đỉnh cao và những vực sâu, của những lời khen chê, của thành công và thất bại. Nhưng hình ảnh của anh vẫn luôn ở trong lòng của Roma, cũng như bức tranh hàng ngày vẫn được các CĐV của cả Roma và Lazio phủ sơn lên đó vậy.
Anh không thiếu những cơ hội để chuyển CLB. AC Milan và Real Madrid là hai lần tiêu biểu, nhưng tất cả đều bỏ cuộc vì không lay chuyển được tình yêu anh dành cho Roma. Anh đã thi đấu trong màu áo ấy suốt 23 năm từ khi xuất hiện trên đội một lúc 16 tuổi. Anh yêu đội bóng ấy ngay từ khi vừa biết đến bóng đá. "Tôi thấy mình rất may mắn khi chỉ khoác duy nhất một màu áo trong sự nghiệp", Totti phát biểu trong một buổi trả lời phỏng vấn gần đây. "Với tôi nó rất có ý nghĩa. Bởi vì chơi cho Roma là điều tôi luôn mong muốn. Đấy là màu áo duy nhất tôi mặc trên người, trên cả vai trò là cầu thủ lẫn CĐV".
Roma cũng yêu anh. Vài năm trước, nghệ sĩ đường phố lừng danh Lucamaleonte được ủy nhiệm để vẽ một bức bích họa ở quận San Giovanni. Totti đã lớn lên ở đó, trong một căn hộ ở Via Vetulonia. Anh đến trường học cách đó vài con đường.
Và anh học... rất dở. Một trong những thầy giáo cũ bảo anh chỉ giỏi duy nhất một thứ: đá bóng. Và bức bích họa chân dung Totti đã xuất hiện ở ngôi trường ấy. Đây là một trong những hoạt động của quan chức thành phố nhằm vinh danh một biểu tượng của Rome trong thời hiện đại. Bức bích họa ấy rất lớn, choán hết ba tầng của tòa nhà, một vị trí mà dù muốn, các CĐV của Lazio cũng khó trèo lên để xịt sơn đen lên được. Nhưng có lẽ họ sẽ chẳng làm thế. Totti thuộc về Roma, nhưng anh còn thuộc về một chủ thể lớn hơn là thành phố Rome.
Đa số bằng hữu của Totti, những người bạn cùng lứa, đều đã treo giày. Anh là thành viên của một đội tuyển Italy tuyệt đẹp với những Alessandro Del Piero, Alessandro Nesta và Christian Vieri, cũng là chứng nhân trong cuộc của một Serie A từng có Ronaldo, Zinedine Zidane và Gabriel Batistuta. Vẫn có ít ỏi những đồng đội vẫn trụ lại với sân cỏ, như Gianluigi Buffon và Andrea Pirlo, nhưng họ đá ở những vị trí ít đòi hỏi thể lực hơn anh.
Chỉ có Totti, sau 23 năm, là không thay đổi. Vì sao có sự bền bỉ này? Anh nói: "Vì tình yêu, cả cho Roma lẫn cho bóng đá. Tôi đã thành hôn với cả hai cô gái ấy. Bóng đá, với tôi là niềm đam mê nhiều hơn một trò chơi. Nó là mọi thứ. Nhưng trên tất cả là tình yêu cho Roma. Tôi đã, đang và mãi là người Roma. Tôi vẫn chơi bóng vì tôi vẫn còn yêu nó. Niềm đam mê trong tôi chưa tắt, khát vọng trong tôi chưa cạn. Tôi muốn đến sân tập hàng ngày, gặp những đồng đội và tôi sẽ còn làm điều ấy miễn là mình còn thấy vui".
Anh bảo mình chưa từng nghĩ đến cuộc sống sau bóng đá. Đôi khi chúng ta vì lo sợ tương lai mà quên mất việc tận hưởng cuộc sống trong hiện tại. Bước qua tuổi 30, người ta cảm nhận được ngay gánh nặng của thời gian. Sự giảm sút, ở tuổi 40, còn ghê gớm hơn. Nhưng Totti đã cố điều chỉnh lại chương trình tập luyện, đồng thời giữ vững niềm tin là luôn có cách để tiến bộ. Tham vọng lớn nhất của cuộc đời vẫn thôi thúc anh từng ngày: biến Roma trở thành nhà vô địch Champions League.
Quá khó với tình cảnh hiện nay của đội bóng, nhưng Totti đáp: "Đừng bao giờ nói không bao giờ".
Nhưng ai cũng biết một sự nghiệp dài hơi đến mấy rồi cũng phải dừng lại. Kịch hay đến đâu thì tấm rèm nhung lạnh lùng kia cũng phải khép lại. Có một người đã dõi theo Totti trong suốt những năm tháng ấy: Giorgio Lucarelli. Anh là chủ tiệm bánh pizza Roma 1927 ở Via Vetulonia, chỉ cách căn nhà ngày còn nhỏ của Totti vài bước chân. Nhà hàng ấy nay trở thành viện bảo tàng mini của Roma. Trong đó có áo, khăn quàng, tranh ảnh của những đội hình Roma đẹp nhất. Totti hiện diện nhiều hơn bất kỳ ai trong bảo tàng này.
"Anh là cầu thủ vĩ đại nhất của Roma", Lucarelli nói. "Anh ấy có thể chơi đến năm 50 tuổi. Tôi chưa dám tưởng tượng đến một Roma không có anh ấy dù đấy là viễn cảnh mà chúng tôi phải đối mặt".
Còn với bóng đá, đấy sẽ là bình minh của một kỷ nguyên mới. Ngay cả Totti cũng nhìn thấy anh như tiếng vọng của một thời đã xưa, nơi người ta chuộng kỹ thuật hơn thể lực. Trong tất cả những cầu thủ từng đi qua sự nghiệp kéo dài 23 năm của Totti, có hai người mà anh thích nhất: Antonio Cassano và Vincent Candela, bởi vì "họ đều kỹ thuật".
Totti nói: "Trước đây, bóng đá là chiến thuật, bây giờ nó là cuộc chiến thể lực khốc liệt hơn. Tôi thích bóng đá của ngày cũ hơn, nó kỹ thuật hơn, bình thản hơn. Với tôi, đó mới là bóng đá, mọi thứ diễn ra trong đầu. Bạn biết bóng đang ở đâu và muốn nó đi đâu. Tôi thích việc phải suy nghĩ khi đứng trên sân, liệu mình có thể đổi vị trí không. Khi đã suy nghĩ thấu đáo, ta hiếm khi phạm sai lầm".
Ngày nào đó, người ta cũng sẽ nói về Totti như thế. Không chỉ bởi phong cách, mà còn bởi câu chuyện của anh. Steven Gerrard đã giải nghệ, Ryan Giggs cũng thế. Xavi đang dưỡng già ở Qatar. Totti là người cuối cùng của một nhóm rất ít những người chung thủy với duy nhất một màu áo. "Tôi mong sau tôi cũng sẽ có vài cầu thủ như mình. Daniele de Rossi chẳng hạn. Nhưng tôi biết điều đó là rất khó trong bóng đá hiện đại".
Nhưng Totti đã làm được cái điều rất khó ấy, với những cám dỗ mà không phải ai cũng vượt qua. Nhưng dù bất chấp cám dỗ lẫn khó khăn, anh vẫn không từ bỏ điều duy nhất mà anh yêu quý và tôn thờ là Roma.
Tấm áo của anh, thành phố của anh, trải qua 23 năm oai hùng, sẽ là một di sản không thể xóa nhòa, như bức bích họa ở ngôi trường xưa.
Và hôm nay, Totti lại làm dày thêm huyền thoại tên anh, với một trận đại chiến nữa. Người chiến binh La Mã ấy vẫn chưa dừng lại.
Tác giả bài viết: Hoài Thương
Nguồn tin: