Thế giới

John McCain và chuyện là 'người Mỹ duy nhất có tượng ở Việt Nam'

John McCain rất hài hước và thẳng thắn, có niềm tin Việt - Mỹ sẽ trở thành đối tác ngay từ những ngày đầu thảo luận bình thường hóa, theo đại sứ Hà Kim Ngọc.

Ông McCain trong lần đến phù điêu tại hồ Trúc Bạch năm 2016. Ảnh: Reuters.

"Ấn tượng lớn nhất của tôi với McCain là ông ấy là một người có tính cách rất mạnh mẽ, thẳng thắn và cũng rất hài hước. Ông ấy thỉnh thoảng vẫn nói đùa với John Kerry và các lãnh đạo Việt Nam rằng mình là người Mỹ duy nhất có tượng ở Việt Nam", ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, chia sẻ với VnExpress về Thượng nghị sĩ John McCain, người vừa qua đời ở tuổi 81.

Đại sứ nhắc đến bức phù điêu ở hồ Trúc Bạch, khắc họa hình ảnh phi công John McCain bị bắn rơi vào năm 1967 khi tham gia chiến dịch ném bom miền Bắc và phải nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch. McCain sau đó bị giam giữ hơn 5 năm ở nhà tù Hỏa Lò trước khi được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973. John Kerry, cũng là một cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam, sau này là ngoại trưởng Mỹ dưới thời tổng thống Obama, cùng Thượng nghị sĩ McCain là hai người tiên phong trong việc giải tỏa sự nghi kỵ giữa Việt Nam và Mỹ sau chiến tranh.

Lần đầu tiên ông gặp Thượng nghị sĩ McCain là năm 1992, khi đại diện hai nước đang thảo luận về các vấn đề sau chiến tranh. McCain là thành viên Ủy ban đặc biệt của Quốc hội Mỹ xử lý vấn đề người Mỹ mất tích và tù binh Mỹ ở Việt Nam. Khi đó người phiên dịch cho đoàn Mỹ không hiểu rõ tình hình ở Việt Nam, trong khi ông Ngọc là cán bộ của Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao kiêm phiên dịch của phía Việt Nam.

"Anh Ngọc có thể làm phiên dịch cho cả hai bên được không?", Thượng nghị sĩ McCain hỏi ông Ngọc, khi ông Ngọc là một thành viên tham gia hỗ trợ đàm phán về bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

"Vâng, tôi sẽ cố gắng hết sức", ông Ngọc trả lời.

Cuộc thảo luận sau đó diễn ra suôn sẻ, khi một số trợ lý trong đoàn Mỹ nói đùa Thượng nghị sĩ McCain phải trả công phiên dịch cho ông Ngọc, tất cả mọi người đều phá lên cười.

Từ đó đến trước khi Mỹ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, ông Ngọc đã tham gia nhiều cuộc làm việc của Thượng nghị sĩ McCain với phía Việt Nam. McCain cùng các thượng nghị sĩ khác của Mỹ cũng đến nhiều nơi mà Washington khi đó nghi ngờ là nơi Việt Nam còn giam giữ các tù binh Mỹ từ chiến tranh, như trại rắn Đồng Tâm ở Tiền Giang. Các chuyến đi này đã góp phần giúp hai bên xóa bỏ được sự nghi kỵ, dần dần tiến tới bình thường hóa quan hệ năm 1995.

Khi hai người trở nên thân thiết hơn, ông Ngọc có dịp chia sẻ nhiều hơn với Thượng nghị sĩ McCain về nỗ lực của hai bên, nhắc đến từng tiến triển nhỏ. Có lần cùng ngồi trên chuyên cơ nhỏ của Mỹ vào miền Nam Việt Nam, McCain kể với ông Ngọc rằng nếu có lời khuyên với các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, cách tốt nhất để vượt qua được quá khứ là quay trở lại Việt Nam và tham gia vào việc cải thiện quan hệ hai nước.

McCain và John Kerry đã giúp thuyết phục nội bộ Mỹ về thiện chí của Việt Nam trong xây dựng lòng tin giữa hai cựu thù. Sau nhiều trắc trở, đến tháng 2/1994, Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam. Hơn một năm sau, ông Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, khi đó ông McCain và Kerry là hai người đứng cạnh tổng thống Mỹ.

Ngay từ những ngày đầu Việt - Mỹ nỗ lực hàn gắn quan hệ, Thượng nghị sĩ McCain đã khẳng định hai bên nhất định sẽ trở thành bạn bè, thậm chí là đối tác tốt của nhau.

"Đó là điều mà nhiều người chưa hình dung được lúc đó, khi sự nghi kỵ giữa hai bên rất lớn, nhiều người ở Mỹ còn phản đối việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam", ông Ngọc đánh giá.

Trong suốt chặng đường sau năm 1995 của Việt Nam và Mỹ, Thượng nghị sĩ McCain thể hiện rõ tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam. Ông đón tiếp các lãnh đạo Việt Nam đến thăm tại Quốc hội Mỹ như những người bạn thân, có khi phải rời đi bỏ phiếu hai đến ba lần, sau đó lại quay lại trò chuyện.

Vào thời điểm McCain bị ung thư da, phải bôi kem lên mặt, da rộp lên nhưng ông vẫn đón tiếp đoàn Việt Nam đến Mỹ. Khi gặp gỡ, ông chủ động nói mình đang điều trị và vẫn trao đổi các vấn đề còn dang dở.

Khi chính quyền Mỹ thay đổi, Tổng thống Trump lên nắm quyền, ông McCain vẫn thể hiện mối quan tâm lớn đến Việt Nam, đặc biệt là hợp tác bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông và vận động để Mỹ bỏ chương trình thanh sát cá da trơn của Việt Nam.

Lần gần nhất ông Ngọc gặp Thượng nghị sĩ McCain là giữa năm ngoái, khi McCain đến thăm Việt Nam, trước khi bị ốm nặng. Thượng nghị sĩ nhấn mạnh đến vai trò của mình là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Ông bày tỏ lo ngại rằng các nước nghi ngờ về chính sách của Mỹ hiện nay mà không giữ được quan hệ chặt chẽ như trước đây. Ông khẳng định nỗ lực hỗ trợ chính quyền trong việc kêu gọi các đối tác và bạn bè trên thế giới duy trì chiều hướng hợp tác với Mỹ.

Khi ông Ngọc đến Mỹ nhận vai trò Đại sứ Việt Nam tại Mỹ gần đây, ông đã liên hệ xin phép vợ ông McCain được đến thăm nhưng do tình hình sức khỏe ông kém nên bà McCain đã gửi lời cảm ơn.

"Rất tiếc tôi đã không có dịp gặp McCain lần cuối", ông Ngọc chia sẻ.

Đại sứ Hà Kim Ngọc, giữa, trong cuộc trao đổi giữa Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thượng nghị sĩ McCain hồi tháng 7/2015. Ảnh: Thế giới và Việt Nam.

Tác giả: Việt Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: John McCain

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP