Con gái kiêm cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ, Ivanka Trump. Ảnh: AFP |
"Những người nói rằng không làm thể được thì đừng nên ngắt lời những người đang làm - tục ngữ Trung Quốc", con gái cả của Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm qua, vài giờ trước khi cha cô gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore.
Tuy nhiên, theo BBC, người dùng mạng cả ở Mỹ và Trung Quốc đều không tìm ra bằng chứng nào cho thấy sự tồn tại của câu tục ngữ trên hay nó có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Trên mạng xã hội Weibo, một số người dẫn các câu nói tương tự thường được người Trung Quốc sử dụng như: "Đừng đưa lời khuyên khi đang xem người khác chơi mạt chược", "Chưa nếm thử những quả nho thì đừng chê chúng chua", "những người im lặng khi chơi mạt chược mới là người có đẳng cấp thật sự"...
"Sau khi tìm kiếm tất cả các từ điển, tôi vẫn không thể hình dung ra tục ngữ Trung Quốc mà cô ấy cố gắng dịch là gì", một người viết.
Trong tiếng Trung có hàng nghìn câu tục ngữ gồm 4 đến 8 từ, thường rất khó để dịch, đôi khi thách đố cả những người bản địa.
Tờ Global Times thậm chí tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề này và tìm ra việc sử dụng câu nói trên có từ năm 1903. "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là phải thông báo với mọi người rằng, sự thật thì câu nói được Ivanka trích dẫn không có nhiều mối liên hệ với Trung Quốc", tờ báo cho hay.
Ivanka thường xuyên chia sẻ tình cảm dành cho Trung Quốc và văn hóa của quốc gia này. Cô đã thuê một bảo mẫu nói tiếng Trung dạy con gái.
Năm 2013, cô viết trên Twitter: "Hãy chọn một công việc mà bạn yêu thích và bạn sẽ không bao giờ phải làm việc ngày nào trong đời". Tuy nhiên, cô bị cho là đã trích dẫn không chính xác một câu nói của Khổng Tử.
Ivanka cũng từng dẫn sai một câu nói của Albert Einstein hồi tháng 7/2017 khi viết: "Nếu thực tế không đúng như lý thuyết, hãy thay đổi thực tế".
Larry Herzberg, một giáo sư tiếng Trung tại trường Calvin College, nói với New York Times rằng sự cố mới nhất của tiểu thư Trump là "một ví dụ nữ về việc người Mỹ thích trích dẫn các câu nói tiếng Trung, thường là của Khổng Tử, nhưng không thực sự biết rõ nguồn gốc của chúng".
"Nghe có vẻ hợp lý và đáng tin khi viện dẫn một câu nói từ nền văn minh cổ đại của Trung Quốc", bà nói.
Tác giả: Anh Ngọc
Nguồn tin: Báo VnExpress