Thế giới

Indonesia hoang mang vì khủng bố

Những ngày qua, người dân Indonesia đang trải qua quãng thời gian nặng nề và u ám vì hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Qua những vụ bạo lực kinh hoàng này, nhiều người chợt giật mình vì mức độ ăn sâu bám rễ của chủ nghĩa khủng bố tại Indonesia - quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới.

Khủng bố liên tiếp

Chỉ trong vòng 4 ngày, từ 13-16-5, đất nước Indonesia đã phải hứng chịu một loạt vụ khủng bố đẫm máu liên tiếp. Đầu tiên là loạt 3 vụ tấn công khủng bố chỉ diễn ra cách nhau từ 5-10 phút trong ngày 13-5 nhằm vào 3 nhà thờ Thiên Chúa giáo tại TP Surabaya, thủ phủ tỉnh Đông Java. Một ngày sau, hôm 14-5, cũng tại Surabaya, lại xảy ra một vụ đánh bom liều chết ở sở cảnh sát thành phố này. Chưa dừng ở đó, hôm 16-5, một vụ tấn công bằng kiếm xảy ra tại Sở cảnh sát tỉnh Riau. Loạt vụ tấn công kinh hoàng này đã khiến tổng cộng 32 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Đáng chú ý, trong số những vụ tấn công này có 2 vụ các thủ phạm đều là thành viên trong một gia đình, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Ngay sau khi các vụ tấn công xảy ra, cảnh sát Indonesia đã nhanh chóng triển khai các lực lượng tăng cường tại hiện trường, điều tra đường dây của các tổ chức khủng bố, truy bắt những nghi phạm. Trong những ngày qua, đã có 48 nghi phạm bị bắt giữ, một số bị tiêu diệt.

Cảnh sát đã thu giữ được nhiều tang chứng, vật chứng, trong đó có nhiều loại sách, tài liệu hướng dẫn về cách thức liên lạc cũng như tiến hành các hành động khủng bố tại Indonesia. Đáng chú ý là tại nhà của Tri Murtiono, đối tượng cầm đầu gia đình trong vụ đánh bom liều chết tại trụ sở cảnh sát Surabaya hôm 14-5, cảnh sát thu được 54 quả bom ống đã sẵn sàng chờ kích nổ.

Chiều 17-5, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia, Tướng Tito Karnavian đã khẳng định các vụ tấn công khủng bố nhằm vào một số nhà thờ Thiên chúa giáo và sở cảnh sát là hành động trả thù của tổ chức khủng bố Jamaah Ansharut Daulah (JAD) cùng chi nhánh của JAD là Jamaah Ansharut Tauhid (JAT) sau khi cơ quan chức năng Indonesia bắt giữ thủ lĩnh của hai nhóm này để chờ xét xử.

Theo Tướng Tito Karnavian, khủng bố tại Indonesia hiện nay có liên hệ chặt chẽ với các tổ chức khủng bố ở nước ngoài. Chất nổ sử dụng trong các vụ tấn công là loại có sức công phá mạnh, chủ yếu được buôn lậu từ nước ngoài vào. Đây cũng được cho là chất nổ từng được sử dụng trong các vụ tấn công ở châu Âu gần đây.

Phương thức hành động của các đối tượng đánh bom liều chết ở TP Surabaya cho thấy chúng đã được huấn luyện bài bản để qua mặt các cơ quan an ninh và chống khủng bố. Đặc biệt, chúng đã dùng thủ đoạn sử dụng cả gia đình, không loại trừ các thành viên là phụ nữ và trẻ em để gây ra các cuộc tấn công liều chết bằng bom tự chế.

Tướng Karnavian cũng thừa nhận còn một số vấn đề trong công tác an ninh của Indonesia, trong đó có việc quản lý các trại giam. Hiện nay, một số nhà tù, trại giam của Indonesia chưa đạt chuẩn, có nơi chưa phân loại các loại tội phạm để giam giữ hoặc chưa tách riêng nghi phạm và tội phạm... dẫn đến một số vụ vượt ngục hoặc gây bạo loạn như tại nhà tù Mako Brimob ở Depok, ngoại ô thủ đô Jakarta hôm 9-5, khiến 5 cảnh sát thiệt mạng.

Hiện trường vụ tấn công Sở cảnh sát Riau hôm 16-5. Ảnh tư liệu

JAD - Nhóm khủng bố nguy hiểm nhất

Theo báo Bưu điện Jakarta (Jakarta Post), loạt vụ đánh bom liều chết ở Surabaya, cũng như vụ bạo động tại nhà tù Mako Brimob đều liên quan đến JAD. Đây là tổ chức khủng bố lớn nhất tại Indonesia hiện nay tuyên bố trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. JAD do đối tượng Aman Abdurrahman thành lập.

Các cuộc tấn công vừa qua giống như những cuộc tấn công do nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) thực hiện tại hàng chục nhà thờ trên khắp Indonesia vào đầu thiên niên kỷ. JI được cho là đã từ bỏ các cuộc thánh chiến tàn bạo, bị tan rã và hiện JAD nổi lên là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất tại Indonesia. Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) có trụ sở ở Jakarta đánh giá: “JAD là tổ chức lớn nhất trong số các tổ chức ủng hộ IS ở Indonesia, trong đó đặc biệt phải kể đến các đối tượng Aman Abdurrahman, JAenal Anshari và Abu Bakar Baasyir.”

JAD trước đây là một thuật ngữ chung đề cập đến bất cứ ai tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi nhưng hiện nay nó được tổ chức do Aman Abdurrahman đứng đầu sử dụng. Tổ chức này được thành lập tại Malang hồi tháng 11-2015. Năm 2004, Aman đã bị kết án 7 năm tù sau âm mưu khủng bố bất thành ở Depok.

Tuy nhiên, năm 2008, đối tượng này đã được trả tự do vì có thành tích cải tạo tốt. Ngay sau khi được thả, Aman đã hợp tác với Baasyir để thành lập 1 trại huấn luyện khủng bố chung ở Aceh vào năm 2010, thống nhất các nhóm khủng bố khác nhau ở Indonesia. Chính hành động này đã khiến Aman bị kết án 9 năm tù. Hiện bị giam giữ trong tù, song Aman đã bị buộc tội tham gia nhiều vụ tấn công khủng bố trên khắp Indonesia, trong đó có vụ khủng bố ngày 14-1-2016 ở Thamrin, trung tâm thủ đô Jakarta, khiến nhiều người thương vong.

Đối tượng này cũng bị cáo buộc tham gia vụ đánh bom ở Kampung Melayu, phía Đông thủ đô Jakarta, ngày 25-5-2017 khiến 3 cảnh sát thiệt mạng. Trong vụ bạo động tại nhà tù Mako Brimob vừa qua, các tù nhân yêu cầu cảnh sát cho phép được nói chuyện với Aman, người được cho là hiện cũng đang bị giam giữ tại cơ sở này. Tuy nhiên, những yêu cầu của tù nhân không được cảnh sát đáp ứng.

Để đối phó với khủng bố, Tướng Karnavian cho rằng Indonesia cần thúc đẩy việc thông qua một dự luật chống khủng bố đủ mạnh để không khoan nhượng với hành động khủng bố. Quân đội nước này cũng cần tham gia nhiều hơn vào việc phối hợp hành động chống khủng bố. Đặc biệt, việc chống lại sự độc hại và lan truyền nhanh chóng của chủ nghĩa cực đoan, hằn thù tôn giáo, dân tộc là một trọng tâm lớn.

Cuối cùng là phải củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an ninh và lực lượng chống khủng bố để có khả năng dự đoán tốt và kiểm soát được tình hình.

Tác giả: Hồng Phúc

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

  Từ khóa: Indonesia , khủng bố

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP