Thế giới

Huyền thoại xạ thủ bắn tỉa

"Thủ lĩnh bắn tỉa" có thể phát hiện nơi ẩn nấp của một tay súng IS trên cây nhờ một con chim đang bay.

Xạ thủ bắn tỉa Ali Jayad al-Salhi đang trở thành một huyền thoại của lực lượng dân quân Shiite của Iraq. Ông gần như được tôn vinh là một vị thánh sau khi thiệt mạng trong trận chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi tháng 9-2017.

Cuộc đời lừng lẫy

Tại TP Basra, quê nhà của xạ thủ có biệt danh "Mắt ưng" này và các khu vực sinh sống của cộng đồng người Shiite, hình ảnh ông al-Salhi được dán ở cửa sổ của rất nhiều ngôi nhà, hàng quán. Đàn ông hay phụ nữ đều đeo huy hiệu hình gương mặt của xạ thủ trong lúc có những bài thơ ca ngợi sự dũng cảm của ông. Khẩu súng trường ông sử dụng, vũ khí được cho là đã giết gần 400 tay súng của IS, hiện được trưng bày tại một bảo tàng ở Karbala, thành phố linh thiêng nhất đối với người Shiite.

Sau cái chết tử vì đạo của ông al-Salhi, cộng đồng người Shiite tại Iraq truyền tai nhau câu chuyện về xạ thủ rời bỏ gia đình để gia nhập lực lượng dân quân Shiite và chiến đấu trong cuộc chiến được ông xem là giữa nhân loại và quỷ dữ. Các bài thơ vinh danh được đọc to trước đám đông những người than khóc vì cái chết của ông. Có đến hàng ngàn người tham dự lễ tang tại thánh địa Najaf, nơi xạ thủ yên nghỉ tại Thung lũng thanh bình. Đây là một khu nghĩa địa rộng lớn nằm gần ngôi đền của Imam Ali, nhân vật được người Shiite tôn kính nhất.

Sau khi ông qua đời, cuộc đời thật của ông được kể đan xen với những chi tiết tiểu sử của một vị thánh khiến những câu chuyện trở nên khó kiểm chứng. Theo lời kể của người thân và những người chiến đấu cận kề, ông al-Salhi luôn có sự tôn sùng mãnh liệt đối với tôn giáo. Họ nói khi thực hiện truyền thống hành hương bằng cách đi bộ đến những nơi linh thiêng, ông al-Salhi luôn làm theo cách thức khắc nghiệt nhất. Trong khi những người hành hương khác tạm dừng khi đêm xuống, vị xạ thủ lại không ngừng di chuyển và chỉ cho phép mình nghỉ ngơi sau khi đến đích.

Vào đầu những năm 1970, ông al-Salhi tốt nghiệp một trường dạy bắn tỉa tại Belarus. Trong thời gian gia nhập quân đội Iraq, ông từng sát cánh cùng lực lượng Syria chống lại Israel tại Cao nguyên Golan trong cuộc chiến Trung Đông năm 1973; chống lại phần tử người Kurd ly khai ở phía Bắc Iraq và đối đầu lực lượng Iran trong cuộc chiến 1980-1988. Người lính kỳ cựu từng có một người anh em bị chính quyền cố Tổng thống Saddam Hussein xử tử trong cuộc nổi dậy của người Shiite ở miền Nam Iraq năm 1991.

Khẩu súng và bức hình tưởng niệm của ông Ali Jayad al-Salhi Ảnh: AP

Vỏ đạn cuối cùng

Vào năm 2014, hưởng ứng lời kêu gọi chống IS của Đại giáo sĩ Ayatollah Ali al-Sistani, hàng chục ngàn người Shiite đã gia nhập các phe phái dân quân khác nhau. Riêng ông al-Salhi từ giã người vợ, 10 đứa con và 20 đứa cháu để tham gia vào những trận chiến khốc liệt nhất của Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF). "Chúng tôi chiến đấu để giành lấy tự do cho người Iraq và cho nhân loại" - ông cho biết trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau khi được nhiều người biết đến.

"Thủ lĩnh bắn tỉa", một trong nhiều biệt danh của ông, rất tự hào về các kỹ năng của mình, như việc ông có thể phát hiện nơi ẩn nấp của một tay súng bắn tỉa IS trên cây nhờ một con chim đang bay. Ông vẫn thường kể về lần đấu tay đôi với một nữ tay súng bắn tỉa IS. "Cuối cùng tôi cũng thành công khi lừa được ả nghĩ rằng tôi đã chết và làm ả lộ diện từ nơi ẩn nấp" - ông tự hào khoe kết quả sau khi hai bên nổ súng qua lại trong khoảng 1 giờ. Lần đó, ông còn tiêu diệt thêm 2 tên đến lấy thi thể của tay súng bắn tỉa nữ nói trên.

Vào ngày ra trận cuối cùng, "thợ săn IS" vẫn kịp lấy mạng 4 tay súng khác, đưa tổng số thành viên IS bị ông hạ gục lên con số 384 - theo chỉ huy của ông tại Lữ đoàn Ali al-Akbar, ông Haidar Mukhtar. Tuy nhiên, ông và 2 lính bắn tỉa khác sau đó bị những tên khủng bố bao vây rồi giết hại. Ông Mukhtar vẫn kịp giữ lại một kỷ vật của xạ thủ lừng danh: vỏ đạn cuối cùng.

Theo AP, cơn sốt quanh ông al-Salhi phần nào chỉ ra sự gia tăng về sức mạnh chính trị và quân sự của PMF sau khi họ góp công trong cuộc chiến đánh bại IS. Với cộng đồng người Shiite chiếm đa số ở Iraq, PMF đang trỗi dậy sau cuộc chiến như một lực lượng linh thiêng. Vị thế của lực lượng này càng được củng cố khi họ dự kiến đóng một vai trò quan trọng ở Iraq thời hậu IS.

Tuy nhiên, hình ảnh của PMF trong mắt cộng đồng người Sunni thiểu số hoàn toàn tương phản. Lực lượng này bị cáo buộc ngược đãi người Sunni ở những khu vực chiếm lại từ tay IS. Người Sunni còn xem PMF là công cụ để Iran thống trị Iraq.

Tác giả: Bảo Hạnh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP