Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga, đặc biệt nhắm mục tiêu vào giới tài phiệt nước này với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, cũng như đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Skiprtal.
Động thái của Mỹ có thể khiến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đứng trước “bờ vực thẳm”, mà theo nhận định của giới chuyên gia thậm chí còn nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước kia. Trái ngược với Mỹ, Trung Quốc lại tận dụng cơ hội này để thể hiện sự đoàn kết với Nga và khẳng định quan hệ gắn kết về kinh tế, quân sự giữa hai bên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga. Ảnh: NYbooks. |
Mỹ ngày càng cứng rắn với Nga
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ xuống mức thấp trong những năm gần đây do những bất đồng liên quan đến cuộc chiến tại Syria, xung đột ở Ukraine và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Căng thẳng đã lên đến mức đỉnh điểm vào tháng 3/2018 khi Mỹ tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle, nhằm thể hiện sự đoàn kết với Anh và các nước phương Tây khác trong vụ cựu điệp viên bị đầu độc.
Theo một số phương tiện truyền thông, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được manh nha trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin. Hiện vẫn chưa rõ cuộc gặp này có khả năng diễn ra hay không, hoặc nếu diễn ra liệu có thể giúp hai bên “hạ nhiệt”, thu hẹp bất đồng quan điểm hay không.
Ông Dan Mahaffee, Phó Chủ tịch cấp cao, kiêm Giám đốc Chính sách của Trung tâm nghiên cứu Quốc hội và Tổng thống (Mỹ) cho rằng, quan hệ giữa Nga và Mỹ khó có thể được cải thiện trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ năm 2018. Cho đến thời điểm này, ông Donald Trump đã bày tỏ lập trường cứng rắn hơn nhiều với Nga, khác xa so với những đồn đoán xung quanh cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Để chứng minh cho quan điểm của mình, ông Dan Mahaffee đã viện dẫn việc Tổng thống Trump phê chuẩn bán vũ khí cho Ukraine, yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán tại San Francisco năm ngoái, cho Nga là đối thủ cạnh tranh hàng đầu trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ… Trước đó, trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Cố vấn An ninh Quốc gia cuối tháng 3 tại Hội đồng Atlantic, ông McMaster đã sử dụng những lời lẽ “khắc nghiệt” đối với Nga: “ Chúng ta đã thất bại trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Thất bại này đồng nghĩa với việc sự tự tin của Kremlin ngày càng gia tăng.”
Ông Stephen F. Cohen chuyên gia nghiên cứu về Nga của trường Đại học Princeton và trường Đại học New York nhấn mạnh, căng thẳng giữa Nga và Mỹ tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến Chiến tranh Lạnh mới nguy hiểm hơn cuộc Chiến tranh Lạnh diễn ra cách đây hơn 40 năm. Điều này do nhiều yếu tố như việc tăng cường các động thái quân sự và chính trị quanh khu vực biên giới Nga, thiếu quy tắc chung về trừng phạt ngoại giao và hành động khó lường của nhà lãnh đạo Nga Putin.
Ông Fellow Darrell, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings nhận định: “Thật khó để hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ gặp gỡ tại thời điểm mà một số lãnh sự quán của hai bên tại mỗi nước bị đóng cửa và các nhà ngoại giao bị trục xuất. Cần phải mất thời gian dài để xoa dịu căng thẳng”.
Trung Quốc bất ngờ thể hiện đoàn kết với Nga
Trong bối cảnh cùng “sa lầy” vào mối quan hệ bão táp với Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội thắt chặt tình đoàn kết với Nga, mở ra một hướng đi mới đẩy mạnh hợp tác song phương, trong đó có hợp tác quân sự.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa đã tới tham dự Hội nghị An ninh quốc tế lần thứ 7 diễn ra trong hai ngày 4-5/4 tại Moscow. Ông Ngụy cho biết: “Chuyến thăm Nga lần này nhằm chứng tỏ với người Mỹ rằng lực lượng quốc phòng Nga và Trung Quốc có mối quan hệ gắn bó mật thiết".
Trước đó, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shogu tại Moscow hôm 3/3 vừa qua, ông Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh rằng, ông chọn Nga là điểm đến cho chuyến thăm ngoại giao chính thức đầu tiên từ khi nhậm chức hồi tháng trước với mục đích “cho thế giới thấy sự phát triển mạnh của quan hệ song phương và quyết tâm củng cố sự hợp tác mang tính chiến lược của quân đội Trung Quốc”.
Theo nhận định của các chuyên gia, không phải ngẫu nhiên tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lựa chọn điểm đến đầu tiên là Nga. Kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, Nga và Trung Quốc đã có một mối quan hệ khá tốt dựa trên những mối quan tâm chung về kinh tế và chiến lược.
Sự hợp tác giữa hai bên được nâng lên tầm cáo mới khi Tổng thống Nga Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết Quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2014. Trong cuốn sách “Chúng ta có nên sợ Nga?”, học giả Dmitri Trenin cho rằng: “Trung Quốc và Nga có thể tiếp tục củng cố và nâng cấp thành mối quan hệ liên minh”.
Trả lời phỏng vấn tờ “Thời báo toàn cầu”, ông Gao Fei, giáo sư nghiên cứu về Nga tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Trung Quốc muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác gần gũi với Nga không chỉ vì muốn phát huy những mặt tốt hai bên gây dựng trước đây mà còn vì những thay đổi trên trường quốc tế.
Đặc biệt trong bối cảnh các nước phương Tây đang gây sức ép về mặt ngoại giao đối với Nga, còn Mỹ thì đang phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc”. Tờ Thời báo New York nhận định: “Hợp tác quân sự là một cách để Trung Quốc và Nga chứng minh cho thế giới rằng hai nước này không đơn độc, bất chấp các nỗ lực của Mỹ và phương Tây cô lập họ theo nhiều cách khác nhau”.
Trên thực tế Trung Quốc cần Nga như một đối tác quan trọng để giành được lợi thế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, cũng như nâng cao ảnh hưởng trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Còn Nga cần Trung Quốc để kiềm chế sức ép của Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến ngoại giao. Nhiều chuyên gia cho rằng sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc sẽ khiến Mỹ cũng các đồng minh dè chừng.
Tác giả: Hồng Anh
Nguồn tin: Báo VOV