Kinh tế

Hội nghị kết nối cung cầu: Toàn người bán chứ không có người mua

“Tôi là người cung, tôi mong đến đây tìm được cầu. Nhưng thực tế lại không thấy người mua. Giá như trong tất cả các Sở Công Thương đến đây, 50% là người cung và 50% là người cầu thì việc kết nối cung cầu sẽ diễn ra tốt hơn. Hiện tại tập trung về đây toàn người bán không, chứ không có người mua”, đại diện Công ty cà phê Classic Việt Nam chia sẻ.

Sáng (8/10), Bộ Công Thương và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu Khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2016 tại Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, mặc dù đã có một số kết nối được hình thành nhưng với số lượng chưa nhiều, ngành nghề hợp tác chưa toàn diện. Một số ký kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị mới chỉ mang tính thăm dò, giá trị chưa cao. Hình thức và nội dung hợp tác giữa các tỉnh, thành trong khu vực còn khá đơn giản, mới ở mức độ trao đổi thông tin, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

anh 2 1475915166817
Quang cảnh hội nghị

Các doanh nghiệp trong khu vực miền Trung – Tây nguyên hầu hết là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thị trường còn hạn chế, chưa xây dựng được các thương hiệu lớn, chưa tham gia hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất. Một số doanh nghiệp còn e ngại, chưa thực sự cởi mở chia sẻ thông tin, chưa chủ động quan tâm đến nhiều vấn đề hợp tác cung ứng hàng hóa, dịch vụ để tận dụng năng lực, kế thừa, học hỏi kinh nghiệm của nhau để đóng góp vào mục tiêu phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

“Do đó, liên kết hợp tác mới chỉ dừng lại chủ yếu ở doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp thương mại. Số lượng kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp sản xuất để mua nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm đầu ra còn ít”, bà Mai nhấn mạnh.

Cũng theo bà Mai, nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương do doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… để đáp ứng yêu cầu, điều kiện cung ứng vào các hệ thống phân phối hiện đại. Bên cạnh đó, mặc dù đang được quan tâm đầu tư phát triển song hệ thống hạ tầng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên như đường giao thông, cảng biển, sân bay… vẫn còn đang quy mô nhỏ, sự kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành còn yếu, đã tạo trở ngại lớn trong việc hợp tác phát triển và thu hút đầu tư, đặc biệt là trong việc khai thác hạ tầng thương mại và các dịch vụ, logistic…

anh 1 1475915166784
Các doanh nghiệp tham gia kết nối cung cầu giới thiệu về sản phẩm của mình

Ông Nguyễn Phú Huỳnh Lâm, Giám đốc Công ty CP cà phê Classic Việt Nam (đóng tại Gia Lai) - cho biết, đây là lần thứ 2 ông tham gia kết nối cung cầu và có nhiều trăn trở muốn chia sẻ để những lần sau được tốt hơn.

“Tôi là một doanh nghiệp sản xuất cà phê, là người cung, tôi mong đến đây tìm được cầu. Nhưng thực tế lại không thấy người mua. Giá như trong tất cả các Sở Công Thương đến đây, 50% là người cung và 50% là người cầu thì việc kết nối cung cầu sẽ diễn ra tốt hơn. Hiện tại tập trung về đây toàn người bán không, chứ không có người mua”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Hương Quế chia sẻ, trong các kênh phân phối kể cả siêu thị nhan nhản hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tức là hoạt động không đúng theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến việc kết nối cung cầu giữa người mua và người bán. Bởi người tiêu dùng mất niềm tin vào nhà phân phối, các nhà phân phối mất niềm tin vào các nhà sản xuất.

Ông Sơn đề nghị hệ thống ngành công thương cần vào cuộc tích cực để ngăn chặn, xử lý được tình trạng hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường.

Tác giả bài viết: Khánh Hồng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP