Giáo dục

Học thế nào với cách thi mới?

Ngay sau khi phương án thi THPT quốc gia 2017 được công bố, các trường phổ thông đã có kế hoạch cho việc giảng dạy và ôn tập để phù hợp với cách thi mới.

Các khách mời tham gia buổi trao đổi trực tuyến. ẢNH: LÊ THANH


Tập trung vào chương trình lớp 12

Trong buổi trao đổi trực tuyến tổ chức tại Báo Thanh Niên sáng qua (29.9), tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng những điều chỉnh của phương án thi chính thức so với dự thảo đã hợp lý hơn, đặc biệt ở bài thi tổ hợp. Việc mỗi thí sinh (TS) trong cùng phòng thi có mã đề riêng sẽ giúp công tác thi khách quan hơn.

Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), nói: “Theo dự thảo trước đây chúng tôi rất lo học sinh (HS) sẽ học lệch, nhưng việc khống chế điểm liệt từng phần bài thi sẽ giúp hạn chế việc này. Sự công bằng và rõ ràng còn thấy rõ trong việc điều chỉnh thời gian làm bài và cách tính điểm từng phần bài thi tổ hợp. Với cách này, TS lựa chọn khối thi truyền thống có thể tập trung vào từng phần bài thi”.

Theo tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo, dù thi tự luận hay trắc nghiệm HS vẫn phải vững kiến thức căn bản. Nếu hình thức tự luận đề thi tập trung vào một số nhóm kiến thức chuyên sâu thì thi trắc nghiệm kiến thức rải rộng và nằm ở bất cứ mảng nào của chương trình. Tuy nhiên, tiến sĩ Đèo nhấn mạnh, như Bộ đã định hướng, đề thi năm nay chỉ thuộc phạm trù kiến thức lớp 12. Vì vậy, những câu yêu cầu kiến thức tổng hợp, chẳng hạn câu hỏi phân loại cuối đề thi tự luận những năm trước kiến thức chủ yếu tập trung ở lớp 10, sẽ không xuất hiện trong đề thi năm nay.

Tương tự, bà Ngọc Dung cũng nêu ý kiến kỳ thi năm nay chỉ thay đổi hình thức thi, còn phạm vi kiến thức được giới hạn trong chương trình lớp 12. Ở thời điểm này, nhiệm vụ quan trọng nhất của HS là lấy kiến thức căn bản chắc chắn kết hợp với làm quen hình thức thi trắc nghiệm. HS không nên có tư tưởng “đánh lụi” vì cùng lắm cũng chỉ kiếm được 1/4 số điểm bài thi. HS cũng không nên chủ quan hoặc học lệch vì phương án thi quy định rất rõ điểm liệt từng phần bài.

Hình thức thi năm nay thay đổi ở môn toán, sử, địa và giáo dục công dân. Bà Dung cho biết ngay từ khi có dự thảo trường đã tiến hành xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm và đang tiếp tục thực hiện. HS tại trường đã được làm quen với hình thức trắc nghiệm qua các bài kiểm tra 15 phút.

Về cách làm đề thi trắc nghiệm, tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo cho rằng việc biên soạn ngân hàng đề thi trắc nghiệm sẽ là một khó khăn cho giáo viên các trường phổ thông. Để thiết kế đề trắc nghiệm cần phải xây dựng trước ma trận đề thi dựa trên các mức độ kiến thức khác nhau. Tuy nhiên, đề thi trắc nghiệm chỉ nên dùng cho kiểm tra kết thúc một chương học.

Tìm cách hạn chế tối đa tiêu cực

Điểm mới trong cách thức tổ chức kỳ thi năm nay là giao cho các sở GD-ĐT chủ trì các cụm thi. Áp dụng hình thức thi trắc nghiệm là một biện pháp hạn chế tiêu cực mà Bộ đặt ra, đặc biệt ở môn toán. Tuy nhiên, theo bà Dung trắc nghiệm chỉ là rào cản tiêu cực ở khâu chấm thi. Dù mỗi TS một mã đề nhưng nếu công tác coi thi lỏng lẻo, TS rất dễ hỏi nhau dẫn đến tiêu cực, gây mất công bằng giữa các hội đồng thi. “Tôi vẫn mong muốn quy chế của Bộ ban hành nghiêm ngặt giúp kỳ thi diễn ra nghiêm túc ở tất cả địa phương, nhằm có kết quả đáng tin cậy để các trường ĐH an tâm sử dụng”, bà Dung nói.

Đóng góp thêm cho phương án thi này, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đề xuất: “Đề thi cần được chuẩn bị chặt chẽ, phản biện đầy đủ để có tác dụng xét tốt nghiệp đồng thời phân loại được HS giỏi để giúp các trường ĐH, CĐ chọn HS phù hợp. Quan trọng không kém, quy chế thi cần rõ ràng để các hội đồng thi thực hiện nghiêm túc, giúp các trường có kết quả sử dụng cho tuyển sinh. Chỉ như vậy HS đỡ phải tham gia nhiều kỳ thi và các trường đỡ tốn kém trong việc tổ chức thêm kỳ thi khác”.

Còn tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo cho biết băn khoăn lớn nhất ở thời điểm này là cách hạn chế tiêu cực trong công tác tổ chức thi. Bộ cũng cần có điều chỉnh hợp lý hơn khâu xét tuyển vào ĐH.

Đề thi trên mạng chưa đủ tin cậy

Thời điểm này dù Bộ chưa công bố đề thi minh họa nhưng trên mạng đã xuất hiện nhiều đề thi theo hình thức trắc nghiệm. Theo tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo, đề thi trắc nghiệm nếu không được phản biện chỉ mang tính chủ quan. Để ra được câu hỏi trắc nghiệm thì yếu tố quan trọng là tạo ra phương án nhiễu để tăng việc phạm sai lầm của HS khi lựa chọn đáp án. Với đề quá thô thì chỉ nhìn sơ cũng ra được đáp án và điều này thường thấy nhiều trong đề thi được công bố trên mạng hiện nay. Vì vậy, các đề thi đưa lên mạng chưa đủ tin cậy. HS chỉ nên tiếp cận với đề thi của trường phổ thông hoặc đề minh họa của Bộ chứ không nên tham khảo trên các website khác.

Lịch thi khá nặng ?

Theo bà Vũ Thị Ngọc Dung, lịch thi dù gọn nhưng rất dày, nếu HS muốn thi cả 2 bài khoa học tự nhiên và xã hội sẽ khó. Theo kết quả khảo sát tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, dù ít nhưng vẫn có trường hợp HS chọn thi đồng thời 2 bài khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ lưu ý: “Về kỹ thuật tổ chức thi, mỗi bài thi tổ hợp có 3 phần thi riêng từng môn và việc phát, thu đề diễn ra tuần tự ngay trong giờ thi. Để tránh sơ suất có thể xảy ra, Bộ cần tính toán kỹ về khâu thu nhận đề thi để đảm bảo tính bảo mật”.

Tác giả bài viết: Hà Ánh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP