Giáo dục

Học nhiều trước khi vào cấp 1 lãng phí thời gian và tiền bạc

Bất kỳ cha mẹ nào cũng muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất đến với con em mình, trong đó có giáo dục. Họ luôn muốn gửi con mình tới những trường “có sự giáo dục chữ nghĩa” tốt nhất có thể, thậm chí ngay cả ở độ tuổi mầm non. Đây là một quan điểm khá hợp lý song cũng có thể là sai lầm chết người.


Những bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy trẻ nhỏ không cần đi học mẫu giáo cũng thành công được cung cấp bởi Russ Whitehurst, chuyên gia cao cấp của của Viện Brookings. Ông đã tiến hành phân tích 4 nghiên cứu lớn về Tín thuế lao động EITC. Đây là thuế liên bang trợ cấp cho những người thu nhập thấp, trong đó có loại dành cho những người có con nhỏ.

Kết quả cho thấy, trẻ nhỏ có xu hướng tốt hơn trong những năm tháng sau này nếu cha mẹ được nhận trợ cấp so với những đứa trẻ được hỗ trợ đi học mầm non. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ này sẽ có tỉ lệ vào đại học cao hơn, có điểm thi tốt hơn và thu nhập cao hơn khi trưởng thành. Các gia đình được tài trợ tiền mặt có điều kiện mua xe tốt hơn, được đi du lịch nhiều hơn, đến các viện bảo tàng… giúp đời sống của trẻ phong phú hơn.

Tuy nhiên, thay vì tập trung hỗ trợ gia đình, nhiều chính phủ và chính trị gia đã cố gắng khắc phục tình trạng bất bình đẳng bằng cách hỗ trợ chương trình giáo dục mầm non phổ biến. Những nhà làm giáo dục dục cho rằng đây là cơ hội để mọi trẻ em được đi học cùng một lúc. Biện pháp này có thể là tạo một bước đi tích cực, nhưng lại bị từ chối ở Phần Lan, nước có nền giáo dục hiệu quả nhất châu Âu.

Phần Lan: Đất nước vui chơi của trẻ

Bậc phụ huynh Mỹ có thể cho rằng hệ thống giáo dục ở Phần Lan là “phản khoa học”. Trẻ nhỏ ở nước này không đi học chính thức cho đến khi chúng được 7 tuổi. Vì vậy, nhiều bé vẫn bị coi là mù chữ nếu so sánh với Mỹ và nhiều nước khác (như Việt Nam) - nơi trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo từ 4 -5 tuổi. Thậm chí ngay từ khi còn bé, trẻ em Mỹ đã cầm cuốn sách trong tay.

Sự khác biệt trong nền giáo dục giữa hai quốc gia này được thể hiện rất rõ. Trẻ mầm non ở Mỹ được chỉ bảo, xây dựng tinh thần luôn “sẵn sàng là một học sinh”, được dạy các kỹ năng học và nghiên cứu của một học sinh đích thực.

Trong khi đó, trẻ mẫu giáo Phần Lan được học cách chơi đẹp với nhau, cách đối xử công bằng, làm thế nào để nói “Tôi xin lỗi”. Hầu hết các giáo viên giữ trẻ sẽ hướng dẫn những trò chơi để xây dựng tinh thần đồng đội, tinh thần nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, di chuyển nhanh lẹ nhưng rất mềm mại, biết cách biến những sai lầm thành động lực và cơ hội…

Như vậy, hệ thống giáo dục Phần Lan không chú trọng đào tạo kiến thức khoa học hay tập đọc cho trẻ nhỏ. Sân chơi chính là nơi phát triển tinh thần cho trẻ chứ không phải trong 4 bức tường. Chính phủ nước này đã hỗ trợ mô hình giáo dục này rất lớn, luôn tạo ra những sân chơi bổ ích. Kết quả: Đến 15 tuổi, học sinh Phần Lan luôn chiếm ưu thế trong các bài kiểm tra toán học toàn cầu và khoa học thực tế.

Mô hình giáo dục mẫu giáo của Mỹ khá giống với nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam - nơi có trẻ nhỏ đi học từ rất sớm. Nhiều chính trị gia luôn cho rằng cách tốt nhất để phát triển xã hội là đầu tư vào giáo dục, nhưng Whitehurst luôn khẳng định cần thiết hơn cả là “trao cần câu” cho những hộ gia đình có thu nhập thấp. Những trẻ nhỏ sống ở trong gia đình có thu nhập thấp sẽ gặt hái được nhiều thành công khi cha mẹ có nhiều tiền bạc và thời gian dành cho chúng.

Trẻ nhỏ có cần đầu tư quá nhiều tiền bạc?


Trong thời buổi kinh tế suy thoái, mọi chi tiêu đều eo hẹp nhưng cha mẹ vẫn đầu tư rất nhiều cho con trẻ. Theo nghiên cứu từ Pamela Paul, tác giả của cuốn Parenting khẳng định, trong 10 năm qua, cha mẹ đã bỏ tiền nhiều hơn 66% vào chi phí chăm sóc trẻ nhỏ và giáo dục nâng cao.Và họ nhận lại những gì?

Cha mẹ luôn có niềm tin rằng con cái cần có một cuộc sống tốt hơn cha mẹ và việc đầu tư vào chúng là quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Kerry Gillick Goldberg và chồng cô, Joe đã làm việc nhiệt tình để đủ kinh phí chăm sóc cô con gái 6 tuổi: 5.000 USD/năm cho bé đi học mẫu giáo, 144 USD/tháng tiền học bơi, 1.200 USD/năm tiền đi học nhảy và thể dục, 6.500 USD cho một mùa hè căm trại… Mặc dù thu nhập của họ lên tới 200.000 USD/năm nhưng đôi khi vẫn không đủ chi tiêu… Hầu hết cha mẹ nào cũng vậy, thậm chí có thể nhịn đói để con được ăn no.

Nhưng thực tế, để trẻ phát triển lành mạnh không đòi hỏi chi phí quá nhiều như vậy. Carol Dweck, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford, khẳng định: Đơn giản chỉ cần dạy trẻ tầm quan trọng của những khó khăn trong gia đình, không nhất thiết phải đưa chúng đến trường từ rất sớm, nhét vào đầu chúng những kiến thức thực sự chưa cần thiết đối với lứa tuổi của chúng.

Trong khi đó, phụ huynh Việt Nam lại luôn cho rằng con mình hiểu biết kiến thức khoa học, biết tập đọc, tập viết càng sớm càng tốt, ép chúng phải học bảng cửu chương ngay cả khi không hiểu bản chất của nó là gì. Thậm chí, những gia đình có điều kiện đã bắt trẻ ngày đêm theo học tiếng Anh để hy vọng sau này thành người tài. Vậy là, 4 bức tường đã cướp đi tuổi thơ của các em, bào mòn sự sáng tạo trong bản năng của trẻ nhỏ.

Tác giả bài viết: Hương Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP