Giáo dục

Học nghề trong trường phổ thông: Chỉ để cộng điểm thi tốt nghiệp

Vừa trải qua một năm rưỡi học nghề ở bậc THCS, khi lên bậc THPT học sinh lại tiếp tục học nghề. Học phí rẻ, chương trình học dài gần 100 tiết nhưng đa số học sinh đều không hứng thú với các chương trình học nghề này, chỉ đi học cốt để được… cộng điểm thi tốt nghiệp.

Học sinh học nghề nên được đào tạo bài bản trong các cơ sở đào tạo học nghề chuyên nghiệp.


Cả lớp đều chọn nghề… làm hoa giấy!

Nguyễn Hà V., học sinh lớp 10 Trường THPT Kim Liên cho biết, kỳ thi tay nghề lớp 9 về môn học làm hoa giấy em đạt loại giỏi nên được cộng 1,5 điểm tốt nghiệp. V. chia sẻ, có nhiều ngành nghề nhưng cô giáo ở trường THCS chọn cho lớp nghề làm hoa giấy vì nghề này dễ học và cả lớp cũng theo không có ý kiến. Hỏi V. có học thật sự không? V. cho biết: “Với em 1,5 điểm cộng vào điểm thi tốt nghiệp là rất đáng quý so với nỗ lực ở các môn văn hóa nên có học để làm được sản phẩm nhưng sau đó em không lưu tâm. Có nhiều bạn chỉ đến điểm danh, chơi, khi thi thì mua hoa làm sẵn về nộp đối phó”.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 12 ở Hà Nội thừa nhận, mình chẳng có tí tẹo năng khiếu nào nhưng vẫn theo chúng bạn đăng ký nghề làm hoa giấy. Theo Ngọc Anh, đa số bạn cùng lứa đều chọn nghề dễ học, dễ ăn điểm để thi cho qua chứ không chú trọng sẽ học được gì. Bi hài hơn, ngay khi còn ngồi trên ghế trường THCS Ngọc Anh từng chọn nghề làm hoa giấy và được cộng 1,5 điểm tốt nghiệp.

Ngọc Anh kể: “Ngày nào cô giáo ở trung tâm học nghề cũng điểm danh nên bọn em đi học đầy đủ, nhưng trên lớp bạn thì lướt facebook, bạn thì ngủ”. Đến kỳ thi, Ngọc Anh đã được truyền kỹ xảo mua sản phẩm về tháo rời ra rồi chỉ việc cuốn lại theo nếp gấp cũ. Kết quả kỳ thi nghề năm đó, Ngọc Anh vẫn đạt loại giỏi.

Trường THCS Khương Đình năm nay có 213 em học sinh khối 9 thì điều đặc biệt là cả 100% học sinh này đều chọn ngành tin học để học nghề. Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân) cho rằng: trên thực tế, có khoảng 90% đăng ký học Tin học, 10% còn lại thích học nghề khác nhưng trường hướng học cùng để dễ quản lý. Theo bà Hiền, chính sách dạy nghề cho học sinh nhằm giúp các em có hiểu biết nhất định về một nghề nghiệp nào đó là rất tốt, nhưng quan trọng là thái độ học tập, tiếp thu của học sinh thế nào, có đạt hiệu quả hay không?

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (Hoàn Kiếm) cho biết, việc học nghề kéo dài 1,5 năm và mỗi tuần đều đặn học sinh phải đến trung tâm học nghề để học. Nếu không đủ buổi, trung tâm không cho thi nên đa số học sinh đều chăm chỉ học nghề. Tuy nhiên, chất lượng học đến đâu thì khó khẳng định bởi cũng có một số em không coi việc học nghề để có tay nghề mà chỉ nhằm mục đích cộng điểm tốt nghiệp.

Nên bỏ chính sách cộng điểm cho học nghề

Học nghề ngay từ khi còn là học sinh THCS được sự hỗ trợ nguồn kinh phí từ các địa phương. Vì thế, mỗi học sinh dù học nghề kéo dài tới 1,5 năm nhưng chỉ phải đóng mức phí 40.000 đồng/em. Tuy nhiên, điều bất cập hiện nay là dù ở cấp THCS đa số trường 100% học sinh có chứng chỉ nghề nhưng lên bậc THPT lại tiếp tục phải chọn nghề để học.

Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan Lê Văn Dũng cho rằng, ở bậc THCS học sinh nên học tốt văn hóa chưa nên học nghề. Chỉ những em không tiếp tục học THPT lựa chọn nghề để học và làm việc. Ông Dũng cũng đồng quan điểm, chính sách dạy nghề cho học sinh là rất tốt, nếu học thật sự có thể là giải pháp phân luồng tốt. Tuy nhiên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, đa số giáo viên dạy nghề hiện nay đều kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao.

Ví dụ, Trường THPT Đồng Quan năm nay có khoảng 450 đăng ký học nghề. Tuy nhiên, vì điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, trường chỉ đăng ký cho học sinh học hai nghề gồm nghề điện và nghề làm vườn. Với lựa chọn đó, đa số học sinh nữ chọn nghề làm vườn, đa số học sinh nam chọn nghề điện để theo học. Tuy nhiên, ông Dũng nói thêm: “Chương trình học nghề điện hay làm vườn 105 tiết trải dài suốt một năm học nhưng cơ sở vật chất về nghề không đầy đủ, học sinh khó có thể nắm bắt được”.

Tương tự ở bậc THCS, lên bậc THPT học sinh học sinh thi chứng chỉ nghề chỉ cần đạt loại trung bình, khá, giỏi đã được cộng mức điểm tương ứng từ 1 - 2 điểm. Vì thế, theo hiệu trưởng 1 trường THPT, dù việc học nghề là điều kiện không bắt buộc với mỗi học sinh nhưng có rất ít em từ chối chương trình học nghề vì đạt loại giỏi được cộng 2 điểm là phao cứu sinh cho việc xét tốt nghiệp. Cũng theo hiệu trưởng này, cùng với điểm cộng học nghề, các trường thường đôn điểm tổng kết năm học, nên chỉ có thí sinh bị điểm liệt mới bị trượt tốt nghiệp.

Chương trình, đối tượng học được coi là chưa hợp lý khi có những học sinh dành 2-3 năm cho việc đến trung tâm học hai nghề khác nhau nhưng cuối cùng em học sinh này lại đi du học hoặc thi thẳng vào ĐH. Vì vậy, không nên duy trì hình thức khuyến khích cộng điểm để học sinh đăng ký học chỉ nhằm mục tiêu lấy điểm cộng. Thậm chí dẫn đến hiện tượng tiêu cực chạy điểm loại giỏi học nghề nhằm được cộng điểm tối đa khi thi vào lớp 10.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ Điện Hà Nội cho rằng: việc học nghề là cần thiết nhưng cần xuất phát từ nhu cầu, năng khiếu của học sinh. Không cần 100% học sinh phải được học nghề mà chỉ khoảng 30-40% học sinh được định hướng, học nghề nhưng phải đầu tư cơ sở vật chất, học nghề bài bản trong các cơ sở đào tạo nghề chuyên nghiệp. “Chính sách tốt nhưng phương pháp triển khai không trúng dẫn đến lãng phí cả tiền bạc lẫn sức lực của người học”, ông Ngọc nói.

“Ngày nào cô giáo ở trung tâm học nghề cũng điểm danh nên bọn em đi học đầy đủ, nhưng trên lớp bạn thì lướt facebook, bạn thì ngủ”.

Nguyễn Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 12 ở Hà Nội

Tác giả bài viết: Nguyễn Hà

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP