Từ nhiều năm nay, để chuyển đổi số diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả, người dân Lý Trạch đã thay thế bằng việc trồng hoa. Và gần đây, người dân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng hoa đào.
Là một trong những hộ gia đình đầu tiên mạnh dạn thử nghiệm cây đào, trong 4 năm qua, anh Nguyễn Văn Huyên (thôn 6, xã Lý Trạch) đã tận dụng gần 1 sào đất vườn để trồng. Anh Huyên tâm sự rằng, trước đây, gia đình anh có 2 gốc đào cổ thụ, thuộc giống đào rừng được ông cố của anh mang về trồng trong vườn nhà cách đây 60-70 năm. Lớn lên ở làng có truyền thống trồng hoa, bản thân anh Huyên đã luôn tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật chiết ghép với mong ước cây đào “gia truyền” của gia đình có thể trở thành vườn đào “gia truyền”.
Những vườn đào ở Lý Trạch trở thành điểm chụp ảnh lý tưởng của nhiều người. Ảnh: Phạm Hùng |
Đào là cây hoa rất khó tính, trồng và chăm sóc sao cho chúng sống tươi tốt đã khó, việc điều khiển để đào bung đầy hoa rực rỡ, sáng tươi đúng dịp còn khó hơn. Đặc biệt, với thời tiết khắc nghiệt của vùng đất Quảng Bình, việc trồng đào đôi lúc tưởng chừng là chuyện không tưởng. Anh Huyên cho biết: “Tôi phải mất đến 2 năm mới chiết ghép thành công 50 gốc đào con từ hai cây đào cổ thụ của gia đình. Đến nay, vườn hoa đã có gần 70 gốc đào lớn, nhỏ, có thể đào gốc hoặc cắt cành để bán”.
Chị Lê Thị Hằng (vợ anh Huyên) cho biết thêm: “Năm nay, mặc dù phải chịu hai trận bão lớn, nhưng nhờ bảo vệ tốt, vườn đào nhà tôi không bị thiệt hại gì nhiều. Với những cây đào lâu năm, giá bán có thể lên tới trên 5 triệu đồng/cây, thu nhập từ trồng hoa đào mang lại thu nhập cao hơn hẳn trồng lúa và nhiều loại hoa màu khác. Mùa Tết năm nay, dự kiến gia đình thu khoảng 50-60 triệu đồng từ việc bán hoa đào”.
Cũng là người tiên phong trong việc trồng hoa đào trên đất Lý Trạch, anh Nguyễn Văn Cảnh (thôn 10, xã Lý Trạch), được mệnh danh là ông chủ cánh đồng hoa tuyết. Quả đúng vậy, nếu ai có dịp đến thăm vườn hoa của gia đình anh Cảnh sẽ ngỡ ngàng trước hình ảnh vườn hoa đào nở rộ, hiếm thấy trên đất Quảng Bình.
Anh Cảnh là một trong những người tiên phong khi mạnh dạn chuyển đổi gần 3 sào đất trồng sắn sang trồng hoa đào. Việc chăm sóc hoa đào không vất vả như gieo cấy lúa, nhưng đòi hỏi người trồng phải khéo léo và kỳ công, biết tính toán thời tiết để chia từng giai đoạn uốn tỉa, chăm sóc.
Sau 4 năm trồng thử nghiệm cây đào phai của nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc và đào Nhật Tân (Hà Nội), đây là năm đầu tiên gia đình anh trồng thành công. Anh Cảnh chia sẻ: “Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa đào không hề đơn giản. Bản thân tôi đã thử qua hơn 5 loại giống đào, năm thì cây không ra hoa, năm thì cây lại nở không đúng dịp Tết. Phần vì khí hậu quê mình khắc nghiệt, phần vì mình chưa chăm sóc đúng kỹ thuật. Nhờ rút kinh nghiệm dần, năm nay hoa đào của gia đình bội thu".
Những ngày này, vườn hoa đào nhà anh Cảnh tấp nập, nhộn nhịp bởi nhiều người muốn tận mắt chiêm ngưỡng vườn đào phai trên đất Quảng. Già trẻ, gái trai nô nức du xuân và chụp ảnh lưu niệm tại vườn đào. Với anh Cảnh, niềm vui chính là mang được cây hoa đào miền Bắc trồng trên chính mảnh đất quê hương. Anh Cảnh cho biết, anh luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm với bất cứ người nào có đam mê trồng hoa đào như anh.
Với sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, những người nông dân xã Lý Trạch đã phủ kín vùng đồi đất cằn bằng những loài cây quanh năm xanh tốt và những vườn hoa đua nhau khoe sắc thắm trong dịp Tết đến Xuân về. Cùng với nhiều loài hoa truyền thống, cây đào đã mở ra hướng đi mới cho nông dân Lý Trạch, nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất canh tác.
Tác giả: Lê Mai-Hồng Thắm
Nguồn tin: baoquangbinh.vn