LTS: Góp ý về Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy giáo Đặng Đình Vinh (hiện là Hiệu trưởng trường Trung học Thành Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) đã có nhiều kiến nghị.
Đặc biệt, theo thầy nên thay thế Thông tư 30 sửa đổi bằng một thông tư mới để tránh nhầm lẫn giữa cái cũ và cái mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Ngày 27/8/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 về việc ban hành quy định đánh giá học sinh Tiểu học nhằm lấy ý kiến của các giáo viên, chuyên gia, nhà quản lí giáo dục cũng như phụ huynh học sinh để áp dụng việc đánh giá xếp loại học sinh Tiểu học vào năm học 2016-2017.
Các thầy cô giáo chúng tôi khá vui vì Bộ đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của công luận, nhất là đội ngũ các nhà giáo nhằm khắc phục những hạn chế của Thông tư 30.
Theo Thông tư 30 sửa đổi, học sinh được quyền nhận xét lẫn nhau về học tập, rèn luyện... (Ảnh: tuoitre.vn).
Tại bài viết này, tôi xin được góp ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, quy định đánh giá thường xuyên:
Theo tôi, các môn học Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc vẫn dùng điểm số để đánh giá thay vì ghi lời nhận xét bằng lời như hiện nay nhằm kích thích học tập ở các em.
Tuy nhiên, cần tập trung chú ý sửa lỗi các bài tập. Đối với những bài chưa đạt điểm 5, giáo viên cần hướng dẫn, giúp đỡ cho các em hoàn thành, hạn chế cho điểm 2, 3, 4.
Các môn còn lại như Khoa học, Đạo đức… vẫn đánh giá bằng nhận xét nhưng chủ yếu nhận xét bằng lời nói trực tiếp, khi thật cần thiết mới ghi nhận xét vào vở tránh làm mất thì giờ của giáo viên.
Thứ hai, quy định đánh giá định kì kết quả học tập:
Các môn học và hoạt động giáo dục cần xếp thành 4 mức: A, B, C, D thay vì dự thảo xếp 3 mức A, B, C. Bởi vì xếp 4 mức này mới tương ứng với 4 thang điểm: A: 9-10 điểm; B: 7-8 điểm, C: 5-6 điểm; D: Dưới 5 điểm.
Mức độ hình thành và phát triển năng lực, mức độ hình thành và phát triển phẩm chất cần giữ nguyên như cũ: “Đạt” hoặc “Chưa đạt”, không nên xếp các loại A, B, C. Bởi vì chúng ta đang đánh giá quá trình hình thành phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, chứ không phải xếp loại phẩm chất và năng lực các em theo kiểu các mức A, B, C.
Thứ ba, quy định số lần kiểm tra:
Theo Dự thảo sửa đổi, với lớp 4, 5: các môn học đánh giá bằng điểm số mỗi năm tổ chức kiểm tra 4 lần (giữa kì 1, cuối kì 1, giữa kì 2 và cuối năm); với lớp 1, 2, 3 có 2 lần kiểm tra (cuối kì 1 và cuối năm).
Quy định như vậy là hợp lí, bởi vì vừa phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh, vừa để giáo viên, nhà trường nhất là phụ huynh mới biết được tiến độ học tập của từng em để có sự cổ vũ học sinh học tập tiến bộ, giúp đỡ kịp thời các em chưa đạt so với yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng.
Tuy nhiên, tôi thấy Dự thảo sửa đổi chưa làm rõ mối quan hệ giữa điểm kiểm tra định kì (với các môn cho điểm) và các mức A, B, C.
Các mức quy định vẫn còn khá chung chung, khó khăn cho giáo viên trong việc lựa chọn xếp loại cho chính xác, vì vậy, cần quy định rõ hơn giữa việc lượng hóa các mức với các kết quả các bài kiểm tra định kì của học sinh.
Thứ tư, về hồ sơ sổ sách đánh giá:
Dự thảo quy định bao gồm học bạ, bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bảng tổng hợp dùng để thay thế sổ theo dõi chất lượng giáo dục cũ, ngoài ra, giáo viên có sổ cá nhân để ghi chép, theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh.
Quy định như vậy tôi thấy vẫn chưa gọn, chưa khoa học cũng như chưa giảm áp lực về ghi chép hồ sơ cho giáo viên.
Tôi xin đề xuất:
Hồ sơ bao gồm 2 loại chính: Học bạ, Sổ theo dõi chất lượng (cải tiến mẫu gọn hơn). Còn bảng tổng hợp chỉ dành cho giáo viên không chủ nhiệm dạy nhiều môn hoặc các môn năng khiếu. Sổ ghi chép cá nhân khuyến khích sử dụng chứ không phải bắt buộc hay để nhà trường kiểm tra.
Học bạ: Cần quy định và thiết kế lại mẫu sao cho mỗi em học sinh trong một năm học chỉ cần ghi nhận xét, đánh giá trên 2 trang thay vì 4 trang như hiện nay, như vậy vừa đảm bảo tính khoa học, dễ dàng quan sát so sánh kết quả giữa các kì vừa giảm thời gian ghi cho giáo viên.
Sổ theo dõi chất lượng: Thay bằng ghi nhận xét thường xuyên hàng tháng như hiện nay mỗi năm học giáo viên sẽ có 4 lần nhận xét tương ứng với 4 lần kiểm tra theo định kì.
Nếu quy định như vậy, mỗi năm học các giáo viên tham gia giảng dạy trong một lớp có 4 lần ngồi lại với nhau để đánh giá từng em học sinh. Qua mỗi lần đánh giá sẽ thông báo kịp thời cho phụ huynh biết được kết quả học tập và rèn luyện của con em mình.
Thứ năm, về khen thưởng:
Dự thảo sửa đổi quy định việc khen thưởng gồm khen thưởng cuối năm và khen thưởng đột xuất.
Việc khen thưởng cuối năm có ba mức: Học sinh hoàn thành xuất sắc; Học sinh Hoàn thành tốt và Học sinh có thành tích vượt trội hoặc tiến bộ vượt bậc. Quy định như vậy là rất cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện so với Thông tư 30 hiện nay.
Tuy nhiên, theo tôi số lần khen thưởng cho học sinh nên thêm 1 lần nữa vào cuối kì 1 như quy định hiện nay, điều đó nhằm kịp thời cổ vũ, khích lệ học tập các em trong từng giai đoạn học tập.
Cuối cùng: Dựa trên tư tưởng, nội dung cơ bản của Thông tư 30 hiện nay, Bộ cần ban hành một Thông tư thay thế chứ không nên sửa đổi Thông tư. Có như vậy mới tránh sự nhầm lẫn giữa cái cũ với cái bổ sung, tạo được sự thống nhất trọn vẹn văn bản, thuận tiện trong việc hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Tác giả bài viết: Đặng Đình Vinh