Kinh tế

Hiệu quả bất ngờ từ trồng nấm bằng bông thải tái sử dụng

Tái sử dụng bông thải để trồng nấm và tạo phân vi sinh nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và đem lại những sản phẩm thiết thực phục vụ đời sống.

Sản phẩm giá thể nấm, phân vi sinh và nông sản sạch của nhóm. Ảnh: NVCC

Đây là dự án có tính ứng dụng cao của nhóm sinh viên RSL đến từ khoa Môi trường – Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng).

Ý tưởng về dự án được hình thành khi các sinh viên Đỗ Đức Hòa, Nguyễn Thị Thùy Dương và Nguyễn Thị Thiều Vân - thành viên của RSL có đợt thực tập tại công ty dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng).

Trong quá trình thực tập tại đây, nhóm nhận thấy lượng bông vụn thải ra rất nhiều từ quá trình sản xuất, có khi lên đến 500 kg/ngày. Lượng bông thải này không chỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh mà chi phí cho việc thu gom xử lý cũng khá cao. Tuy nhiên, khi đặt số bông này ở những nơi ẩm ướt lại mọc lên những cụm nấm.

Nhận thấy đặc tính này, nhóm đã tìm hiểu và sử dụng bông vụn để trồng nấm ăn. Đây là loại nguyên liệu có giá thành rẻ, lại rất dồi dào bên cạnh các nguyên liệu trồng nấm truyền thống như bã mía, xơ dừa,…

Sau khi lên ý tưởng cho dự án, nhóm đã có những trao đổi ban đầu với công ty dệt may Hòa Thọ và may mắn nhận được sự ủng hộ từ công ty.

Nấm được trồng từ bông vụn. Ảnh: NVCC

Theo ý tưởng này, việc tái sử dụng bông thải sẽ vừa giảm chi phí xử lý vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nấm được trồng từ bông vụn còn giải quyết được mối lo ngại về thực phẩm không rõ nguồn gốc và chất lượng đang bày bán tràn lan trên thị trường.

Trong quá trình thực hiện, nhóm còn nhận thấy lượng bã từ giá thể trồng nấm phát sinh rất nhiều và có thể được tận dụng để ủ thành phân bón vi sinh.

Sau 9 tháng ròng rã và nhiều lần thử nghiệm thất bại, sản phẩm dần được cải thiện và được cộng đồng biết đến rộng rãi.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, bạn Thùy Dương cho biết: “Với điều kiện của sinh viên thì kinh phí duy trì dự án rất hạn chế và phải tiết kiệm, lại vừa phải cân bằng giữa việc học và việc nghiên cứu nữa, nhóm em phải cố gắng sắp xếp để mọi việc đều đảm bảo ổn thỏa.

Chưa kể, các thành viên trong nhóm đều là những sinh viên với con số 0 về kiến thức và kỹ thuật trồng nấm, nên nhóm phải trải qua nhiều lần thử nghiệm mới cho ra sản phẩm như ý”.

Hiện nhóm đã thiết kế bao bì mang thương hiệu riêng cho sản phẩm. Để đảm bảo chất lượng cũng như sự tin tưởng với khách hàng, nhóm đã tiến hành mang sản phẩm đi kiểm định và nhận được kết quả tích cực khi không phát hiện lượng độc tố nào có trong nấm.

Trong thời gian tới, các thành viên sẽ thiết kế một trang web để đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm; đồng thời khảo sát, nghiên cứu nhu cầu thị trường, từ đó mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhóm đang ấp ủ các dự định và kế hoạch để làm cầu nối giữa nguồn nông phẩm sạch với đối tượng người tiêu dùng thông thái”, Thùy Dương cho biết.

Hiện tại, các bạn vẫn đang trong quá trình thử nghiệm phối trộn các loại nguyên liệu vào bông vụn để tăng hàm lượng protein trong nấm. Nhóm cũng dự định mở rộng thêm mảng cung cấp rau sạch được bón hoàn toàn bằng phân vi sinh từ bông vụn song song với trồng nấm để đa dạng nguồn sản phẩm.

Dự án giành giải Nhì tại cuộc thi WEPICS 2017. Ảnh NVCC.

Tại vòng chung kết cuộc thi “Phụ Nữ với các Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng năm 2016-2017 (Women Engineering Projects In Community Service - WEPICS)” diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 24/6 vừa qua, dự án “Tái sử dụng bông thải để trồng nấm và tạo phân vi sinh” đã xuất sắc giành giải nhì.

Tác giả:

Nguồn tin: Tạp chí khám phá

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP