Thông tin trên vừa được trang Businsess Standard đăng tải, theo đó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, ông Ajit Doval được cho là đã thông báo quyết định này với Nga trong một hội nghị giữa hai nước vào cuối tháng 2 vừa rồi.
Quyết định trên của Ấn Độ thực ra không gây ngạc nhiên cho giới quan sát vì từ cuối năm ngoái đã rộ lên tin đồn New Delhi sắp hết kiên nhẫn khi công việc thiết kế FGFA gần như đứng yên tại chỗ trong khi chi phí đã lên tới mức không thể kiểm soát.
Ấn Độ từng phàn nàn rằng chiếc FGFA dựa trên thiết kế Sukhoi Su-57 có diện tích phản xạ radar quá lớn, hoạt động kém ổn định. Tuy nhiên Nga lại cho rằng yêu cầu của Ấn Độ phải mở rộng khoang điều khiển đủ chỗ cho 2 phi công là vô lý, dẫn đến nhược điểm trên.
Nguyên mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 |
Mọi việc tưởng như đã được giải quyết khi sau đó giới chức quốc phòng hai nước có cuộc làm việc để thống nhất các điều khoản bổ sung, nhưng có vẻ yêu cầu 50 cải thiện khác nhau đối với FGFA từ Ấn Độ, bao gồm việc trang bị radar quan sát 360 độ và động cơ mạnh mẽ hơn nữa là quá sức của Moskva vào thời điểm này.
Giọt nước làm tràn ly được cho là xuất phát từ màn thể hiện của Su-57 khi nó được mang sang Syria "thử lửa". Việc chỉ góp mặt có vỏn vẹn 2 ngày rồi rút về nước theo nhận định là vì máy bay đã phát sinh nhiều lỗi.
Đầu tiên đó là lớp sơn phủ tàng hình mới chỉ được tối ưu hóa cho khí hậu lạnh ở Nga, gặp thời tiết nóng và ẩm thì nó sẽ nhanh chóng xuống cấp và đòi hỏi phải bảo dưỡng cực kỳ phức tạp.
Động cơ dành cho Su-57 cũng như FGFA đang là điều nan giải, chiếc Su-57 vẫn tạm thời phải bay bằng động cơ AL-41F1S.
Sự chậm trễ của Nga trong việc hoàn thiện chiếc Su-57 khiến Ấn Độ mất niềm tin |
Ngoài ra một chi tiết khác cũng cực kỳ quan trọng đó là New Delhi đã tố cáo họ là nguồn cung cấp tài chính chủ chốt cho dự án nhưng lại không được bàn giao những công nghệ cốt lõi đúng như điều khoản ký kết, việc làm này của Nga theo Ấn Độ là rất khó chấp nhận.
Sau khi rút khỏi dự án, Ấn Độ muốn Nga tự phát triển FGFA một mình và họ sẽ cân nhắc trong thời gian tiếp theo, hoặc mua những tiêm kích này sau khi nó đã được biên chế trong Không quân Nga.
Thông tin trên được coi là tín hiệu đáng mừng đối với một chiếc tiêm kích tàng hình khác là F-35 Lightning II do Mỹ sản xuất, khi nó được xem là ứng viên số 1 sẽ thay thế FGFA khi nhu cầu sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5 của quốc gia Nam Á này ngày càng trở nên cấp thiết.
Tác giả: Chí Linh
Nguồn tin: Báo Đất Việt