Giới trẻ

Hệ lụy livestream

Tính năng livestream (phát trực tiếp) đang ngày càng trở thành một trào lưu khó cưỡng lại của giới trẻ. Tuy nhiên, việc lạm dụng tính năng này vào những mục đích không lành mạnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Ảnh: chụp màn hìnhViệc livestream khoe thân tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa

“Cởi hết” để bán mỹ phẩm

Dân mạng đã từng một phen bị choáng váng với đoạn livestream của cô gái trẻ có tài khoản Facebook M.T.T.T nhằm mục đích quảng bá và rao bán những mặt hàng mỹ phẩm của mình. Lúc đầu khi mới rao bán mỹ phẩm thì lượt xem không nhiều và cô gái trẻ này đã dùng tới chiêu trò cùng nhau… cởi.

T.T lần lượt đưa ra các câu hỏi và chỉ cần một bình luận đúng cô nàng sẽ cởi một nút áo. Khi nút áo cuối cùng được cởi, cô nàng lại chuyển cách thức chơi, lúc này chỉ cần một hóa đơn đặt hàng trên 2 triệu đồng cô sẽ cởi theo ý khách. Cứ như thế lượt xem, lượt chia sẻ tăng vùn vụt.

Hiện nay điều này không còn quá lạ lẫm bởi ngày càng xuất hiện nhiều đoạn phát trực tiếp của các cô gái trẻ dưới dạng như đủ bao nhiêu lượt thích sẽ cung cấp số điện thoại, rồi đủ bao nhiêu chia sẻ sẽ khỏa thân hết…

Trên trang cá nhân của cô gái trẻ Hà Nội có tên là T.N.L.H đã phát đoạn trực tiếp thu hút hơn 1 triệu lượt xem chỉ trong vòng 60 phút. Sở dĩ livestream thu hút nhiều người xem bởi cô gái này đưa ra lời mời gọi: “Chỉ cần đủ 20.000 lượt chia sẻ H. sẽ nude cho mọi người xem nhé”.

Số lượt xem càng tăng lên và nhanh chóng đạt được mức đề ra chỉ trong vài phút phát trực tiếp. Và cô gái này ngay lập tức cởi hết phần xiêm y phía trên, rồi dùng tay để che bộ phận nhạy cảm còn miệng thì không ngừng những lời lẽ khiêu gợi. Đồng thời còn hứa hẹn sẽ khỏa thân toàn bộ không che nếu đạt 100.000 lượt chia sẻ.

Rồi có một cô gái với biệt danh là N.H.S.L (TP.HCM) cứ tối tối lại “show” hàng trên trang cá nhân của mình. Vừa uốn éo vừa mời gọi mọi người chia sẻ.

Và gần đây nhất, hiện tượng mạng T.S đến từ Trà Vinh đã kết hợp với T.N.L.H phát đoạn livestream cảnh cả hai cùng chơi trò oẳn tù tì, ai thua sẽ phải cởi. Và cứ mỗi lần thua sẽ cởi đi một thứ che cơ thể. Cuối cùng anh chàng T.S này đã phải cởi sạch. Cả hai đều rất tự nhiên, mặc cho dân mạng bình luận phản đối, thậm chí miệt thị hành động vừa phản cảm vừa lố lăng này.

Vô tình công khai thông tin cá nhân

Người trẻ đang bị cuốn theo thế giới ảo mà không lường trước được những hậu quả có thể xảy đến.

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, nhận định: “Tình trạng người trẻ lạm dụng tính năng phát trực tiếp để chia sẻ những điều phản cảm, những hành động gây sốc chỉ vì nhu cầu muốn thể hiện bản thân, muốn thu hút sự chú ý của nhiều người để được quan tâm, được nổi tiếng. Việc phát trực tiếp này sẽ làm mất quyền kiểm soát hình ảnh của mình. Bởi có thể sẽ bị người khác quay lại, chụp lại rồi tung lên những diễn đàn, những trang web đen với nhiều mục đích khác nhau”.

Thực tế có rất nhiều trường hợp đã phải hối hận vì những trò đùa quá trớn của mình. Như trường hợp cô gái trẻ T.V (Đắk Lắk) đã bị xáo trộn cuộc sống kể từ khi phát hiện hình ảnh nhạy cảm của mình được đăng tải trên YouTube. T.V tâm sự: “Mình chỉ livestream để chia sẻ với bạn trai, nhưng thật sự mình không lường hết hậu quả. Bạn trai mình lưu lại đoạn video này trong máy và khi máy tính hư phải mang đi sửa hình như đã bị sao chép lại. Rồi những hình ảnh của mình bị tung lên mạng. Giờ mình không còn mặt mũi nào để đi ra đường nữa”.

Trào lưu gặp gì cũng live như hiện nay cũng tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy. Thạc sĩ An nhấn mạnh: “Vô tình chúng ta đã công khai những thông tin mang tính cá nhân của mình. Chẳng hạn như có nhiều bạn vì muốn khoe ngôi nhà mới của mình mà cầm điện thoại đi vòng quanh ngôi nhà để phát trực tiếp. Vô tình tất cả những vật dụng, rồi ngóc ngách trong căn nhà bạn bị phơi bày ra cho toàn xã hội biết. “Đạo chích” sẽ có cơ hội đột nhập vào nhà bạn một cách dễ dàng”.

Không chỉ đối với người livestream mà hệ lụy còn xảy đến với cả người xem. Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, phân tích: “Rất nhiều đoạn livestream có chủ đích, được tài trợ quảng cáo và thậm chí có nhiều đoạn livestream nhạy cảm bị nhiều kẻ xấu lợi dụng, cố tình quay lại và đăng tải lên các trang mạng “đen” để câu lượt xem, lượt chia sẻ nhằm bán quảng cáo. Ở những đoạn livestream như thế này, khi lượng người xem tăng lên họ sẽ cài một mã độc ở ngay trong video đó và khi người xem kích vào, mã độc sẽ phát tán đến máy nạn nhân và họ sẽ xâm nhập vào máy nạn nhân để lấy các dữ liệu nội bộ hoặc thông tin cá nhân”.

Ý kiến

Việc phát trực tiếp sẽ giúp người dùng chuyển tải một cách trực quan, sinh động những gì đang diễn ra với họ và xung quanh. Chính vì thế, tính năng này đang được các bạn trẻ ưa chuộng và trở thành trào lưu được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, đi kèm với sự cuốn hút này cũng có rất nhiều trường hợp người trẻ bị “nghiện” live.

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An
(Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN)

Trước đây đi đâu, làm gì mình cũng tự sướng còn bây giờ chỉ thích phát live thôi. Đi đâu làm gì mình cũng live và hình như nó thành một thói quen luôn rồi. Nếu như một ngày không live một lần thì mình thấy bứt rứt khó chịu, như bị thiếu thiếu cái gì đó”.
Huỳnh Ngọc Tố Trinh (Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn)

Không phải chỉ là mê mà hình như tụi em bị nghiện live luôn rồi.
Nguyễn Như Thảo (Học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM)

Tác giả bài viết: Nữ Vương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP