Giáo dục

Hãy tự vấn lương tâm, đừng làm hại con trẻ

Những phát ngôn, chỉ đạo, tiền hậu bất nhất của một số lãnh đạo tại TP.Hồ Chí Minh về vấn nạn dạy thêm, khiến phụ huynh hoang mang, lo lắng.

ào đầu tháng 7/2016, tại cuộc họp với đoàn công tác của Bộ giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu, Bí thư Thành ủy – ông Đinh La Thăng khẳng định, nhất quyết trong năm nay phải dứt khoát bỏ dạy thêm học thêm.

Ông Thăng nói: “Tại sao các trường quốc tế thu học phí cao, không dạy thêm học thêm mà phụ huynh người ta vẫn vào.

Năm nay, thành phố dứt khoát không dạy thêm học thêm, tuyệt đối không mở các lớp dạy thêm tại các trường học.

Hội nhập mà còn dạy thêm học thêm, chạy trường chạy lớp thì sao là hội nhập được”.

Tiếp theo, trong cuộc họp do ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh chủ trì vào cuối tháng 8/2016, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “TP.Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo cấm dạy thêm trong trường học, kể cả giáo viên cũng không được dạy thêm tại nhà trong bất kỳ trường hợp nào”.

Và, theo công văn 22/7 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh thì các trường phải chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm của tất cả các trung tâm, cơ sở bồi dưỡng văn hóa, ngoại ngữ, tin học… đã được cấp phép giảng dạy trong nhà trường từ năm học này.

Cũng vào cuối tháng 8 vừa qua, trong buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.Hồ Chí Minh về vấn đề dạy thêm học thêm, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh khẳng định, cơ quan quản lý không cho phép giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình, trong bất kỳ trường hợp nào, dù dạy trong hay ngoài nhà trường.

Giáo viên có thể bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là đuổi việc, nếu có các vi phạm trong việc dạy thêm học thêm.

Hiệu trưởng cũng có thể bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất, nếu phát hiện thấy có học sinh bị ép buộc tham gia học thêm với giáo viên trong đơn vị mình.

Ngừng cấp phép mới cho việc dạy thêm trong nhà trường; tổ chức thanh kiểm tra, để sớm chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm sai quy định.

Có lẽ không cần phải nói thì ai cũng hiểu sau những tuyên bố của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, tuyên bố của Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh khiến phụ huynh và học sinh đều như trút được gánh nặng áp lực cả về kinh tế (trả tiền dạy thêm) và hao tổn sức khỏe một cách quá phung phí.

Nhưng bất ngờ trong buổi họp báo chiều 29/9 vừa qua, ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh dù thừa nhận có chuyện dạy thêm, học thêm tràn lan, phát sinh tiêu cực, lại nói rằng, sau vài tháng cấm học thêm, dạy thêm lại nảy sinh ra những bức xúc khác:

Rằng nhu cầu học thêm là có thật! Rằng nó ảnh hưởng tới nguồn thu của nhà trường! Rằng ảnh hưởng tới tâm lý giáo viên!...

Và ông Hoan tuyên bố, TP.Hồ Chí Minh chỉ cấm dạy thêm học thêm tràn lan, phát sinh tiêu cực theo đúng tinh thần thông tư 17, chứ không cấm dạy thêm học thêm như các quan điểm ở cấp cao nhất thành phố nêu ở trên.

Như vậy là những phát ngôn của các nhà lãnh đạo tại thành phố này đang đối nhau chan chát, mà có người thì bình luận rằng “loạn phát ngôn” khiến cho hàng nghìn phụ huynh chẳng biết tin vào ai.

Xin đừng làm hại con trẻ! ảnh minh họa: vietnamnet


Chưa hết, nhìn vào những giải pháp mà vị Chánh văn phòng UBND TP.Hồ Chí Minh nêu ra thì hẳn là hàng nghìn phụ huynh sẽ lo lắng lắm, bởi nó đều mang tính hệ thống và cần nhiều năm mới có thể làm được.

Đấy là “chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước dạy thêm trong trường học, từng trường phải kiểm tra, xem xét các yếu tố tác động đến dạy thêm, học thêm và đưa ra giải pháp khắc phục”.

Đấy là “phải xây dựng cơ chế chính sách tốt hơn cho giáo viên, trong đó có chính sách nhà ở”; “đầu tư cơ sở vật chất cho trường học, giảm tải chương trình học, tăng cường thời gian ngoại khóa”; “đổi mới sách giáo khoa và thi cử, và thứ năm là phải kiểm tra các cơ sở dạy thêm bên ngoài để tránh việc mở tràn lan, không đủ tiêu chuẩn về giáo viên, chất lượng dạy học”.

Như vậy là mặc dù không nói thẳng ra, nhưng với những thông tin ông Võ Văn Hoan cho biết thì có thể thấy là TP.Hồ Chí Minh cũng đã bất lực sau một tháng vùng vẫy với ý định cấm triệt để dạy thêm, học thêm.

Quả bóng trách nhiệm bị đá về Bộ Giáo dục và Đào tạo

Vấn nạn dạy thêm, học thêm đã diễn ra nhiều năm qua và các nhà quản lý chẳng biết làm thế nào để quản lý được nhu cầu thật hay bị ép buộc.

Hơn nữa, trong xu thế đổi mới giáo dục để theo kịp thế giới, rõ ràng cắt giảm kiến thức thừa thãi – nặng nề, để thay bằng nhiều hoạt động khác giúp cho học sinh phát triển toàn diện, trở thành “công dân toàn cầu” là một yêu cầu hoàn toàn đúng đắn.

Tư duy theo hướng ấy, thì tại sao không cấm tiệt dạy thêm kiến thức trong sách (kể cả là nâng cao) để mở ra các câu lạc bộ phát triển kỹ năng sống, câu lạc bộ âm nhạc, thể thao, dạy nấu ăn, hội họa...? Thậm chí, hoàn toàn có thể thành lập câu lạc bộ Toán học, Văn học, Tiếng Anh... để những học sinh có năng khiếu nổi trội có thêm điều kiện phát triển chuyên sâu.

Nhưng thật đáng tiếc, vùng vẫy chỉ được vỏn vẹn 1 tháng, một số nhà quản lý ở TP.Hồ Chí Minh lại đã quả bóng trách nhiệm về vấn nạn "dạy thêm, học thêm" cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (khi vin vào thông tư 17).

Thông tư 17 nói rằng: “Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ của giáo viên theo quy định; hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm”.

Rất nhiều nhà giáo đã thẳng thắn bày tỏ, chính Thông tư này mở rộng thêm cánh cửa cho dạy thêm, học thêm một cách công khai (nhưng thực chất phần lớn vẫn là o ép, bắt buộc học sinh).

Vài ba thứ giấy phép, thủ tục đơn giản như vậy thì ở đâu chẳng làm được? Thử hỏi, đã là giáo viên thuộc biên chế nhà nước thì có ai không đủ tiêu chuẩn kiến thức dạy thêm?

Thử hỏi, có Hiệu trưởng nào mà lại không ký duyệt cho giáo viên dạy thêm khi mà họ cũng có quyền lợi? Mà ký rồi thì có nghĩa là dạy công khai theo quy định, chứ không cần phải che đậy gì.

Thử hỏi, có phụ huynh nào đưa con đến lớp học thêm mà lại không chịu viết đơn theo yêu cầu của giáo viên? Mà đã ký vào đơn thì có nghĩa là hoàn toàn tự nguyện rồi, không có chuyện ép buộc.

Họ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, phải gồng mình làm thêm để có tiền đóng học cho con (một cách vô lý), vì lo sợ cô giáo sẽ âm thầm phân biệt đối xử với con mình.

Tất cả đều hợp pháp đúng theo hướng dẫn trong Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng lại gây ra quá nhiều bức xúc trong xã hội, vậy mà nhiều năm qua Tư lệnh ngành chưa có biện pháp nào ngăn chặn triệt để vấn nạn này.

Bên trong lớp học thêm chui ở Bình Tân vừa bị phát hiện. Ảnh Phương Linh


Hãy tự vấn lương tâm, đừng làm hại con trẻ

Khi bàn về học thêm, dạy thêm, cũng có quan điểm rằng, học thêm là nhu cầu chính đáng, dạy thêm là chính đáng. Đúng là có những học sinh tiếp thu chậm cần được bồi dưỡng thêm, nhưng đó là một tỷ lệ rất nhỏ.

Hàng năm số lượng học sinh bị lưu ban liệu có lớn đến mức phải tổ chức dạy thêm ồ ạt như vậy? Số lượng học sinh đạt loại giỏi, loại khá chiếm phần lớn, thậm chí có những trường lên đến gần 100%, vậy thì tại sao vẫn dạy thêm, học thêm?

Dạy thêm, học thêm, thi cử lấy thành tích cao, nhưng khi vào đại học hầu hết kiến thức ấy đều vứt bỏ. Vậy thử hỏi những lớp học thêm này mang lại lợi ích hay chỉ tạo thêm áp lực cho con trẻ?

Cũng có người nói rằng, nếu không dạy thêm thì giáo viên sống bằng gì khi chúng ta hô hào “giáo dục là quốc sách hàng đầu” mà bậc lương thì vẫn đứng thứ 14 trong hệ thống hành chính sự nghiệp.

Một giáo viên dạy bậc THPT đứng lớp hơn 10 năm cũng chỉ có mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, bao gồm cả phụ cấp. Quả thực, mức lương ấy thật khó sống trong thời bão giá.

Cho nên họ dạy thêm cũng là vì miếng cơm, manh áo, trang trải đủ thứ chi phí của gia đình.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhiều năm trước đây, các nhà giáo còn sống trong hoàn cảnh khổ cực hơn rất nhiều, vậy mà họ vẫn dạy tốt, vẫn giữ được đức độ của người thầy đấy thôi. Và, cũng trong hoàn cảnh trường lớp đều thiếu, tài liệu cũng thiếu, mà vẫn đào tạo ra nhiều thế hệ tài năng đấy thôi.

Vậy nên có một sự thật phũ phàng mà nhiều người lảng tránh, đó là từ những nhóm học nhỏ (phụ đạo thêm cho học sinh yếu một cách đúng nghĩa), học thêm, dạy thêm đã bị biến thành một loại dịch vụ mang tính thị trường trần trụi.

Đó là điều rất đáng xấu hổ trong ngành giáo dục.

Đó là những điều rất đáng xấu hổ với những người mang danh nhà giáo. Bởi thế mà đã có nhà giáo kêu gọi các đồng nghiệp "Xin hãy tự trọng"!

Đâu đó có thể còn thị phi gian dối, nhưng ở môi trường giáo dục, nơi đào tạo con người dứt khoát không thể có thị phi, gian dối.

Người thầy không chỉ giữ vai trò truyền thụ kiến thức cho học trò, mà hơn thế nữa họ phải là một tấm gương tốt để dạy con trẻ trở thành những người tử tế.

Vì lẽ ấy, chẳng may trình độ của giáo viên chưa theo kịp với yêu cầu mới thì họ hoàn toàn có thể bù đắp được bằng những nỗ lực, bằng đam mê, tâm huyết với nghề.

Nhưng nếu đó là sự dối trá, hành xử thiếu chuẩn mực chỉ vì đồng tiền thì liệu có dạy nổi con trẻ nữa không?

Tác giả bài viết: Ngọc Quang

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP